Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp ở Biển Đông

(Dân trí) - Trước câu hỏi về việc Việt Nam liệu có cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế sau những động thái làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở khu vực này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (3/3), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề Biển Đông.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Hữu Nghị)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Hữu Nghị)

Truyền thông Philippines đưa tin Trung Quốc đã cử tàu công vụ ra bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để ngăn tàu cá các nước vào đánh bắt trong khu vực này? Hành động của Trung Quốc nhằm mục đích gì? Xin ông cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự việc này?

Một lần nữa chúng tôi khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp.

Các bên liên quan cần có những hành động cũng như lời nói thiết thực để đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật biển của Liên Hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982), và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tuần trước, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOC) đã mời các doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí ở Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải. Các lô mà Trung Quốc mời thầu có nằm trong vùng biển Việt Nam hay vùng chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không?

Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ nội dung thông báo mời thầu mà Trung Quốc công bố. Tuy nhiên lập trường nhất quán của VN là tại khu vực mà hai bên đang đàm phán, phân định đối với vùng biển thực sự chồng lấn ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thì theo luật pháp quốc tế, không bên nào được đơn phương thăm dò, khai thác dầu khí.

Sau các các động thái của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã nhiều lần phản đối qua con đường ngoại giao, thậm chí gửi công hàm tới Liên Hợp quốc nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ. Vậy Bộ Ngoại giao có tính đến các phương án mạnh mẽ hơn, như kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế như Philippines đã làm hay không?

Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Cho đến nay, lập trường nhất quán nêu trên của Việt Nam đã góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Giữa tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam giữa lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama nhóm họp với các lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands và kêu gọi ngừng quân sự hóa Biển Đông.

Trong một động thái tiếp tục làm phức tạp tình hình Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, các ảnh chụp vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và toàn cầu (CSIS) cho biết, Trung Quốc có thể đang triển khai trái phép một loạt hệ thống radar trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm bãi đá Châu Viên, đá Gaven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma.

Theo Nhật báo của quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh đang công khai tăng cường xây dựng các công trình khác nhau trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, như bệnh viện, trường học và đài truyền hình....

Các động thái trên của Trung Quốc tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Mỹ cho rằng, Bắc Kinh đang thực hiện ý đồ quân sự hóa Biển Đông và kêu gọi các nước trong đó có Úc tiếp tục các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng hành động của Bắc Kinh là “không thể chấp nhận được”.

Nam Hằng