3 vị bộ trưởng, 3 vấn đề nóng

Tỷ lệ hộ nghèo với tỉ lệ “3-1”. Tỷ lệ thất nghiệp cao gấp 3 lần mức chung. Tỉ lệ mù chữ thì thậm chí một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cam kết về tính chân thực của tỷ lệ xóa mù trên 90%.


Đại biểu Đinh Thị Phương Lan tranh luận với Bộ trưởng GD-ĐT quanh con số báo cáo về tỷ lệ mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: VTV/ Dân Trí.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan tranh luận với Bộ trưởng GD-ĐT quanh con số báo cáo về tỷ lệ mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: VTV/ Dân Trí.

3 vấn đề nóng vừa được chất vấn 3 vị bộ trưởng trước Ủy ban thường vụ QH sáng 13.8.

Nói xóa mù trên 90%, trong khi một báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) cho thấy tỉ lệ tái mù chữ 21% thì đúng là có vấn đề ngay từ các con số thống kê. Trong khi đó, bản thân các con số này chưa phản ánh đúng thực tế của giáo dục miền núi với câu chuyện học sinh bỏ học chưa bao giờ thôi thời sự.

90% xóa mù có thể là con số chung, con số đẹp đẽ, viên mãn, nhưng cái mà những người đồng bào cần thật ra, đơn giản hơn rất nhiều: Sự quan tâm.

Có một chi tiết nhỏ được báo chí thuật lại sáng nay. Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan xin tranh luận lại bằng một đề nghị bộ trưởng cam kết về tính chân thực của tỉ lệ mù chữ. Bà nói đơn giản: Bộ trưởng khẳng định đã xóa mù trên 90% nhưng thực tế nhiều vùng, tỉ lệ này không thể đạt. Nguồn là một báo cáo mới nhất của Bộ KHĐT cho biết, tỉ lệ mù chữ lên tới 21%.

21 với 90 cộng lại không thể là 100%.

Và Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo nói nguyên văn: "Với tỉ lệ mù chữ, số lượng thống kê của chúng tôi là như vậy. Và 3 năm gần đây khảo sát, tỉ lệ tái mù tăng lên nên nghi vấn đại biểu đặt ra là có thật và cần phải rà soát lại để nắm được con số chân thực hơn”.

Giáo dục chính là tương lai của miền núi, là niềm hy vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, bên cạnh những thứ thiết thực như miếng cơm, sinh kế hàng ngày.

Phải khẳng định là Nhà nước, Chính phủ đã nỗ lực không biết mệt mỏi trong nhiều thập kỷ qua với hàng loạt các chương trình mục tiêu, với rất nhiều tiền của và tâm huyết đổ vào miền núi. Nhưng vấn đề vẫn là vấn đề, và nó tồn tại cũng chừng đó năm.

Chẳng hạn tỉ lệ thất nghiệp miền núi, theo Bộ trưởng Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung là cao gấp 3,3 lần mức chung của cả nước.

Còn tỉ lệ hộ nghèo, bao năm qua, cũng như một thứ đặc sản miền núi. Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi: Cứ 3 hộ nghèo của cả nước, có một hộ dân tộc thiểu số.

Làm thế nào xem ra vẫn là một câu hỏi khó cho dù Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề xuất một chính sách mang tính chất “thuốc kháng sinh” tổng lực: Tích hợp các chính sách làm một, và cho vay thay vì cho không.

Vấn đề ở chỗ chúng ta không thiếu quyết tâm, cũng không thiếu chính sách. Vấn đề ở chỗ có quá nhiều người thực thi. Làm sao mà nói đến hiệu quả khi chẳng hạn một chương trình nước sạch cũng lại có trong nó tới 4 chương trình.

Theo Anh Đào

Báo Lao động