Ý kiến chuyên gia

Bàn thêm về dạy thêm và học thêm dưới góc nhìn sư phạm

Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì ta phải dành ngân quỹ cho quốc sách đó và xin đừng nói chuyện cung - cầu cho vấn đề dạy trẻ: Giáo dục phải thuộc về phúc lợi chứ không thuộc dịch vụ hay hàng hóa trên thị trường.

>> Giáo viên dạy thêm, vì sao lại cấm?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trên nhiều báo gần đây vấn đề học thêm dạy thêm được bàn đến

Đa phần các ý kiến cho rằng cần dạy thêm học thêm vì phụ huynh có nhu cầu đầu tư nhiều nhất và tốt nhất cho việc học của con. Con học thêm để giỏi hơn, để được điểm cao và để thi đậu. Cho con học thêm, nhất là trong lúc hè là cùng lúc tránh cho con lêu lỏng ngoài đường hay không có ai quản lý.

Có ý kiến cho rằng một số trò không đủ thông minh trí tuệ, có những em thiếu tố chất để tiếp thu nhanh trong lớp nên cần học thêm,

Chương trình nặng nên không học thêm giờ thì không hoàn thành được chương trình. Ở lớp không đủ giờ để làm bài tập nên thầy phải tổ chức dạy thêm để … bổ túc và dĩ nhiên khi cho bài kiểm tra thì giáo viên dựa trên những bài tập này.

Học thêm để luyện thi, để tăng khả năng thi đậu.

Giáo viên dạy ngoài giờ là sinh hoạt bằng trí tuệ của họ, cũng như bác sĩ có quyền mở phòng mạch tư, tại sao cấm giáo viên dạy thêm ? Đòi hỏi người đi dạy phải bằng lòng với số lương ít ỏi không đủ sống là một đòi hỏi quá đáng.

Trong tất cả những tranh luận có lẽ vai trò của sư phạm chưa được chú ý đúng mức.

1. Trẻ cần học thêm vì trường học bên ta không dạy trẻ tự học, cứ từ chương mà nhồi nhét vào đầu nên cần lên lớp nhiều giờ, cần học thêm. Cứ như “học nhiều” thì ta sẽ giỏi hơn chứ không phải “học tốt” thì ta sẽ phát triển tối ưu nhất. Montaigne đã nói cách đây năm thế kỷ rằng ta cần “một cái đầu biết suy nghĩ chứ không phải một cái đầu đầy”. Rốt cuộc học nhiều nhưng vẫn thiếu kỹ năng là trường hợp của số đông trong giới trẻ ta hiện nay.

2. Có người khác cho rằng một số trò không ...kịp hiểu ở lớp nên cần học sau giờ. Tại sao không đặt vấn đề ở phương pháp dạy cho tất cả các trò đều theo kịp? Đành rằng có một số trò học chậm hơn các bạn. Nhưng trước nhất, số này không nhiều. Thứ đến, các em này cần những phương pháp giáo dục đặc thù chứ không cần học thêm.

Trẻ cần học thêm, không phải chỉ trẻ mà cả phụ huynh nữa, cần cho con học thêm vì con sẽ được điểm cao hơn, thi đậu chắc hơn. Điều này ai cũng nhắc tới mà không ai lên tiếng rằng học thuộc lòng và chế độ “đánh giá - trả bài” của chúng ta là hoàn toàn lạc hậu, thi xong là bao nhiêu chữ trò cho thẩy hết.

4. Học thêm dạy thêm vì ta cần bằng cấp. Đi học không để phát triển hay hạnh phúc mà đi học là một phương tiện để tiến thân. Cha mẹ đầu tư cho việc học của con, kể cả việc chi trả các lớp học thêm, để hi vọng rằng con mình học xong sẽ kiếm được tiền và có địa vị tốt trong xã hội.

5. Niềm vui của học tập có là một chủ đích hay không? Nhà trường chứ đâu phải nơi quản thúc mà bắt trẻ phải ngày ba buổi, vừa học chính rồi học phụ và học thêm, chạy ...học đến bỏ ăn bỏ ngủ? Philippe Meirieu, một nhà giáo dục người Pháp, cựu giáo sư ở ĐH Lyon, đã bàn về niềm vui của học tập từ hơn mười năm nay.

6. Còn chuyện chót: Một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về não bộ của trong quá trình học, ông Stanilas Dehaene, kêu gọi cho trẻ ngủ đủ giờ, dùng giấc ngủ của trẻ như một … phương pháp sư phạm. Vì có ngủ đủ giờ trẻ mới có đủ khả năng tiếp thu kiến thức mới và kiện toàn trí nhớ – trong lúc ngủ mơ, REM Sleep, trẻ tổ chức và xếp đặt lại những biến cố trong ngày. Đi học thêm để thiếu ngủ là phản sư phạm.

7. Đó là chưa nói đến nhu cầu chơi của trẻ em.

Thật vậy, trẻ chơi để trải nghiệm, nhất là trải nghiệm một cách an toàn vì chơi là những trò ...”giả”, không bị hậu quả xấu nếu rủi có thất bại. Trẻ chơi để học quyết định, để học sống trong xã hội với những vai trò khác nhau, chơi để phát triển não, để khám phá và thử thách khả năng mình, …

Trẻ chơi là ...học đấy, chơi một mình và chơi với bạn. Chúng cần chơi cũng như cần đến trường.

Ta rất cần một triết lý giáo dục hợp thời, cấu trúc chương trình thích ứng, những phương pháp sư phạm có khả năng thực hiện triết lý giáo dục và nội dung chương trình với những phương thức đánh giá-đào tạo chứ không phải đánh giá trả bài. Đồng thời ta cũng cần áp dụng những mẫu liên hệ thầy trò hợp tình hơp lý. Hợp tình hơp lý ở đây có nghĩa là vừa giữ văn hóa “tôn sư học đạo” vừa tiếp cận những hiểu biết mới về tâm lý học trò và trào lưu dân chủ ở trường học.

Cũng đừng nói vì lương giáo viên ít nên giáo viên phải dạy thêm. Đó là một vấn đề chính sách lương bổng. Phải làm sao cho giáo viên đủ sống để toàn tâm toàn trí lo cho trẻ thay vì bắt trẻ hay cha mẹ trẻ phải … nuôi thầy cô.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì ta phải dành ngân quỹ cho quốc sách đó và xin đừng nói chuyện cung - cầu cho vấn đề dạy trẻ: Giáo dục phải thuộc về phúc lợi chứ không thuộc dịch vụ hay hàng hóa trên thị trường.

Cuối cùng, một số giáo viên cần dạy thêm để ...gỡ lại vốn đã đầu tư vì đã phải chi phong bì lúc xin việc. Trong sạch hóa việc bồ nhiệm giáo viên có thể là một cách giúp giáo viên không cần phải dạy thêm. Nhưng vấn đề này thuộc về quản lý và vượt khỏi phạm vi giáo dục.

Nguyễn Huỳnh Mai

Ghi chú thêm:

Tác giả bài này nói chuyện về giáo dục và về lương giáo viên từ nhiều năm nay

http://dantri.com.vn/dien-dan/tu-nghe-day-hoc-o-nuoc-ngoai-nghi-ve-nen-giao-duc-nuoc-nha-1328722425.htm

Chi tiết về phương pháp sư phạm trong bài có thể tra cứu thêm:

(1) http://dantri.com.vn/c202/s202-450575/ban-ve-cach-thuc-cham-diem-hoc-tro.htm

2) https://huynhmai.org/2014/09/02/philippe-meirieu-va-niem-vui-cua-hoc-tap/

3) https://huynhmai.org/2016/01/25/stanilas-dehaene-nao-bo-va-day-toan-cho-tre-o-tieu-hoc/

(4) https://huynhmai.org/2015/10/22/lang-thang-tre-choi-de-lam-gi/