Việt Nam kêu gọi thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thỏa thuận Paris

(Dân trí) - Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thỏa thuận Paris vừa được thông qua - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã nêu quan điểm của Việt Nam trước việc ngày 12/12/2015, Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đối khí hậu (COP 21) đã nhất trí thông qua Thoả thuận Paris.

 

Lãnh đạo thế giới ăn mừng sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu. (Ảnh: AFP)
Lãnh đạo thế giới ăn mừng sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu. (Ảnh: AFP)

 

“Việt Nam vui mừng và hoan nghênh việc Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris vào tối 12/12/2015 (giờ Paris). Đây là bước mở đầu cho một giai đoạn mới về ứng phó với biến đổi khí hậu và là một bước tiến hết sức quan trọng trong nỗ lực chung  nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ XXI", ông Bình nói.

Người Phát ngôn nêu rõ: "Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, chủ động đưa ra các cam kết trong lĩnh vực này, đồng thời tham gia tích cực và thực chất vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận Paris, cùng với các nước nỗ lực vì mục tiêu chung đồng thời bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam".

"Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả  nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thỏa thuận Paris, trong đó các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Thỏa thuận mang tính lịch sử này nhằm giới hạn sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C đã được gần 200 quốc gia thông qua sau gần 2 tuần đàm phán; đặc biệt trong 48 giờ đàm phán cuối cùng gần như không ngừng nghỉ.

Thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020, kết thúc tranh cãi nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Đây là thỏa thuận đầu tiên kêu gọi tất cả các nước trên thế giới gồm cả các nước nghèo và nước giàu chung tay hành động để hạn chế lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Thỏa thuận sẽ được xem xét đánh giá lại 5 năm 1 lần nhằm khuyến khích các nước cắt giảm khí thải hơn nữa.

 

Nam Hằng