Nhân ngày 8/3

“Ân tình của mẹ” – lời tự đáy lòng của một người con

Viết về người mẹ là đề tài không bao giờ cạn của thi ca, âm nhạc. Biết bao ca khúc, vần thơ ca ngợi công lao của người mẹ đối với con. Có những khúc ca như lời ru, thủ thỉ, tâm tình, ngấm dần vào trong ta từ lúc nào không hay. Lại có những bài ca là lời của người con nhớ về người mẹ đã khuất của mình, là lời tri ân xúc động, để ân tình ấy suốt đời mang theo. Ca khúc “Ân tình của mẹ” (nhạc Ngọc Khuê – phổ thơ Nguyễn Thành Vinh) là một khúc ca như thế.

“Ân tình của mẹ” – lời tự đáy lòng của một người con - 1

Tôi có may mắn được dự buổi giới thiệu tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội tháng 1 năm 2018. Cả 9 tác phẩm được giới thiệu đều xuất sắc, nhưng tôi ấn tượng nhất là ca khúc “Ân tình của mẹ” – một sáng tác mới của nhạc sĩ Ngọc Khuê, phổ thơ Nguyễn Thành Vinh.

Cầm bản nhạc trên tay, tôi đã bị thu hút bởi ca từ xúc động. Nhưng khi ca sĩ Anh Thơ cất lên “Con đi khắp bốn phương trời. Ân tình của mẹ một đời mang theo” thì bài hát thực sự đánh thức tâm hồn tôi, khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu kỹ hơn. Và tôi nhẩm theo chị Anh Thơ, rồi thuộc. Bài hát ngấm vào tôi từ lúc nào không hay, xúc động trào dâng, cay cay nơi khóe mắt.

Bài được viết ở giọng La thứ, cấu trúc hai đoạn theo khúc thức A-B.

Toàn bộ phần lời như sau:

Con đi khắp bốn phương trời. Ân tình của mẹ một đời mang theo. Sinh ra từ mái tranh nghèo, tuổi thơ mất mẹ gieo neo dặm trường. Mỗi lần trở lại quê hương, nghe câu chuyện cũ càng thương mẹ nhiều. Mẹ cho con trái tim yêu, cho con những giọt nắng chiều xôn xao, Ôi lời ru của mẹ ngọt ngào, đêm đêm thức đập đi vào thơ con. Khắp bốn phương trời con hằng nhớ me, mang theo ân tình mang theo quê mình, mang theo trái tim yêu ngày đêm thương nhớ. Ơi ân tình của mẹ, ơi ân tình mẹ của con.

Bài hát là những lời tự đáy lòng của một người con nghĩ đến người mẹ đã khuất của mình. Mở đầu bài hát, ta hình dung ra người con đang ở một phương trời nào xa xôi mà không phải quê mình. Mặc dù “đi khắp bốn phương trời”, nhưng người con vẫn cảm nhận được “ân tình của mẹ” đang ngày đêm dõi theo bước chân của con, để rồi “một đời mang theo”. Thật là một người con hiếu thuận, sống có nghĩa có tình. Câu nhạc thứ nhất được bắt đầu bằng nốt mi (bậc 3 của giọng la thứ), rồi một dấu hoa mĩ (mi – la) ứng với ca từ “bốn phương trời”, để rồi sau đó một loạt nốt trầm đồ xì là sòn và dấu luyến ứng với ca từ “một đời mang theo” tạo nét nhạc tình cảm, sâu lắng da diết. Cuối câu thứ nhất là nốt mi trắng nối với nốt mi đen, ngân dài, tạo nên cảm giác bâng khuâng trống trải trong lòng người con. Vì sao thế? Câu hát tiếp theo “sinh ra từ mái tranh nghèo, tuổi thơ mất mẹ gieo neo dặm trường” đã cho ta thấy điều đó. Hóa ra người con mồ côi mẹ từ nhỏ, có một tuổi thơ vất vả trăm đường. Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết “Trên đời, chẳng ai lo cho ta bằng mẹ…”. Nhưng ai không may mất mẹ từ thuở nhỏ là cả một thiệt thòi lớn, bởi dù cha có chăm sóc ta thế nào chăng nữa, mà thiếu đi hơi ấm của mẹ, thiếu vòng tay ấp ủ của mẹ là mất cả tuổi thơ. Ở câu nhạc thứ ba, vẫn tiết tấu chủ đạo là các nốt móc đơn, móc kép, dấu luyến, nhưng nét nhạc được xây dựng trên âm vực thấp với các nốt đồ xì là tạo nên sự trầm lắng. Ca từ ở đây cũng là lời tự sự tâm tình “mỗi lần về lại quê hương, nghe câu chuyện cũ càng thương mẹ nhiều”. Hẳn là người con đã được cô dì chú bác kể lại nhiều lần về sự ra đi mãi mãi của mẹ mình, người mẹ kính yêu mà con đã không thể hình dung hết bởi khi mẹ ra đi thì mình còn quá nhỏ. Ở câu nhạc thứ tư, ca từ càng da diết hơn “Mẹ cho con trái tim yêu, cho con những giọt nắng chiều xôn xao”. Vẫn tiết tấu ấy nhưng nét nhạc chợt vút lên đến âm vực cao của nốt rế, mí và một loạt dấu luyến liên kết 2 nốt móc kép, dừng lại ở 2 nốt la trắng, chuẩn bị tạo đà cho đoạn B (là đoạn cao trào).

Sang đoạn B, tiết tấu thay đổi ngắt quãng bởi những nốt đen chấm dôi, nhấn nhá chất ca trù, với phần lời da diết“ơi lời ru, lời ru của mẹ ngọt ngào. Đêm (hư) đêm thức đập đi vào thơ con”. Người con nghe trái tim đập trong lồng ngực mình, mà ngỡ đó là trái tim của mẹ, đêm đêm vẫn thức cùng mình làm việc, trái tim ấy luôn rộn ràng trong con, tạo cảm xúc đặc biệt mỗi khi tác giả cầm bút làm thơ, mẹ vẫn bên con dù ở nơi chân trời góc biển, khắp bốn phương trời. Câu nhạc tiếp theo vẫn là những nốt đen chấm dôi, để rồi sau đó hàng loạt nốt móc đơn, và ca từ dồn dập “mang theo ân tình mang theo quê mình, mang theo trái tim yêu ngày đêm thương nhớ”. Kết thúc câu nhạc là một giai điệu ngân dài của 2 nốt mí trắng (là bậc 5 của giọng la thứ) tạo cảm giác chơi vơi, hụt hẫng. Rồi nét nhạc chợt lắng lại bởi câu kết về chủ âm la, ca từ thủ thỉ “ơi ân tình của mẹ, ơi ân tình mẹ của con”. Đó là một cái kết trọn vẹn, một tấm lòng biết ơn vô bờ mà con dành cho người mẹ kính yêu của mình.

Bài hát kết thúc, mà ta vẫn thấy chơi vơi, một niềm khắc khoải, mong mỏi. Lời ru của mẹ thuở ấu thơ mãi bên con, theo suốt cuộc đời, cả đến khi con đã trưởng thành.

Về đề tài này, nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã viết “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn…”. Ai trong đời mà thiếu vắng lời ru của mẹ lúc ấu thơ, là một thiệt thòi mất mát lớn. Bài hát không có ca từ nào nói về mất mát này, nhưng ta vẫn cảm nhận được nỗi niềm ấy của người con. Và cũng đã có một nhạc sĩ khác nhắn nhủ đến tất cả chúng ta rằng “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ đừng để buồn đôi mắt mẹ nghe không”

Ân tình của mẹ” là bài hát phổ thơ, nhưng ta không thấy sự đơn điệu vốn có của ca khúc phổ thơ. Đó là cài tài của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Ông đã chia sẻ về sự ra đời của bài hát này: Tháng 7 năm 2017, tình cờ qua một người bạn, ông đã gặp nhà báo Nguyễn Thành Vinh. Qua câu chuyện về chủ đề viết lách, anh Vinh có đọc bài thơ viết về mẹ, và chia sẻ chút hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Như có sự đồng cảm, nhạc sĩ liền ghi lại bài thơ ấy và nhanh chóng phổ nhạc thành bài hát. Ca khúc được trình làng vào tháng 1 năm 2018 tại chương trình Giới thiệu tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội qua giọng hát của ca sĩ Anh Thơ, và nhanh chóng lan tỏa, được nhiều người yêu thích.

Nhân dịp mùng 8 tháng 3, xin gửi đến các bà, các mẹ, các chị và các em gái ca khúc này. Hy vọng rằng “Ân tình của mẹ” như một bông hoa thơm cùng biết bao bài hát về chủ đề người mẹ kết thành lẵng hoa đẹp ca ngợi người phụ nữ Việt Nam.

Diễm Nguyệt