Xây dựng đường biên giới Việt – Lào hữu nghị, phát triển

(Dân trí) - Sáng 13/9 đã diễn ra Hội nghị tập huấn tuyên truyền kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, công tác quản lý biên giới Việt Nam – Lào nhân dịp hai nước kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2017) và 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977-18/7/2017).

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Quảng Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức nhằm tuyên truyền kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, công tác quản lý biên giới Việt Nam - Lào năm 2017 cho các lực lượng làm công tác tuyên truyền về biên giới trên đất liền tuyến Việt Nam - Lào.

Đại biểu hai nước Việt – Lào tại hội nghị tập huấn tuyên truyền kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, công tác quản lý biên giới hai nước sáng 13/9 tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam
Đại biểu hai nước Việt – Lào tại hội nghị tập huấn tuyên truyền kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, công tác quản lý biên giới hai nước sáng 13/9 tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới và quản lý biên giới Việt Nam - Lào đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới như nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả ở những khu vực đặc thù như khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Tại hội nghị, các báo cáo viên của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương. Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã nghe và trao đổi, thảo luận về các vấn đề mối quan hệ Việt Nam - Lào, kết quả, ý nghĩa của công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào; những thuận lợi, khó khăn và phương hướng trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Cột mốc biên giới Việt – Lào tại đường biên huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
Cột mốc biên giới Việt – Lào tại đường biên huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự và nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, bảo vệ biên giới Việt Nam - Lào; định hướng phát triển kinh tế biên giới trong thời gian tới; kết quả trao đổi thương mại qua biên giới thời gian qua, định hướng hợp tác trong thời gian tới.

Hội nghị này cũng nhằm tuyên truyền việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, bảo vệ biên giới và 2 văn kiện “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào.

Đây là cơ sở để xác định rõ ràng, chính xác cả trên thực địa và trong các tài liệu pháp lý giúp các lực lượng chức năng và nhân dân hai bên biên giới dễ dàng nhận biết đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới và xử lý những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý biên giới; góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị hợp tác và phát triển bền vững.

Đồng thời, đây cũng là dịp tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào để có trách nhiệm gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ đặc biệt, có một không hai đó, bắt nguồn từ sự gần gũi về địa lý, sự sẻ chia về lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung, sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay.

Đường biên giới giữa 2 nước Việt Nam - Lào có chiều dài hơn 2.337km, việc đảm bảo an ninh vùng biên giới sẽ tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của 2 quốc gia.

Khu vực biên giới Việt Nam - Lào gồm 156 xã, phường, thị trấn của 36 huyện, thị thuộc 10 tỉnh; dân số khoảng 132.000 hộ với gần 600.000 nhân khẩu.

Đường biên giới giữa 2 nước có điểm đầu từ xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đến xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), đi qua 10 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Phía Lào gồm các tỉnh Phông Xa Lì, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Van Na Khet, Sa La Van, Sê Kông và At Ta Pư.

Sau 5 năm triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, hai bên đã hoàn thành xây dựng một hệ thống mốc giới với 792 vị trí mốc (tương ứng với 834 cột mốc) và cắm bổ sung hơn 20 cọc dấu, góp phần làm rõ hướng đi của đường biên giới.

Công Bính