Phiếm đàm

Ai bảo “Hà Nội không vội được đâu” là sai đấy

(Dân trí) - Con người Hà Nội nhanh lắm, thông minh linh hoạt lắm, năng động sáng tạo lắm, chứ đâu phải trì trệ như bấy lâu vẫn nghĩ. Sau chuyện này, tôi mà nghe thấy ai còn nói câu “Hà Nội không vội được đâu” là tôi cáu đấy! He he..

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Có một câu nói quen thuộc cửa miệng “Hà Nội không vội được đâu” để hàm ý chê Hà Nội bảo thủ, trì trệ.

Trước kia tôi cũng nghĩ như vậy.

Nhưng chỉ sau một cơn mưa thôi, nước mưa từ trên trời cao đổ xuống đã gột rửa sạch băng cách suy nghĩ thiển cận, nông cạn đó trong đầu tôi.

Đó là cơn mưa lớn đêm 21/9 trút xuống Hà Nội và kéo dài trong hàng giờ liền. Đến sáng, dù ở một số nơi mưa đã ngớt nhưng tình trạng giao thông bắt đầu trở nên hỗn loạn vì nhiều tuyến đường chưa kịp thoát nước nên còn ngập sâu và đúng thời điểm người dân đi làm.cơn mưa lớn sáng nay khiến một số chìm sâu trong “biển nước”. Đường phố bị chia cắt, Để đi học, đi làm nhiều người liều mình lao qua dòng nước sâu có điểm lên đến gần 1 mét.

Chứng kiến cơn mưa đó, tôi mới bừng tỉnh nhận ra người dân Hà Nội đâu có chậm mà bảo rằng “Hà Nội không vội được đâu”. Khi thấy ô tô, xe máy phải qua vùng nước sâu, chết máy hàng loạt, nhanh như chớp, các “đội quân” lau khô bugi cho những xe bị chết máy bỗng vụt xuất hiện, với giá lau khô từ 30 - 50 ngàn đồng/lmột bugi. Đường ngập kéo dài nên người dân phải dẫn bộ xe một quãng khá xa, khi gặp được thợ lau bugi là mừng "như bắt được vàng", khỏi cần hỏi giá cả. Vì thế, dịch vụ sửa xe sáng hôm đó kiếm tiền triệu trong ngày.

 


Lau khô bugi cho những xe bị chết máy vì ngập nước

Lau khô bugi cho những xe bị chết máy vì ngập nước

Trong cảnh đường bộ biến thành đường sông này, có người dân Hà Nội với tư duy năng động, tự hỏi tại sao chúng ta phải nạp phí duy trì đường bộ trong khi lưu thông bằng giao thông đường thủy, định sẽ trình TP Hà Nội sáng kiến bổ sung luật giao thông đường thủy áp dụng những  ngày có mưa, và cũng kiến nghị Bộ GT - VT có lẽ nên bỏ phí giao thông đường bộ thay bằng thu phí đối với các phương tiện giao thông. Khi kiến nghị đó được chấp thuận thì dân Hà Nội sẽ không phải đóng đủ các loại phí bảo trì đường bộ nữa mà chuyển sang đóng phí đường thủy, đỡ tốn tiền hơn.

Vội ăn theo suy nghĩ nhậy bén này, có người còn tra cứu xem một ki lô mét quy đổi ra hải lý là bao nhiêu, để chuẩn bị thiết kế sản xuất biển báo chiều dài của đường phố tính bằng hải lý thay thế các biển báo tính bằng km, cho phù hợp với các tuyến đường Hà Nội khi biến thành sông.

Cũng vội ăn theo suy nghĩ nhậy bén này, không bỏ qua thời cơ, một số thợ sửa chữa xe máy định thiết kế cải tiến xe máy thành “thủy xe máy” để xe máy vẫn đi được bình thường trên các con đường bị ngập nước sâu đên gần mét. Tại sao lại không làm được nhỉ, vì thiên hạ chế tạo được thủy phi cơ thì ta cũng chế tạo được “thủy xe máy” chứ sao. Mặt khác, nhiều Hai lúa đã chế tạo được loại máy phục vụ nông nghiệp những 8 trên 1 (1 máy có đến 8 công năng) cơ mà

Không ít người dân Hà thành còn có những hành động nhanh chóng rất quyết đoán, năng động và sáng tạo, nhìn mà thấy choáng, Đó là khí thấy sau trận mưa khá lớn kéo dài, hàng trăm người dân đổ xô ra sông Tô Lịch, Kim Ngưu bắt cá tràn về từ các ao, hồ lớn trong thành phố.. Tại cống thoát nước bên đại lộ Thăng Long, đoạn qua địa phận phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), rất đông người dân đóng cọc kéo vó từ sáng sớm đến tận chiều tối, có người kéo được hàng chục kg cá chỉ trong một ngày. Người Hà Nội lại được mục tại sở thị ngắm nhìn đến là vui mắt cá theo dòng nước ngập vào nhà, bơi lội tung tăng. Những cảnh đó đã truyền cảm hứng cho người Hà Nội định kiến nghị với Thành phố nên cho thả ngay vài tấn cá giống xuống đường, cuối mùa mưa thu hoạch, bán lấy tiền sửa cống, làm mương thoải mái. Có người còn rất lãng mạn, định đề xuất với ngành du lịch Hà Nội nên chụp mấy cái ảnh dân bủa lưới bắt cá trên phố, đăng lên báo để quảng bá rộng rãi, chắc hẳn sẽ thu hút được mấy câu lạc bộ câu cá trên thế giới  tìm đến Hà Nội thưởng ngoạn thú vui tao nhã này.

 

Cá theo nước tràn vào nhiều nhà dân, bơi lội tung tăng
Cá theo nước tràn vào nhiều nhà dân, bơi lội tung tăng

Nhưng phải nói năng động và sáng tạo nhất là có người dân còn định mạnh dạn kiến nghị lên Bộ Quốc phòng dùng luôn các đường phố Hà Nội khi bị ngập mưa làm thao trường huấn luyện lính đánh thủy đánh bộ của chúng ta. Thoạt nghe  có vẻ buồn cười, nhưng ngẫm lại thì tại sao lại không thể nhỉ, vì tổ chức và xây dựng một thao trường là tốn kém ra phết đấy, nay có sẵn thực địa này nếu dùng để huấn luyện sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền công quỹ ấy chứ!

Vì thế, đúng như triết học đã dạy “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, tôi vô cùng cám ơn cơn mưa lớn ngày 21 tháng 9 đã giúp tôi nhận ra và gột rửa nhanh chóng, sạch sẽ cái ý nghĩ thành kiến “Hà Nội  không vội được đâu” trong đầu tôi. Hóa ra con người Hà Nội nhanh lắm, thông minh linh hoạt lắm, năng động sáng tạo lắm, chứ đâu có trì trệ như bấy lâu vẫn nghĩ. Sau chuyện này, tôi mà nghe thấy ai còn nói câu “Hà Nội không vội được đâu” là tôi cáu đấy! He he...

Nguyễn Đoàn