Bạn đọc viết:

Âm nhạc từ góc nhìn kinh doanh

(Dân trí) - Nếu coi âm nhạc là một sản phẩm, thì sản phẩm của Thanh Lam so với của Hồ Ngọc Hà -Đàm Vĩnh Hưng là hai loại sản phẩm hoàn toàn khác nhau, phục vụ cho những phân khúc thị trường khác nhau.

Âm nhạc từ góc nhìn kinh doanh

 

Trước tiên, tôi xin có đôi lời về bản thân để mọi người có thể hình dung và sẽ giúp mọi người công tâm hơn trong việc đánh giá bài viết này. Tôi là nữ, tuổi tầm 40, đã từng học ở nước ngoài và được xã hội phân công công việc lao động trí óc. Tôi không dám tự xưng mình là trí thức, vì mỗi thành phần trong xã hội đều bằng cách này hay cách khác đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng, cho dù họ làm công việc chân tay hay trí óc. Do đó, tôi trân trọng tất cả những người lao động chân chính, từ chị giúp việc, anh xe ôm hay những người chân lấm tay bùn.

 

Về thẩm mỹ âm nhạc: tôi rất ít nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng, lại càng hầu như không nghe Hồ Ngọc Hà, nếu có thì nhiều nhất là nửa bài thôi. Tôi thích nhạc Phú Quang do Hồng Nhung, Ngọc Anh biểu diễn, và Thanh Lam của “Chia tay hoàng hôn”. Nói như vậy để các bạn biết tôi không phải là fan của ai cả.

 

Về phần phát biểu của Thanh Lam về Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà, tôi mạo muội có một vài suy nghĩ như sau: Nếu coi âm nhạc là một sản phẩm (trong bài viết này, tôi chỉ giới hạn là sản phẩm biễu diễn trên sân khấu chứ không phải CD, DVD vì các yếu tố cấu thành sản phẩm sẽ khác đi) thì sản phẩm của Thanh Lam so với của Hồ Ngọc Hà-Đàm Vĩnh Hưng là hai loại sản phẩm hoàn toàn khác nhau, phục vụ cho những phân khúc thị trường khác nhau.

 

Những bài hát do các nghệ sĩ biểu diễn là một sản phẩm dịch vụ, tức là do nhiều yếu tố vô hình cấu thành nên sản phẩm. Mà đã là dịch vụ, nếu định nghĩa một cách đơn giản nhất, thì không thể động chạm vào hoặc dùng thử như các sản phẩm hàng hoá thông thường khác (ví dụ như dầu gội, dầu tắm …) được.

 

Do đó, cái mà Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng đang làm là hữu hình hoá một số các yếu tố vô hình của sản phẩm. Tức là ngoài việc nghe giọng hát, nhạc đệm, khán giả còn được nhìn hoạt cảnh, dàn dựng sân khấu, ánh đèn, vũ đạo -  những cái mà chúng ta hay gọi là “chiêu trò” hay “kỹ xảo” để giúp “khách hàng-khán giả” dễ dàng trải nghiệm và đánh giá, bên cạnh cái vô hình là giọng hát.

 

Về phân khúc thị trường: nếu tạm ví âm nhạc như xe hơi thì theo tôi nghĩ, sản phẩm của Thanh Lam là dòng xe hơi cao cấp BMW, Mercedes … phục vụ cho “thị trường hẹp” là giới có thu nhập cao, trong marketing gọi là “niche market”. Còn của Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng là dòng xe phổ biến như Innova, KIA, Hyundai…. phục vụ bộ phận lớn khách hàng với thu nhập vừa phải.

 

Ở đây, sự giàu có của khách hàng không được cân đo đong đếm (hoặc nếu có thì rất ít) bằng thu nhập và khả năng chi trả cho sản phẩm (vì tôi nghĩ giá vé xem Thanh Lam hay Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng là như nhau, nếu có sự chênh lệch thì cũng không đáng kể), mà là thị hiếu âm nhạc và khả năng cảm thụ âm nhạc. Những người am hiểu về âm nhạc, thanh nhạc là “người giàu có” và có thể mua “xe cao cấp” của Thanh Lam - những sản phẩm hàn lâm. Còn người có “thu nhập” thấp hơn là những người không sở hữu kiến thức âm nhạc hàn lâm, không qua trường lớp đào tạo âm nhạc, hoặc không có cơ hội tiếp cận âm nhạc hàn lâm (như tôi chẳng hạn) thì sẽ mua xe của Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà hoặc những dòng xe khác.

 

Quay trở lại vấn đề của Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà, như vậy rõ ràng mỗi nghệ sĩ đều có một đối tượng khán giả cho riêng mình, trong marketing gọi là thị trường mục tiêu. Hãy nhẩm tính trong 88 triệu người Việt nam, bao nhiêu phần trăm trong số họ là người làm việc trí óc, và bao nhiêu phần trăm trong số người làm việc trí óc như chúng tôi có thể “giàu” để cảm thụ nhạc của Thanh Lam?

 

Một lần tôi và ông xã đi xem chương trình biểu diễn giao lưu Việt - Nhật, ông xã phàn nàn về việc không thể hiểu Thanh Lam hát gì và đang muốn truyền đạt những gì vì rất khó nghe. Bản thân tôi cũng không cảm nhận được, không nghe được chứ đừng nói là thấy hay. Khi đó tôi tự nhủ rằng: mình chưa đủ trình độ để thưởng thức âm nhạc của chị và để “phiêu” cùng chị.

 

Nếu không có những Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, hoặc thế hệ F1 của họ - những thí sinh The Voice mà Thanh Lam lo lắng không biết được đào tạo thế nào - hoặc không có những nghệ sĩ hoạt động trong những dòng nhạc khác nhau, thì nhu cầu âm nhạc đa dạng của 99% dân số Việt Nam còn lại (là tôi tạm tính thế) sẽ được đáp ứng thế nào? Khi mà những người như chúng tôi, hay những chị hàng rong, những bác xe ôm, những anh chị công nhân, những người chân lấm tay bùn…. dù không có những kiến thức âm nhạc hàn lâm, vẫn có một quyền cơ bản là thưởng thức nhạc theo cách riêng của mình, theo “túi tiền - kiến thức âm nhạc giới hạn” của mình?

 

Thay lời kết

 

Tôi không nghĩ phát biểu của Thanh Lam là sai, chỉ là nó phiến diện và đặt sai bối cảnh và trở thành đề tài gây tranh cãi. Mặc dù không phải là fan của nhạc thị trường, tôi vẫn rất trân trọng những gì mà nghệ sĩ (Artist) (tôi không thích dùng từ ca sĩ-singer) được cho là nghệ sĩ thị trường làm cho đối tượng khác giả của họ.

 

Những người “nghèo” về kiến thức âm nhạc vẫn có thể cảm nhận và thoả mãn cái hay theo cách riêng của họ. Nên chăng nghệ sĩ chúng ta, muốn đóng góp để đồng nghiệp tốt hơn, thì hãy có những đóng góp đi vào lòng người, để người ta cảm nhận được thiện chí của mình mà thay đổi.

 

Huyen Bui 

email:  btnhuyen@yahoo.com