Cặp sinh đôi cách nhau 3 năm

(Dân trí) - Một ca sinh đẻ rất hiếm gặp vừa xảy ra tại Ấn Độ. Một bé trai đã chào đời tại chính nơi mà cách đây 3 năm, người chị song sinh của cậu đã ra đời.

Bác sĩ Siddhartha Chatterjee cho hay, bé trai Vinayak chào đời hôm 3/9 tuần trước trong khi chị gái song sinh Ishani chào đời ngày 3/10/2005.

Thành tựu này là kết quả 5 năm miệt mài nghiên cứu và làm thí nghiệm của bác sĩ Siddhartha Chatterjee sau khi cặp đôi Debayan và Rubai Choudhuri tìm đến ông để được giúp đỡ. Cặp vợ chồng ở Kolkata thuộc phía đông Ấn Độ không có con sau 5 năm kết hôn.

 

Bác sĩ Chatterjee cho hay, tinh trùng và trứng đã được lấy từ cặp vợ chồng và 3 phôi đã hình thành vào tháng 1/2005.

 

Một trong số này được tách ra và đặt vào tử cung của Rubai. Chị đã sinh một bé gái, chính là Ishani, vào tháng 10 năm đó.

 

Hai phôi còn lại đã được bảo quản trong phòng thí nghiệm. Ba năm sau đó khi cặp vợ chồng Debayan và Rubai Choudhuri muốn sinh thêm một người con nữa, một trong số 2 phôi thai được bảo quản đã được lấy ra và đặt vào tử cung của người mẹ. Và bé trai Vinayak đã chào đời.

 

Khi được hỏi rằng liệu hai đứa trẻ có được gọi là song sinh hay không, bác sĩ Chatterjee nói: “Thông thường chúng ta gọi 2 đứa trẻ là song sinh khi bào thai được hình thành cùng thời điểm. Mặc dù điều đó không xảy ra trong trường hợp này nhưng hai đứa trẻ vẫn được gọi là song sinh xét về mặt phôi học”.

 

Nhưng liệu chị Rubai có coi 2 con là cặp song sinh hay không? Bà mẹ trả lời: “Không, với tôi Ishani là con cả còn Vinayak là đứa thứ 2. Tôi luôn mong ước có 2 người con, và hôm nay điều đó đã trở thành sự thật, nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ”.

 

"Thật là kỳ lạ khi hai ca sinh nở cách nhau 3 năm", bác sĩ Chatterjee nói và cho biết thêm rằng việc thực hiện những ca sinh nở như thế này không quá khó.

 

Chị Rubai không có ý định mang thai lần thứ 3. “Nhưng có thể tôi sẽ cân nhắc chuyện hiến tặng phôi thứ 3 để phục vụ việc nghiên cứu hoặc cho một cặp vợ chồng nào đó không có con”.

 

Lưu Ly

Theo PTI