Nghị lực phi thường của cô gái "bị nhốt trong cơ thể chính mình" viết sách bằng ánh mắt

(Dân trí) - Mia Austin 29 tuổi không thể nói và chỉ có thể giao tiếp qua chuyển động của mắt sau một cơn đột quỵ rất sớm từ tuổi 21.

Nghị lực phi thường của cô gái "bị nhốt trong cơ thể chính mình" viết sách bằng ánh mắt - 1

Sau cơn đột quỵ, Mia được chẩn đoán rơi vào một hội chứng cực kỳ hiếm gặp được biết đến như "hội chứng bị nhốt bên trong" và được bác sĩ mô tả là "tình trạng gần nhất với đang bị chôn sống".

Mia, đến từ Wirral, North West bị liệt từ cổ xuống và phải ăn qua đường ống.

Vì không thể nói, Mia chỉ có thể dùng máy tính để giao tiếp với mọi người. Chiếc máy tính có khả năng nhận biết ánh mắt của Mia.

Trong cuốn sách "Trong chớp mắt" xuất bản hôm 27/4 vừa rồi, Mia đã chia sẻ những trải nghiệm của mình với người đọc.

Trong phần giới thiệu, Mia viết: "Tôi thức dậy vào sáng ngày 16 tháng 11 năm 2009, hoàn toàn không biết về những điều sắp xảy ra vì như thường lệ, tôi sẽ đi làm, không có gì khác biệt, tiếp theo là đến phòng tập thể dục nơi tôi tập luyện như bình thường. Tôi đã đi thẳng vào để nói với mẹ rằng hôm nay tôi tập tệ quá, và mẹ thì trả lời: "Luôn còn có ngày mai".

Thật mỉa mai thế đấy. Chào mừng bạn đến với câu chuyện của tôi, tất cả về tôi. Giờ bạn có thể khám phá trí não của một bệnh nhân đột quỵ".

Bác sĩ nói gia đình có thể sẽ phải đón nhận tình trạng tồi tệ nhất của Mia, rằng cô ấy có thể không qua khỏi ngay đêm đầu tiên cô ấy bị đột quỵ và phải đặt máy hỗ trợ sống tại bệnh viện Parke Park, Merseyside 9 năm về trước.

Thế nhưng, ngay khi các bác sĩ chuẩn bị tắt máy, thì Mia mở mắt. Các bác sĩ nhận ra rằng dù hoàn toàn bất động, cô vẫn có thể nhìn thấy, nghe và suy nghĩ như bình thường.

Một tuần sau đó, Mia được chẩn đoán mắc hội chứng "bị nhốt bên trong cơ thể".

Nói về cuốn sách, bố của Mia, Rick, nói: “Cá nhân tôi cảm thấy vô cùng tự hào về Mia. Để viết một cuốn sách chỉ bằng cái chớp mắt theo đúng nghĩa đen, là điều rất ấn tượng. Con bé mất khoảng một năm để viết, đó là công việc rất mất thời gian, Mia sử dụng đôi mắt của mình để chọn từng chữ cái".

Mẹ của Mia, Carole, 62 tuổi, nói: "Đó hoàn toàn là ý tưởng của Mia. Con bé ở trong bệnh viện khoảng 14 tháng, viết thơ, viết truyện vì điều đó giúp cho Mia bận rộn và đầu óc tỉnh táo. Tôi nghĩ ý tưởng viết sách của con bé nảy sinh từ đó".

Gia đình, bao gồm cả anh trai của Mia, Sam, 32 tuổi, và em gái Sophie, 25 tuổi, đều đã giúp Mia sử dụng một bảng chính tả để viết thơ và truyện ngắn trong bệnh viện.

Carole nói: "Sử dụng bảng chính tả rất mất thời gian, Mia đã rất mệt, bây giờ có máy tính đặc biệt nên dễ hơn nhiều. Trong cuốn sách này, Mia viết về trải nghiệm của mình và giải quyết tất cả các câu hỏi mà mọi người có thể muốn biết nhưng lịch sự không muốn hỏi. Tôi rất tự hào về con bé, ngay từ đầu, tất cả chúng tôi đều mang tâm lý nặng nề về những gì đã xảy ra nhưng Mia đã chứng tỏ con bé dũng cảm thế nào".

Đây không phải lần đầu tiên Mia khiến cha mẹ kinh ngạc vì quyết tâm của mình. Cô đã hoàn thành một khóa học tâm lý tội phạm tại Wirral Metropolitan College vào năm 2017, trước khi đăng ký khóa học pháp y với Đại học Mở.

Năm nay, Mia sẽ bắt đầu một khóa học khác trong công lý hình sự.

Nói về những gì Mia đã đạt được, cha cô nói: "Con bé là một phụ nữ trẻ đầy quyết tâm và gần đây đã khởi động một chiến dịch cho những người khuyết tật. Trước khi đột quỵ, Mia làm việc cho đại lý du lịch và thường xuyên gây quỹ, vận động quyên góp tiền làm từ thiện".

Huyền Anh
Theo Metro