Bạn đọc bình chọn "sự kiện PHÍ 2012" (!?)

(Dân trí) - Ngày cuối cùng thứ 365 của năm, kỷ lục phản hồi của bạn đọc vẫn thuộc về chủ đề Phí bảo trì đường bộ. Cái tên được nhắc tới với tần suất cao nhất vẫn là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. 2 từ cảm thán được dùng nhiều nhất là: Nản và Thất vọng!

Xe máy khổ đường xe máy
Xe máy khổ đường xe máy!!!

Hội chứng “Ngày 1/1/’13”

 

Ngẫm lại cả một năm qua với không biết bao lần dư luận đã phải sục sôi vì mấy ông bộ GTVT, Tài chính, Công thương… mà vẫn chằng nước non gì, Mr T fđhgfh@gmail.com thậm chí phải buông xuôi bằng đề xuất bình chọn Phí (chồng thuế) thành “sự kiện của năm”:

 

“Thu phí bảo trì đường bộ là một trong nhiều vấn đề được xã hội quan tâm nhất năm 2012”

 

Nick Ngày tận thế phicauduong@yahoo.com còn chua chát hơn khi ví ngày Tết Tây được cả thế giới tưng bừng chào đón cùng bao niềm tin và hy vọng, với hội chứng sợ  hãi đã xảy ra với khá nhiều người dân về cái gọi là Ngày Tận thế 21/12/’12 vừa qua:

 

“Trái Đất đã thoát khỏi ngày tận thế, nhưng ở VN thì ngày 01/01/’13 theo tôi sẽ là ngày TẬN THẾ của các phương tiện tham gia giao thông và của những người dân, người lao động nghèo. Gánh đủ thứ phí mà đường sá, giao thông càng ngày càng tồi tệ hơn. CHÁN!”

 

Tan Phong ntphong2606@yahoo.com đào sâu thêm nỗi lo sợ bằng tâm lý hồi  hộp rất khó tả mỗi khi hay tin lại có một nghị định mới nào đó liên quan đến “bác giao thông”:

 

“Để qua năm 2013 coi bác bộ trưởng nào đưa ra ý kiến hay hơn bác Thăng không nha, chứ bây giờ tôi biết dân mình sợ ngày 1/1/’13 hơn là ngày 21/12/'12 nữa kìa….Em nghĩ, bác Thăng còn ‘ngồi trên ghế nóng’ kiểu đó nữa thì dân tụi em còn…hồi hộp lắm!”

 

Như rất nhiều “Gia Cát Dự” đã tiên lượng, PHÍ – THUẾ - TĂNG GIÁ chưa dừng lại ở đó đâu, Hoàng Anh hoanganhut@gmail.com còn bồi tiếp một cảnh báo đỏ:

 

“Các bác ấy dạo này đúng là có nhiều… phát kiến vĩ đại thật! Theo dự đoán của tôi thì cứ với tốc độ này, chắc chúng ta sẽ chính thức hoàn thành PHỔ CẬP CÁC LOẠI PHÍ" trong vài 3 năm nữa thôi. Cố lên, các vị ơi!”

 

Nguyen nvt_24_12@yahoo.com tóm lại vấn đề chỉ trong 2 chữ:

 

“Ngày càng thấy các bộ ngành thể hiện cái quyền lực ‘tận thu’ của mình và càng mở rộng phạm vi. Chỉ có dân là khổ. Các ông các bác ấy có đi xem dân tình sống thế nào đâu mà lo cho dân chứ? Không thể tin tưởng các vị ấy nữa rồi. Thôi phải tự mình sống tốt vì mình và vì gia đình thôi. Ngày càng chán nản!”

 

Thuc congthuc285@yahoo.com liệt kê nhanh:

 

“Năm 2013 dân chịu nhiều thuế (phí) mới quá : thuế sang tên đổi chủ phương tiện, thuế đường bộ, thuế rút tiền qua thẻ ATM.......Sao vẫn cứ toàn chỉ thấy làm khổ dân mình vậy, thật không thể hiểu nổi???”

 

Trần Chí Hào tranchihao1985@yahoo.com...cười gượng bằng đề xuất trào lộng:

 

“Lại bài ca muôn thuở. Không biết năm 2013 này người lao động sẽ '' được hưởng'' thêm bao nhiêu loại phí nữa đây!? Càng ngẫm nghĩ càng thấy chán! Các bạn có biết ai bán… máy bay hay du thuyền trả góp không? Nếu ai biết liên hệ dùm mình nha, mua máy bay hoặc du thuyền chắc không phải đóng phí nhiều?”

Ô tô khổ đường ô tô (minh họa: Ngọc Diệp)
Ô tô khổ đường ô tô!!! (minh họa: Ngọc Diệp)

 

Sao toàn làm khổ dân vậy?

 

Vâng, câu hỏi đó vẫn đang vang lên từng ngày, từng giờ và lẽ ra phải rất day dứt trong lòng những cán bộ được giao trách nhiệm làm việc cho dân, cho nước. Nhưng rồi nó cứ được lặp đi  lặp lại để…vẫn treo lơ lửng đâu đó.

 

“Bộ GTVT hết tiền rồi hay sao mà phải thu gấp thế, trong khi chưa hoàn thiện đề án và chưa giải thích rõ ràng hết các vướng mắc và thắc mắc của người dân? Thử hỏi với bao nhiêu ý kiến phản hồi qua phương tiện báo chí thôi, các vị đã trả lời được bao nhiêu % các vấn đề đó? Tôi quá chán với cách làm việc của quan chức nước ta hiện nay nói chung rồi. Các nhà làm luật đừng đẩy người dân đến chỗ bắt buộc vi phạm pháp luật. Xã hội phải ngày càng giảm các hình phạt và mức phạt mới thể hiện được cuộc sống tốt đẹp chứ. Nản quá!” - Manh Phong: manhphong@gmail.com

 

“Đúng là vớ vẩn thật! Nên có thêm một thống kê rằng: Trong năm 2012 có những nghị định không giống ai, đưa ra để làm khổ dân mà hiệu quả thì chẳng thấy đâu. Bắt người ta đóng phí đi đường...thì hãy xem đường sá như thế nào rồi hãy thu phí. Hãy đảm bảo đường sá tốt rồi mới buộc người dân đóng. Chẳng thể hiểu những quyết định chẳng giống ai của các ông…ngồi trên mây ấy…. Chẳng còn lời nào để nói nữa, người dân thực sự mất lòng tin quá!” - Realmansm:  realman_sm3@yahoo.com

 

“Sao mà thu lắm thế, cái gì cũng thu! Bộ Tài chính, Bộ Giao thông đề ra quy định thu phí giao thông, nhưng không thấy bộ nào đứng ra cam kết đảm bảo chất lượng đường sá, cầu cống? Toàn thấy các chế tài xử phạt nặng nếu không nộp, rồi tỷ lệ trích % cho các ban ngành từ nguồn thu được.... Thế là hết. Quá yếu kém trong công tác quản lý!!!” - Anh Thái:  thaiduong4102000@gmail.com

 

“Vẫn mãi điệp khúc phí, cho dù người dân có kêu ca đến đâu chăng nữa thì các vị ấy vẫn bỏ ngoài tai mà thôi. Tham nhũng nhiều quá làm thâm hụt ngân sách, nên các vị đành phải thu tiền của dân để bù đắp ấy mà. Chẳng ở đâu như bên ta, làm gì thì các giới chức toàn thấy làm ngay mà chẳng cần hỏi ý kiến của dân lấy 1 câu. Làm không được lại… sửa sai, có chết vị nào đâu, chỉ khổ dân thấp cổ bé họng kêu ai cho thấu??? Thu phí đường bộ thì cào bằng, phương án và phương pháp tổ chức thu thì đến các cấp quản lý ở địa phương còn chưa biết phải làm thế nào… Khi các vị thu xong rồi thì ai quản lý số phí trên để biết các vị có sử dụng đúng mục đích không?

 

Theo tôi, tóm lại là các bộ ngành của ta… có vấn đề, nên mới tham mưu cho Chính phủ thể hiện nhiều mặt hạn chế như thế. Tốt hơn hết, các vị nên tổ chức các cuộc thi toàn quốc về phương pháp quản lý đất nước cho từng bộ ngành của mình. Người dân nào có phương án hay nhất, khả thi nhất, hợp lòng dân nhất thì người dân đó có thể được chọn lên thay thế vị trí Tư lệnh của ngành đó. Chứ cứ để cho các vị quản lý bộ ngành yếu kém như thế này chỉ tiếp tục làm khổ dân chúng tôi nữa thôi” - Minh: huymaotn@yahoo.com
 
Coi chừng...!!! (minh họa: ttxva.org) 
... Và hãy coi chừng...!!! (minh họa: ttxva.org) 

 

Trông người lại ngẫm tới ta

 

Phản hồi với những lý giải của ngành chức năng thường là “các nước đã làm thế từ lâu, ta nay mới áp dụng là quá chậm”…, người dân đưa ra vô vàn dẫn chứng về khoảng cách còn rất xa giữa nước người với nước ta:

  

“Ở nước ngoài người ta vẫn đóng phí bảo trì đường bộ đàng hoàng, nhưng nếu như đường có rợn sóng hoặc ổ gà thì dân họ thưa tới bến. Còn ở Việt Nam, đóng phí xong có bị ổ gà hay ổ trâu, có bị tai nạn… mà thưa kiện thì lại coi như con kiến kiện củ khoai…” - Trần Đình Thảo:  dinhthao79@yahoo.com

 

 “Đề nghị bác Thăng và các vị ở Bộ GTVT, Bộ Tài chính đến Australia nơi tui đang sinh sống, tham khảo xem người ta thu phí như thế nào. Thật sự là rất công bằng, liêm chính và thoả đáng. Ở Australia  gọi là RTA hay Vic Road, tuỳ tiểu bang sẽ có tên khác nhau = Bộ GTVT của VN. Mỗi năm chủ phương tiện sẽ tự động đến đóng tiền phí lưu hành và được cấp 1 tấm giấy nhỏ (ghi biển số xe, loại xe và năm sản xuất) dán lên phương tiện của chủ xe. Chỉ thế là xong. Nếu đi ngoài đường mà không có cái đó thì sẽ bị phạt = số tiền đóng phí 1 năm và họ áp dụng cho tất cả các loại xe. Những xe nào khi đi hết hạn và không muốn sử dụng nữa nhưng chưa bán, thì quá thời hạn 3 tháng từ ngày cuối đóng phí năm trước sẽ không sử dụng được  nữa và không được phép lưu thông.  Sau này nếu chúng ta đổi ý sử dụng lại thì chỉ cần đăng ký lại và đóng tiền lệ phí.

 

Luật gì cũng cần ý thức hợp tác của người dân, mà ý thức người dân lại phụ thuộc vào sự rõ ràng của luật. Các bác cứ ra mấy cái quy định luật dân thấy rõ là rất mập mờ, lại đi lòng vòng xuống phường xã, tổ dân phố thì chỉ sinh ra thêm nhiều tiêu cực và lộn xộn thôi. 1 nhóm quản lý sẽ hay hơn là phân ra cho tùm lum tỉnh thành, trong khi đó người dân không  biết (hoặc không tin) các bác lại lấy tiền làm gì???” - Ken:  keny_dinh@yahoo.com

 

“Tôi hiểu đây là tận thu của phí mà không ai có thể có lý do nào biện minh. Nếu thu qua xăng dầu, nhà nước chỉ việc thu qua các công ty xăng dầu bao nhiêu đấy qua số lượng đã bán. Những đơn vị không sử dụng đường sá sẽ được hoàn phí qua hóa đơn xăng dầu, cũng như hoàn phí cho những xe bị hỏng hoặc không chạy được. Như vậy sẽ tránh được những điều sau:

 

+ Làm phình ra lực lượng thu phí.
+  Mất phần trăm từ 10 đến 20% cắt lại cho đơn vị thu phí.

+ Chi phí in cấp giấy chứng nhận thu phí.

+ Tạo thêm điều kiện cho lực lượng chức năng có thể tùy tiện chặn xe với lý do kiểm tra phí và mất thời gian với phí, trong khi đang rất cần họ để điều hành chống ùn tắc giao thông.

 

Đây là những điều rất dễ dàng để so sánh khi thu phí qua xăng dầu và cách tận thu mà ai cũng dễ dành thấu rõ. Nhưng… rất chán nản!” – Tran Thuong:  tranthuong0175@yahoo.com

 

“Sao không dùng mã vạch cho mỗi xe nhỉ. Thế đi đâu cũng phải cầm tờ biên lai đã nộp Phí ĐB đi ư? Nhỡ mất thì làm sao? Np qua Ngân hàng hay KBNN là tiện nhất. Chứ đến các bác xã phường là phiền toái lắm...” – Vu Ha: vuha1617@yahoo.com.vn

 

Tới tận ngày cuối cùng của năm 2012 này, với rất nhiều người dân VN có lẽ chỉ có một điều ước chung duy nhất. Đó là được thoát khỏi ám ảnh Phí (Thuế)! Nhưng với các bộ ngành đang quyết tận thu, chuyện đó… viễn tưởng???

 

Khánh Tùng