Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Quảng Trị hơn 1 triệu USD thực hiện các chương trình an sinh xã hội

(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định phê duyệt tiếp nhận trên 1.085.000 USD do Tổ chức Y tế vì hòa bình Hàn Quốc (Medipeace) tài trợ để triển khai thực hiện Dự án “Giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được tiếp cận phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống giai đoạn (2018 - 2020)”.

Dự án được thực hiện ở các huyện Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện cuộc sống của gia đình trẻ khuyết tật thông qua việc phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng.

Tập huấn quản lý trường hợp với trẻ khuyết tật
Tập huấn quản lý trường hợp với trẻ khuyết tật

Trong đó, vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) không hoàn lại của cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) và Tổ chức Y tế Vì hòa bình (Medipeace) của Hàn Quốc là 1.085.000 USD.

Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật
Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật

Việc tiếp nhận nguồn vốn tài trợ của Tổ chức Medipeace và triển khai dự án được thực hiện từ tháng 5/2018 đến 2020.

Trước đó, thực hiện chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, tỉnh Quảng Trị và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) thực hiện, với tổng số vốn đầu tư 11,67 triệu USD, trong đó KOICA viện trợ không hoàn lại 9,67 triệu USD.

Cải thiện cuộc sống của trẻ khuyết tật
Cải thiện cuộc sống của trẻ khuyết tật

Chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” giai đoạn 2015 - 2018 thực hiện tại 7 xã gồm: Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Linh), Hải Thượng (huyện Hải Lăng), Triệu Trạch (huyện Triệu Phong), Cam Thủy (huyện Cam Lộ), Thuận (huyện miền núi Hướng Hóa), Mò Ó (huyện miền núi Đakrông) và Gio Phong (huyện Gio Linh).

Chương trình có 5 hợp phần chính gồm: Phát triển cộng đồng thông qua hỗ trợ ngân sách cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo nghề nông nghiệp; nâng cao năng lực y tế; môi trường; quản trị hành chính công. Thông qua chương trình, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đã đã được nhân rộng; hạ tầng nông thôn các xã được tăng cường.

Sau 3 năm triển khai, Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án.

Đ. Đức