Ai bảo nhận trách nhiệm là không khó...

(Dân trí) - Đổ lỗi cho khách quan, khẳng định làm đúng chức trách nhưng do lực lượng mỏng, phải căn cứ theo quy định, hứa sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, sẽ nghiêm khắc xử lý đúng người, đúng tội…Những điệp khúc này của nhiều giới chức nước ta, người dân nghe đã thuộc lòng ...

Phòng khám đa khoa Maria sau khi xảy ra vụ tử vong bệnh nhân (ảnh: Tiến Nguyên)
Phòng khám đa khoa Maria sau khi xảy ra vụ tử vong bệnh nhân (ảnh: Tiến Nguyên)

 

Khách quan và chủ quan

 

Đến mức ai cũng có thể dự đoán, dự báo được cách thức trả lời của giới chức ngành này, ngành khác vì cũng na ná như nhau dù sự cố xảy ra ở mỗi nơi mỗi khác. Bởi có lẽ đúng như khẳng định của nhiều người: ở VN mình hình như vẫn chưa quen với văn hóa từ chức.

 

Có lẽ chính vì thế nên dù rất chờ đợi một kết quả xử lý nghiêm khắc và dứt điểm trong vụ phòng khám Maria, nhưng nhiều phản hồi đã “quân sư” trước rằng kết cục rất có thể lại hòa cả làng, vì chẳng ai có lỗi cả trừ những bệnh nhân dại dột không biết cách tự biến mình thành “người tiêu dùng thông thái”.

 

Nhìn người lại ngẫm đến ta, không biết lần này đã là lần thứ “n” với bao nhiêu phẩy nữa, bạn đọc lại đưa ra những nhận xét liên hệ giữa hai sự việc có phần giống nhau, nhưng được xử lý bằng hai cách giữa TA và NƯỚC BẠN khác xa nhau như hai thái cực:

 

“Sáng nay mở báo ra đọc, thấy hai vấn đề nhưng với hai cách hành xử khác hẳn nhau:

 

1. Tổng thống Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi trước quốc dân về việc có người thân vi phạm pháp luật. Một Tổng thống dám nhận lỗi để được người dân thông cảm, quả là thật đáng kính trọng!

 

2. Đọc bài về phòng khám Maria với sự việc gây chết người, nhưng chưa thấy ai nhận trách nhiệm trong vụ này. Cơ quan quản lý đổ tại nhiều lý do… Không lẽ các vị không dám tự nhận lỗi một lần để làm việc cho tốt hơn sao? Ở cương vị đấy mà không dám nhận lỗi, quả thật đáng buồn. Qua hai chuyện trên, các bạn thấy sao???” – Quốc:  hungnqh@yahoo.com

 

“Kính gửi Sở Y tế Hà Nội! Chị Phong đã chết oan uổng do "khách quan", và Sở không có trách nhiệm trong chuyện này? Quá dễ để trả lời như vậy vì đã 4 lần kiểm tra xử phạt đến 31.000.000 đồng, trách nhiệm đã hoàn thành bởi sự “cương quyết kiểm tra và xử phạt” này! Thôi không bàn đến chuyện "đã kiểm tra và xử phạt " như lãnh đạo Sở đã trình bày  (vấn đề trả lời cũng đã được phát trên VTV1 ngày 24/7, mọi người đều hiểu), mà chỉ nên nói một vấn đề: Trách nhiệm của Sở đến đâu ? (trách nhiệm cấp phép, quản lý sau cấp phép).

 

Một sự thật hiển nhiên là Nhân Dân (người bệnh ) không ai đến phòng khám và yêu cầu phòng khám "cho tôi xem giấy phép "cả. Hoặc nữa, giấy phép đã được trích và dán trên tường rồi, nên không có gì phải băn khoăn. Điều đó chứng tỏ mọi người đều tin vào giấy phép, cũng như ăn (uống) một sản phẩm nào đó, người tiêu dùng "thông thái" sẽ xem hạn sử dụng và sản phẩm lưu hành ở đâu cấp phép. Thế là yên tâm mà ăn hoặc uống. Nói như thế để hiểu cái giấy phép chỉ người được cấp phép, cơ quan cấp phép biết và giấy phép đến đâu cũng chỉ họ biết, còn người bệnh không thể biết (đó là điều chắc chắn).

 

Theo dõi vụ phòng khám Maria gây nên cái chết của chị Phong thì được biết, khi hỏi đến trách nhiệm đều được thông báo "đã kiểm tra xử phạt theo quy định", thậm chí phải dùng " mẹo" mới phát hiện sai phạm (?) Nhưng (lại nhưng) nếu ai theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng đều thấy một sự thật hiển nhiên là: "… Phòng khám có bác sỹ Trung Quốc lành nghề……"  được quảng cáo rầm trời, trong khi phòng khám chỉ 2 người Trung Quốc “giúp việc” (theo giấy phép được Sở Y tế Hà Nội cấp). Như vậy có "bác sỹ lành nghề Trung Quốc" hay không, chỉ Sở Y tế Hà Nội biết, phòng khám biết, còn người dân không biết.

 

Theo tôi thì mấu chốt là ở đây. Nếu là cơ quan có trách nhiệm khi nghe, đọc, thấy quảng cáo sai với giấy phép thì có phải "dùng mẹo" như lãnh đạo Sở Y tế nói không? Còn người dân thì ai cũng thấy rõ, trốn tránh trách nhiệm đang là vấn đề nhức nhối ở nước ta. Trong khi nhìn ra các nước láng giềng xem… Mới đây nhất là vụ Tổng thống Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi người dân vì có người thân vi phạm pháp luật đó. Vậy chị Phong chết oan uổng có phải "vì khách quan" được không?” – Hoàng Quốc Minh: hoangquocminh.55@gmail.com

 

“Tôi mong các giới chức nước ta nên làm như giới chức các nước khác, ví như Hàn Quốc, Nhật Bản…Đó là luôn dám nhận trách nhiệm, nhận lỗi trước nhân dân và xã hội....Sao tôi vẫn thấy không ít giới chức nước ta hình như chỉ giỏi những điều ngược lại, rồi khi có chuyện xảy ra thì lại rất giỏi… trốn tránh trách nhiệm?” - Ngô Doãn Hùng:  hungsp1@yahoo.com

 

Vô lý, không có lẽ

 

Từ luận bàn về các yếu tố khác nhau một trời một vực giữa cách nhìn nhận đâu là khách quan so với chủ quan, sự xông thẳng vào trách nhiệm so với cái tư duy… “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” thường được thể hiện ở ta, bạn đọc tiếp tục lẩy ra những điều “khó hiểu” nữa trong cách trả lời của các giới chức Y tế về vụ PK Maria:

 

"Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng sự việc tại phòng khám Maria là cơ hội để ngành y tế RÀ SOÁT, CHẤN CHỈNH, KHĂC PHỤC những vấn đề còn tồn tại" ư? Không hiểu đây có phải là câu nói cửa miệng của các vị ấy thì phải. Cho tôi hỏi 1 câu nhé:  nếu như người bị nạn đó là người thân của các vị, thì thử hỏi các vị có còn rà với soát, chấn với chỉnh nữa không? Các vị có chờ ‘khắc phục’ để  người thân của mình sống lại được  nữa không…” - Nguyễn Văn Hà:  nguyenvan_ha195@yahoo.com

 

“Lại nói là vì lực lượng quá mỏng... Xin hỏi: Như thế nào là mỏng? Và mỏng nhưng đã giải quyết kịp thời được vụ nào chưa...? Quá bức xúc... ai cũng cho là các vị cứ có tiền bỏ túi là OK hết…. Cứ cái đà này thì không bao giờ tình hình khá lên được! Cần nhanh chóng công bố kết quả khám nghiệm tử thi và thông báo rõ kết luận cùng quyết định khởi tố như thế nào” – Nguyen Le:  tuyennvapollo@gmail.com

 

“Theo tôi được biết, các phòng khám này đều được những ‘nhân vật có ảnh hưởng khá lớn’ đứng đằng sau, thế thì ‘quản’ thế nào được” - Lê Nhật Minh:  lenhatminh98@gmail.com

 

“Thanh tra mà lại được báo trước thì… khủng long cũng lọt, chứ nói gì là voi!” - Hoàng Sang:  diencaothe800kv@yahoo.com

 

“Thưa ông Hiền! Ông nói: "Còn ngành y tế có trách nhiệm quản lý cơ sở này, hậu kiểm để làm sao phát hiện sai phạm. Nhưng việc quản lý lại rất khó khăn, đi kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện vì với quy định thanh, kiểm tra đợi đến khi hoàn thành thủ tục một cuộc kiểm tra thì đến nơi, họ đã trốn hết” - Tôi xin hỏi: Nếu các ông không quản được tại sao lại cấp giấy phép? Phòng khám cứ nở như hoa mùa xuân, ông ký xong rồi  lại nói khó quản lý, lực lượng mỏng... là sao?

 

Còn thực tế là mỗi một giấy phép… là bao nhiêu, thì các vị biết, phòng khám biết và cả dân cũng không ít người biết. Có lẽ chỉ cơ quan quản lý các vị mới không biết (hoặc cố tình không biết) thôi. Không quản lý được tại sao các ông không xin nghỉ để người khác làm? Quanh co, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, theo tôi, chắc đã là ‘bệnh nan y’ của không ít giới chức nước ta rồi, không bao giờ chữa nổi đâu” - Nguyen Huu Vinh:  vinhmeo2010@yahoo.com

 

Luyện kungfu để “chui lọt lỗ kim”

 

Tiếp mạch luận bàn về sự chặt chẽ trong các khâu làm thủ tục, nhưng vẫn có những cái “lỗ kim” mà thậm chí tới “khủng long” cũng có thể chui lọt này, có những nhận xét khá hóm hỉnh mà nghe lại chỉ thấy buồn đau.

 

“ Bình thường thì chặt chẽ đến "cái kim cũng không lọt", sao lại lọt "con voi" mang tên PK Maria?” - Lai Tuan:  tuanlaithanh83@gmail.com

 

“Đúng là con voi chui lọt lỗ kim rồi, mà điều này chắc chỉ Sở Y tế HN có kungfu tôi luyện mới làm được thôi. Đường đường là các vị lãnh đạo Sở Y tế HN, mà các ông Hiền, ông Cường lại nói là: chế tài chưa nghiêm, kẽ hở pháp luật, không thể phạt hơn luật… Tôi thì thấy tất cả vẫn chỉ là ngụy biện và điều này cho thấy về mặt trách nhiệm dường là không có với người đứng đầu Sở. Nếu thấy “hở” sao không ý kiến lên Bộ, nhân viên thanh tra ít sao không đề xuất xin thêm? Rất nhiều bạn sinh viên học xong còn không có việc làm đó…

 

Có câu hỏi này xin dành cho những người đứng đầu các cơ quan như các vị: Đó là đã bao giờ các ông tự hỏi làm như thế này đã thỏa mãn với mình chưa? Sao các ông không thể làm như Tổng thống Hàn Quốc - đứng ra nhận trách nhiệm về mình khi bị anh em trong gia đình lấy tiếng để nhận hối lộ đó. Nếu nói như ông Cường thì tôi cũng muốn xin Bộ cho tôi làm giám đốc sở y tế, nhưng tôi xin nói trước là tôi không có đủ trình độ đâu, mong Bộ xem xét?” - Phạm Văn Tường:  phamtuong1585@gmail.com 

 

Nhiều câu hỏi nhanh cũng có ngay được những câu đáp gọn từ chính bạn đọc:

 

“Tôi đã từng làm ở PK, thấy bác sĩ và nhân viên có một số không đúng chuyên môn vẫn được nhận vào làm. Ngay cả các các nhà đầu tư cho PK cũng là những bác sĩ có chức danh ở những bệnh viện công. Các cán bộ của những cơ quan chức năng và các ban ngành liên quan nắm vững được quy định luật, vậy sao vẫn cấp phép cho PK hoạt động dù biết rằng đã có vi phạm về luật Viên chức?... Còn việc có những cán bộ Sở nhận phong bì của PK thì là điều  hiển nhiên, thậm chí PK còn phải nộp phí hàng tháng thì mới được hoạt động” - Lam:  lamle_@yahoo.com

 

“Tôi là người trong ngành, có quen biết với 1 số phòng khám, kể cả của VN hay PK có yếu tố nước ngoài. Tôi nghe họ kể: Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thường xuyên kiểm tra hoạt động hành nghề. Tuy nhiên, khi đến kiểm tra, chỉ cần phong bao… là xong . Nếu căng lắm thi tối đến nhà riêng gặp ông A, ông B… là lại OK. Đây là sự thật 100% đó, báo Dân trí và bạn đọc à. Tôi xin cam đoan!” - Nguyễn Văn Hưng -BYT:  vanhung@yahoo.com.vn

 

“Đây chính là hậu quả tất yếu của việc cấp phép thành lập phòng khám tư nhân quá dễ dãi, cùng sự buông lỏng công tác quản lý của ngành y tế các cấp trong suốt thời gian vừa qua. Cứ đến khu vực lân cận các bệnh viện lớn mà xem, phòng khám tư nhân mọc lên như nấm, lộn xộn như cái chợ. Họ (chắc chắn là không ít người trong ngành y tế) có lẽ chỉ biết tranh thủ ngấm ngầm ăn chia với nhau mà thôi, còn tính mạng, sức khỏe người dân thì bỏ mặc. Y đức không chỉ thể hiện ở những người thầy thuốc trong bệnh viện, mà tôi nghĩ nó còn cần được thể hiện cả ở những cấp quản lý của ngành y tế nữa” - Phạm Quốc Hà:  hapquoc145@gmail.com

 

“… Một cơ sở có trách nhiệm cứu người mà "bị phạt" tới 3 lần lại vẫn cho "tồn tại"? Điều này có lẽ Sở Y tế HN đã và đang "học" cách "phạt cho tồn tại" với nhà xây dựng trái phép của các phường, xã? Chỉ có điều, người dân xây nhà để ở, về mặt xã hội cũng là "tạo điều kiện" cho người dân "an cư" và nếu có thì cũng thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng lắm. Còn cách "phạt cho tồn tại" của Sở Y tế thì có thể dẫn tới nguy cơ tử vong đó…Ai cũng hiểu được sự việc là rất nghiêm trọng, có lẽ riêng các vị giới chức Sở Y tế là chỉ "hơi bức xúc" vì bị dư luận phản ứng và báo chí "sờ gáy" thôi. Hình như họ không hề cảm thấy "có lỗi", đặc biệt là cảm nhận về sai lầm trong công tác quản lý của mình cứ như thể là "của ai khác"? Thật là "sống chết mặc bay... Ai làm gì được?” -     Nguyen Sy Be:  bens@moit.gov.vn

 
Giám đốc Sở Y tế HN Nguyễn Khắc Hiền (ảnh: Tú Anh) 
Giám đốc Sở Y tế HN Nguyễn Khắc Hiền (ảnh: Tú Anh) 
 
Tình và Lý

 

Vâng quy định thì xem ra luôn có nhiều và cũng khá đầy đủ, nhưng khi được thực thi thì có một thực tế ở VN là nhiều khi nó cứ bị biến hóa đi với cái cớ nghe thì có vẻ rất nhân đạo – Có lý, có tình. Nhưng có thực người ta muốn hài  hòa giữa lý với tình vì lợi ích của người dân không? E là lại chỉ tạo cơ hội cho “lách luật” nhiều hơn  mà thôi.

 

“Không thể nói người dân sai. Nếu người dân đủ hiểu biết hết thì cần gì các ông quản lý. Sinh ra bộ máy quản lý là để giúp dân, giúp tạo ra những giá trị cho người dân, giúp dân giải quyết và tránh các vấn đề không tốt xảy ra. Đằng này Sở lại nói: luật có lỗ hổng và họ “lách luật”, vậy thì sự tồn tại của Sở Y tế còn cần thiết không? Xin hãy nghĩ lại và chứng tỏ sự tự trọng cùng ý thức trách nhiệm của mình…” - Trần Tỉnh:  acmintinhyeu@gmail.com

 

“Không thể chấp nhận sự thiếu trách nhiệm của Sở Y tế được. Làm không tốt, chỉ đạo quân không nghiêm, sai thi phải nhận trách nhiệm, không thể đùn đẩy trách nhiệm được. Nếu phòng khám Maria không để xảy ra trường hợp bệnh nhân tử vong, hỏi Sở Y tế có biết phòng khám có người TQ làm việc trái phép không? Hay biết nhưng lỡ… rồi nên bỏ qua?...” - Van Phương:  langthangtuu@yahoo.com

 

“Qua vụ việc vừa rồi có thể thấy PK Maria đã sai phạm mười mươi, cần phải xử lý nghiêm khắc tất cả nhưng ai liên đới liên quan đến vụ việc đáng tiếc và rất đau lòng đã xảy ra. Nhưng có 1 điều tôi thấy là dường như mọi biện pháp xử lý đưa ra trước đây đều chưa được thực hiện 1 cách nghiêm túc và mạnh tay, mà tôi thấy giống như chỉ ‘giơ cao, đánh khẽ’. Rồi kể đến các cấp quản lý cũng như những người đứng đầu liên quan gián tiếp đến vụ việc này, dường như không bao giờ họ chịu nhìn nhận vào sự việc mà toàn tìm cách đưa đẩy, trốn tránh, không dám đứng ra nhận trách nhiệm với dân 1 cách nghiêm túc. Cứ vậy người dân không may bị nạn biết dựa vào ai?” - Nguyễn Giang:  giang_bi_ve@yahoo.com

 

“Ở nước ta, tôi thấy nhiều cơ quan công quyền thực thi công vụ rất… vui. Nói như thiên hạ thì họ làm việc theo  kiểu "vui là chính", thay vì "duy trì kỷ cương, phép nước" trong quản lý, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực họ chịu trách nhiệm. Ở đây ví dụ là các PK có người Trung Quốc làm việc, thì họ lại  "duy tình" để rồi cứ nhắc nhở, xử phạt hành chính "cho vui" và cũng có cái để báo cáo. Khi xảy ra sự cố chết người - có liên đới trách nhiệm với các cơ quan quản lý - thì họ lại dùng hết lý lẽ này tới viện dẫn kia ra để đổ lỗi như: "vì lực lượng quá mỏng" hay "họ hoạt động tinh vi, biết trước nên đối phó"...

 

Ở nước ngoài thì khác, "tình là tình" còn "lý là lý" không lẫn lộn và càng không thể "thích thì duy tình, ghét thì duy lý". Ấy vậy mà nhỡ xảy ra sự cố, dù khách quan, người chịu trách nhiệm vẫn "xin lỗi" và nhận trách nhiệm hoàn toàn. Thậm chí xin từ chức dù họ chỉ có trách nhiệm quản lý, giám sát. Ví dụ sữa bột kém chất lượng, dẫn đến nguy hại cho trẻ em, cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm xin từ chức dù họ không trực tiếp sản xuất, ho chỉ là cơ quan giám sát, cấp phép...

 

Xem ra mới biết đạo đức cán bộ của ta, ở một số người là rất kém. Quyền lợi thì giành giật và tìm cách thâu tóm thật nhiều để "được quản lý, giám sát". Còn trách nhiệm thì "né" tới né lui, chưa thấy ai nói dù chỉ là câu: Chúng tôi xin chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra sai phạm, sự cố trong lĩnh vực mà chúng tôi quản lý, giám sát…” - Mai Anh:  Maianh_dn@walla.com

 

“Về quảng cáo sai sự thật, theo tôi có lẽ chỉ có ở Việt Nam, các dược phẩm, phòng khám, bệnh viện được quảng cáo ồ ạt trên phương tiện thông tin đại chúng như vậy. Ở nước ngoài chỉ được quảng cáo trên các tạp chí, tập san chuyên ngành. Trong khi có một thực tế hiện nay ở VN là: vô vàn các loại dược phẩm được bày bán trên thị trường, quảng cáo trên báo - đài dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng.

 

Theo tôi, thực chất đây là một trò lách luật, bởi vì nếu đứng tên là dược phẩm thì phải qua một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt (động vật thực nghiệm - tiền lâm sàng - lâm sàng) rồi mới được cấp phép lưu hành trên thị trường. Còn nếu đứng tên thực phẩm chức năng, thì chỉ cần được cấp phép của vệ sinh an toàn thực phẩm.  Nhưng người dân làm sao hiểu được những chiêu thức tinh vi đó. Cơ quan quản lý là người phải chịu trách nhiệm trước tiên về những sự vụ như thế này chứ. Tôi đề nghị người dân cảnh giác với tất cả những loại thuốc núp dưới vỏ "thực phẩm chức năng", cũng như cảnh giác với các PK kiểu như Maria” - Tran Quoc An:  tranquocan@yahoo.com
 

Liệu rồi có lại như các tiên lượng xấu không, cụ thể hơn là như “kịch bản” của Minh Hà Nội dangxuanminh2002@yahoo.com:

 

“Tháng sau:.... vẫn ở 67 Thái Thịnh, Maria chuyển tên thành phòng khám sản khoa… Sophia... Tên người đứng đầu phòng khám cũng thay luôn. Sở Y tế lại ký cho 06 ‘giúp việc’ người TQ..... Thương thay cho các nạn nhân!!!…”

 

Và như để nhấn mạnh thêm những nỗi lo có cơ sở, bạn đọc gửi đi thêm những thư ngỏ cùng các thông điệp về những “lỗ kim” kỳ bí khác nữa:

 

“Kính gửi Báo Dân trí. Đồng kính gửi các giới chức Sở Y tế! Tôi muốn đề nghị quý báo Dân trí hãy quan tâm đến một chủ đề: “Sự bảo hành cho bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh”. Tôi thấy một điều rất nghịch lý trong ngành Y tế VN hiện tại, đó là: Không có sự bảo hành nào sau khi khám chữa bệnh.

 

Như các bạn đều biết, khi mua hay sửa chữa bất cứ một vật dụng gì nếu còn trong thời gian bảo hành thì đều được sửa chữa miễn phí hoặc đổi lại. (Tất nhiên, với Y tế thì bỏ qua việc “đổi lại”). Nhưng khi bạn đến bất cứ một phòng khám hay bệnh viện nào, người khám chỉ đưa ra đơn thuốc, các yêu cầu xét nghiệm.... cho bệnh nhân và thu tiền. Thế là hết trách nhiệm.

 

Thậm chí đã nhiều trường hợp không chẩn đoán đúng bệnh, điều này dẫn tới khả năng chết người do không phát hiện sớm bệnh tình. Khi đến một nơi nào đó khác phát hiện được thì đã muộn. Nhưng ai có thể quay lại để quy trách nhiệm cho nơi khám ban đầu? Có lẽ chính vì điều này mà ở VN mới nhan nhản những phòng khám mọc lên. Họ chỉ biết khám và thu tiền. Bạn khỏi bệnh hay không khỏi, quay lại khám lại lại thu tiền....

 

Còn theo tôi biết, đối với các nước để mở được một phòng khám hoàn toàn không đơn giản. Và thực tế là người ta còn không dám mở ra, vì nếu thực hiện không tốt, để xâảy ra sự cố họ sẽ sạt nghiệp vì phải đền bù.  Còn ở VN, cho dù xảy ra chết người... rồi sẽ chỉ tốn bao nhiêu???? Kính mong các giới chức hãy suy nghĩ về một chế tài nào đó cho “Sự Bảo Hành cho Bệnh Nhân Sau Khi Khám Chữa Bệnh” - Nguoi Dan:  giavot02@gmail.com
 
Tóm lại, ai bảo việc nhận trách nhiệm là không khó được nhỉ, ở VN mình càng khó hơn vì nhiều khi "trăm cái lý không bằng tí cái tình". Nhưng muốn có được cái tình thì nhiều khi phải... rất biết điều đấy! 

 

Khánh Tùng