Phát hiện hóa thạch bọ ngựa 87 triệu năm tuổi

(Dân trí) - Các nhà khoa học đang đặt câu hỏi liệu hóa thạch một con bọ ngựa 87 triệu tuổi mới được tìm thấy trong mỏ hổ phách tại Nhật Bản có phải là một “mắt xích còn thiếu” liên quan đến các loài bọ ngựa ở Kỷ Phấn trắng và côn trùng ngày nay?

Đây là một phát hiện rất hiếm và tầm quan trọng thực sự của nó vẫn đang được các nhà khoa học giải mã.

Hóa thạch dài 1,4 cm được ông Kazuhisa Sasaki, giám đốc của bảo tàng Hổ phách Kuji, phát hiện vào tháng 1/2008.

Hóa thạch này nằm cách mặt đất 1,8 cm trong một mỏ hổ phách thuộc vùng sản xuất hổ phách lớn nhất Nhật Bản, ở phía đông bắc quận Iwate.

“Tôi tìm thấy nó nằm cùng rất nhiều các con côn trùng khác như kiến, ong, gián cổ đại. Nhưng đây là con bọ ngựa duy nhất”, ông Sasaki cho biết.

Hóa thạch hầu như còn nguyên vẹn, tuy vậy cánh và bụng của con bọ ngựa đã bị vỡ vụn.
 
Theo ông Kyoichiro Ueda, phụ tách bảo tàng Lịch sử quốc gia Kitakyushu, đây là hóa thạch cổ nhất từng được tìm thấy ở Nhật và là một trong 7 hóa thạch Kỷ phấn trắng duy nhất trên thế giới.
 
Hóa thạch này khác với 6 hóa thạch còn lại là nó có 2 xương sống nhô ra từ xương đùi và những chiếc lông nhỏ xíu trên chân trước.
 
Phát hiện hóa thạch bọ ngựa 87 triệu năm tuổi - 1
Hóa thạch bọ ngựa 87 triệu năm tuổi.
 
Ông Ueda cho biết: “Những năm cuối của Kỷ phấn trắng được coi là giai đoạn chuyển đổi giữa thế giới cổ đại và hiện đại. Hóa thạch này tiết lộ nhiều yếu tố trung gian giữa 2 kỷ nguyên”.

Tuy nhiên chỉ có thời gian mới trả lời được tầm quan trọng của khám phá này.

Đàm Loan
Theo Weirdasianews