Cụ ông tự học hơn 100 ngôn ngữ cổ

(Dân trí) - Cụ ông 86 tuổi Riccardo Bertani người Ý đã cho thấy một tinh thần phi thường khi tự học và thành thạo đọc viết đến hơn 100 ngôn ngữ cổ xưa gần như không còn ai biết trên thế giới.

Nói về quyết định bỏ học khi mới học tiểu học, ông Riccardo cho biết: "Tôi thích những thứ khác hơn và tôi phải nói rằng chỉ có duy nhất một giáo viên hiểu quyết định đó của tôi".


Riccardo thành thạo 100 loại ngôn ngữ cổ

Riccardo thành thạo 100 loại ngôn ngữ cổ

Tự nhận là mình bị "dị ứng với môn toán", ông bắt đầu làm việc đồng áng như những người khác trong làng. Thế nhưng sau đó ông nhận ra mình cũng không hợp với việc nhà nông. Vậy là ông bắt đầu tập trung vào những điều làm mình thấy thích thú hơn như việc đọc và học ngôn ngữ.

Hầu hết những cuốn sách trong nhà Riccardo đều là sách tiếng Nga cỡ bự. Cho dù khi đó không hiểu sách viết gì, ông vẫn thấy rất thích thú. Ông bắt đầu tìm hiểu về những tác giả như Lev Tolstoy, đọc các tác phẩm của họ bằng tiếng Ý rồi lại dùng sách dạy tiếng Nga để học về ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả.

Ông bị cuốn hút bởi các nước như Nga và Ukraina và chỉ dịch sách của các nước này trong suốt 18 năm. Khi tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa của họ, ông phát hiện ra các nền văn hóa khác như Siberia, Mông Cổ và Eskimo. Vậy là ông bắt đầu thích thú tìm hiểu về các lại ngôn ngữ đã mất.

Thế nhưng lạ hơn nữa là lịch học của ông. Kể từ khi còn nhỏ, Riccardo đã rất thích bình minh.

"Trong nhiều năm, tôi thường dậy lúc hai giờ sáng và chờ mặt trời lên. Trong khi chờ đợi, não tôi dường như hoạt động tốt hơn, đầu óc tỉnh hơn nên tôi lấy sách ra học", ông kể.

Thế nhưng dậy sớm càng ngày càng khó khi Riccardo già đi. Dù vậy, Riccardo vẫn dậy lúc năm giờ sáng để học và nhìn mặt trời mọc. Hiện nay, ông đã học đến 100 loại ngôn ngữ cổ có trên khắp thế giới bao gồm ngôn ngữ của người Eskimo, Yakut, Rutul và Yukaghir.

Không những thế, quá trình học của ông cũng được ghi lại. Ông giữ lại hơn 1,000 sách vở ghi lại những bản thảo dịch thuật, chú giải và phát âm của hàng ngàn từ khác nhau trong suốt 70 năm học.

Các chuyên gia cho rằng một người bình thường có thể học và tìm hiểu về các ngôn ngữ đã mất qua những gì Riccardo ghi lại. Riccardo cũng cởi mở và sẵn sàng cho mọi người đến xem và học từ những bản thảo của mình.

Ông từng được mời đến Nga và Bulgary để diễn thuyết về trải nghiệm của mình nhưng từ chối. Riccardo chưa bao giờ rời khỏi nước Ý vì sợ mình sẽ thất vọng. Qua ngôn ngữ và sách vở đọc được, ông có riêng cho mình ý tưởng về từng đất nước một và ông sợ hiện thực sẽ làm ông thất vọng.

Tuy thông thạo ngôn ngữ cổ, Riccardo lại không hề biết tiếng Anh, Đức hay các ngôn ngữ hiện đại khác. Ông cũng tự nhận vì bỏ học sớm nên các phép tính đơn giản cũng làm khó ông rất nhiều.

Ngô Vân
Theo OC