Vụ ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyệt Hường: Hồ sơ ứng cử đều... đẹp

(Dân trí) - “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải trước hết trung thực với bản thân mình vì nếu có sai phạm thì trước sau cũng bị phát hiện. Không thể tính việc vào Quốc hội để trốn chạy... Khoá XIV Quốc hội sẽ sửa lại luật Bầu cử để tránh lọt người không xứng đáng” – Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Chủ trì cuộc họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận nhiều câu hỏi liên quan đến việc 2 người trúng cử tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội vừa qua là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có sai phạm, không đáp ứng tiêu chí đại biểu Quốc hội và đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo (ảnh: XH).
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo (ảnh: XH).

Sửa luật bầu cử để chống lọt người không xứng đáng

Một vấn đề đặt ra tại cuộc họp báo, qua sự việc của ông Thanh, bà Hường, có thể thấy những lỗ hổng trong công tác thẩm định hồ sơ của ứng viên đại biểu Quốc hội và cần xem xét trách nhiệm với các cơ quan liên quan.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, khi kết quả bầu cử vừa được công bố 1 tháng, trong thời gian Hội đồng bầu cử phải xác nhận tư cách với các đại biểu Quốc hội thì đã có liên tiếp 2 trường hợp không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

Trường hợp của ông Trịnh xuân Thanh – tỉnh uỷ viên tỉnh uỷ Hậu Giang, ông Hạnh Phúc dẫn kết luận của UB Kiểm tra Trung ương khẳng định người này có những sai phạm, khuyết điểm thể hiện là cá nhân đó không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, có biểu hiện không trung thực, thiếu trách nhiệm… trong công việc.

Tổng Thư ký Quốc hội trao đổi thêm, liên quan đến những sai phạm của ông Thanh, Trung ương Đảng vẫn đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan chứ không chỉ dừng ở việc xử lý kỷ luật với ông Thanh.

“Trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, một đại biểu của Hà Nội, lại là đại biểu tái cử (bà Hường đã tham gia Quốc hội 2 khoá liên tục), là một uỷ viên Đoàn Chủ tịch của UB TƯ MTTQ, cũng là doanh nhân rất thành đạt nhưng vừa qua do vi phạm tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cụ thể vi phạm luật Quốc tịch Việt Nam nên Hội đồng bầu cử quốc gia cũng không công nhận tư cách đại biểu khoá XIV” – ông Hạnh Phúc giải thích.

Từ bài học rút ra qua 2 trường hợp này, Tổng thư ký Quốc hội quả quyết, tới đây, Quốc hội khoá XIV sẽ sửa luật Bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp và sẽ có chế tài cụ thể hơn nữa để tránh để lọt những người không xứng đáng trong quá trình giới thiệu người ứng cử.

Ông Hạnh Phúc cũng thông tin, ông Trịnh Xuân Thanh là do UB Bầu cử của Hậu Giang, cụ thể là MTTQ Hậu Giang giới thiệu, đã thực hiện đúng quy trình qua 3 vòng hiệp thương, không có vấn đề gì.

Còn bà Nguyệt Hường suốt quá trình cũng không có đơn thư tố cáo mà do vào “giờ chót” cơ quan chức năng phát hiện việc bà này đăng ký thêm 1 quốc tịch nữa ở nước ngoài. Ông Hạnh Phúc nhấn mạnh, vi phạm của nữ doanh nhân mới được phát hiện, cơ quan phát hiện đã nhanh chóng báo cáo và đề nghị phía Quốc hội kiên quyết xử lý theo quy định.

Vào Quốc hội không phải để trốn tránh

Giải thích về những cái khó trong quá trình thẩm định, ông Hạnh Phúc một lần nữa nhắc lại: “Với ông Trịnh Xuân Thanh, vừa qua, nếu chỉ xem hồ sơ ứng cử thì không thấy sai phạm gì cả, chỉ khi dư luận có thông tin, phản ánh, UB Kiểm tra Trung ương vào cuộc làm rõ thì mới xác định những sai phạm. Còn bà Nguyệt Hường thì thậm chí còn không đơn thư, không có thông tin tố cáo nào. Hồ sơ giới thiệu thì các ứng viên đều đẹp lắm, đều thấy xứng đáng cả. Đây là việc thật sự đáng tiếc”.

Nói về nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc có 2 người trúng cử không đủ tư cách đại biểu Quốc hội chứng tỏ việc giới thiệu qua các vòng hiệp thương có vấn đề, ông Hạnh Phúc trao đổi thêm, Hội đồng bầu cử quốc gia vừa qua đã họp tổng kết, tiếp thu báo cáo của 63 địa phương đóng góp về quy trình bầu cử hiện nay để tới đây sửa luật, quy định cả việc triển khai 3 vòng hiệp thương thế nào để tránh lọt những người không xứng đáng.

Về nghi vấn những người không xứng đáng “lọt” lưới bị phát hiện sai phạm 2 khoá Quốc hội gần đây đều là giới doanh nhân, Tổng Thư ký Quốc hội giải thích, đó chỉ là sự ngẫu nhiên.

“Đúng là 2 đại biểu bị miễn nhiệm khoá trước là 2 nữ doanh nhân. Lần này đến nữ doanh nhân Nguyệt Hường và ông Thanh - xuất thân cũng là doanh nhân nhưng rõ ràng, Quốc hội của dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân và người dân đã chọn thế” – ông Phúc nói.

Ông Phúc chốt lại: “Mỗi đại biểu phải xác định là người đại diện của dân, trước khi ứng cử phải trung thực với chính bản thân mình, vào Quốc hội là để cống hiến chứ không phải để trốn tránh cái này cái kia vì đã có sai phạm thì trước sau cũng lộ ra, người dân sẽ biết, và rồi cũng có đơn thư khiếu nại tố cáo, có thể bị xem xét bất cứ lúc nào”.

P.Thảo