Bài học trong cách ứng xử của cán bộ với dân

Hai vụ việc liên quan đến những cán bộ là “công bộc” của dân tại Hà Nội gây xôn xao dư luận trong những ngày qua đều là những va chạm nhỏ không đáng có nhưng thực sự là một bài học lớn trong cách ứng xử của cán bộ với dân và dân với cán bộ trong đời sống thường nhật.


Ảnh minh họa. Nguồn: danviet

Ảnh minh họa. Nguồn: danviet

Vừa qua, videoclip về một bà phó chủ tịch quận ở Hà Nội đi ăn trưa đậu ô tô không đúng nơi quy định, xảy ra cự cãi với dân, câu chuyện gây ra luồng dư luận không tốt trong xã hội chưa kịp lắng xuống thì mấy ngày nay, dư luận lại “dậy sóng” trước việc cán bộ phường Văn Miếu (Hà Nội) gây phiền hà, khó dễ cho người dân trong việc cấp giấy chứng tử.

Hai sự việc với hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau nhưng có điểm chung là việc ứng xử của cán bộ với nhân dân, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Những sự việc này lại xảy ra sau khi đầu năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Bộ “Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội” với mục đích chính là xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động thủ đô “kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện”. Lẽ nào “Quy tắc ứng xử” do lãnh đạo thành phố Hà Nội ban hành vẫn chưa đến được với cán bộ ở cơ sở?

Điều đáng nói nữa là những vụ việc này không nhiều nhưng không phải là cá biệt và lại chưa được rút kinh nghiệm từ trong thực tế. Bởi tại Hà Nội trước đó đã có một số vụ việc công chức, viên chức có những hành động không đúng mực với dân, hoặc cư xử không đúng mực với nhau đã làm xôn xao và gây dư luận không tốt. Đó là vụ việc "Cán bộ Sở Ngoại vụ Hà Nội đánh tiến sĩ 76 tuổi nhập viện". Hay phát ngôn xưng hô “chúng mày” và “mày” của một vị là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội với một số phóng viên báo chí; việc một công chức đánh phụ nữ ở sân bay Nội Bài đã làm xấu đi hình ảnh về những “công bộc” của dân…

Có thể nói, những vụ việc trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, là bài học nhắc nhở cán bộ về việc tu dưỡng, học tập, nêu gương đạo đức cách mạng, đạo đức người cán bộ, đảng viên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “bắt bệnh” và “bốc thuốc”.

Những vụ việc trên cũng đã nêu ra cho cán bộ, công chức bài học đắt giá về cách ứng xử với dân. Vị trí của mình là công bộc của dân, là cán bộ được Đảng và nhân dân tín nhiệm thì phải làm đúng vai trò, vị trí. Cán bộ phải "cần, kiệm, liêm, chính" như Bác Hồ đã dạy. Nếu ý thức được như vậy, chắc hẳn sẽ không để xảy ra những chuyện đáng tiếc, phải nói lời “mong thông cảm” mà dư luận chưa chắc đã đồng tình.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn văn hóa – xã hội của MTTQ Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, trong điều kiện nào thì người cán bộ cũng phải biết kiềm chế. Khi tiếp xúc với dân có thể nghe những điều khó nghe, hoặc gặp nhiều trường hợp ở ngoài xã hội dù bức xúc thật, nhưng phải kiềm chế để giải quyết vấn đề mới là khôn ngoan. Làm như vậy mới đúng với phong cách cán bộ cách mạng chứ không phải là “quan” cách mạng.

Nhưng chúng ta cũng phải xem xét chiều ngược lại là vì sao mà người dân lại bị “hành” như vậy? Trong thực tế, một số người dân chưa tuân thủ nghiêm luật pháp, chưa thực hiện nghiêm các quy định hiện hành… Đây chính là cái cớ, là cơ hội cho những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất lợi dụng để chèn ép, bắt nạt, vòi vĩnh người dân.

Để hệ thống quản lý hành chính được lành mạnh, hiệu quả; việc thực thi công vụ theo đúng chuẩn mực, ngoài việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức thì rất cần sự hỗ trợ hiệu quả từ phía người dân. Thượng tôn pháp luật – đó chính là đòi hỏi của một xã hội văn minh mà dù là cán bộ công chức hay người người dân đều phải thực thi.

Liên quan đến vụ việc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, với tâm lý phản kháng, văn hóa dân gian và dư luận xã hội luôn lan truyền cái xấu của quan chức rất nhanh. Truyền thông càng phát triển bao nhiêu thì những phản ánh đó càng nhanh chóng lan rộng và phát triển bấy nhiêu. Công bộc của dân càng phải nghiêm chỉnh để tránh ảnh hưởng xấu lan ra.

Trong thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (Nghệ An) ngày 17/9/1945, Bác Hồ căn dặn: Cán bộ ta nhiều người "cúc cung tận tụy", hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là cả công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể. Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay…” (1). Đọc và ngẫm nghĩ, lời Bác vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn cuộc sống ngày nay./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3, tr. l39.

Trung Anh

Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam