28 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2016):

“Tôi sẽ luôn sống sao cho xứng đáng với đồng đội đã ngã xuống"

(Dân trí) - 28 năm trôi qua, hình ảnh người đồng đội - Thiếu úy Trần Văn Phương ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ Tổ quốc vẫn ám ảnh, đau đáu trong tâm khảm của người cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo.

Khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 28 năm trận chiến Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2016), chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với người cựu binh trở về từ trận quyết tử năm xưa để được nghe anh kể lại trận chiến nhiều đau thương này.

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu
Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu

Ký ức không bao giờ quên!

Sinh ra tại xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh), tháng 12/1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Lê Hữu Thảo lên đường nhập ngũ. Anh được bố trí vào Lữ đoàn 147 Quân chủng Hải quân.

Anh kể: Cuối năm 1987, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lúc đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, bao gồm việc củng cố, xây dựng thêm các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội. Đầu năm 1988, đơn vị anh nhận lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa)

Đã 28 năm trôi qua nhưng những ký ức về sự kiện Gạc Ma 1988 vẫn ám ảnh mãi trong tâm trí của người cựu binh Lê Hữu Thảo
Đã 28 năm trôi qua nhưng những ký ức về sự kiện Gạc Ma 1988 vẫn ám ảnh mãi trong tâm trí của người cựu binh Lê Hữu Thảo

20h ngày 11/3/1988, tàu 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở theo lính công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) - cách đất liền khoảng 500 km.

2h sáng ngày 12/3, nhận thấy nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh quân chủng điều thêm tàu HQ 605 cùng HQ 604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu 505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

“Đêm 13/3, xuồng vận tải chở vật liệu xây dựng được chuyển xuống đảo.Tôi, Thiếu úy Trần Văn Phương và 3 đồng chí khác nhận lệnh vào đảo cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền”, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo kể.

Lội xuống nước chừng 5 phút, các chiến sĩ tiếp cận bãi san hô đang lộ dần khi thủy triều rút. Phía xa, 3 tàu Trung Quốc bất ngờ xuất hiện và bắt đầu di chuyển đội hình áp sát đảo.

Đến 6h30 ngày 14/3, tàu Trung Quốc thả xuồng máy chuyển từng tốp lính lên Gạc Ma.

“Lúc đó, tôi đếm có 49 lính Trung Quốc mang AK và một tên chỉ huy dáng người cao to mang súng ngắn. Chúng bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, những chỗ vòng vây gần nhất, hai bên cách nhau chỉ chừng một đến 2 mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc”.

“Chúng tìm mọi cách khiêu khích, gây hấn nhằm để cho quân ta nổ súng trước. Trước tình thế đó, các chiến sỹ của ta vẫn hết sức bình tình, theo dõi nắm bắt tình hình”.

Không thực hiện được ý đồ, tên sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc bất ngờ bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng vào bụng Thiếu úy Phương rồi bóp cò. Và Liền sau đó, tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo.

Cùng lúc, tàu chiến Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin cách đó 5 km và HQ 605 phía đảo Len Đao cách 12 km.

Đến lúc trời sáng, quân lính Trung Quốc mới chịu rút khỏi Gạc Ma.

“64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông”, người cựu binh nghẹn ngào.

Khoảng 10 ngày sau khi sự kiện 14/3 diễn ra, anh Thảo và đồng đội được tàu của Quân chủng ra đón về đất liền.

Niềm vui ngày trở về

Sau sự kiện tháng 3/1988, anh phục viên trở về quê hương. Anh đã trải qua rất nhiều nghề từ thợ nề, thợ hồ, hái cà phê, cạo mủ cao su đến việc trông coi công trình xây dựng, công trình thủy điện để trang trải cuộc sống.

Cựu binh Lê Hữu Thảo thăm mộ liệt sỹ Trần Văn Phương (xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh nhân vật cung cấp
Cựu binh Lê Hữu Thảo thăm mộ liệt sỹ Trần Văn Phương (xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh nghĩ đơn giản: “Được sống, được trở về lành lặn đã là một may mắn quá lớn đối với tôi rồi”.

Được trở về nhưng nỗi nhớ thương những người đồng đội cứ cồn cào day dứt mãi trong tim anh. Và anh luôn mong muốn tìm lại được những đồng đội còn sống đã cùng mình chiến đấu năm xưa, mong muốn có thể liên hệ và thăm hỏi gia đình các anh em đã ngã xuống năm đó.

Từ năm 2013 đến nay, anh luôn không ngừng nghỉ trên hành trình tìm đồng đội trên chuyến tàu HQ 604 năm ấy.

Và đến nay anh đã gặp được hầu hết những người đống chí, đồng đội, thân nhận các gia đình liệt sỹ. Bên cạnh đó, nếu thấy hoàn cảnh thân nhân đồng đội cũ khó khăn, anh lại là người kết nối với các nhà báo, các tổ chức xã hội để họ có được sự quan tâm. Với những đồng đội còn sống trở về, anh Thảo cũng tìm cách giúp đỡ mỗi lúc gian truân trong cuộc sống. Chính cuộc sống của anh cũng còn bao vất vả, vậy mà anh vẫn hết lòng nghĩ cho người khác. Và điều đó làm cho lòng anh luôn cảm thấy được thảnh thơi, nhẹ nhõm.

“Đến nay tôi và các đồng đội của tôi đã tìm kiếm được thân nhân của 50 gia đình liệt sỹ (trên tổng số 64 liệt sỹ). Và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, xem đó là một chút động viên, an ủi những người đồng đội của mình”, anh Lê Hữu Thảo tâm sự.

Mới đây, niềm hạnh phúc “muộn màng” đã đến với người cựu binh này khi đã anh đã tìm được một nửa kia của đời mình. Tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái bằng một đứa con trai kháu khỉnh, được anh đặt tên là Lê Nguyễn Trường Sa!

Người cựu binh bên đứa con trai đầu lòng Lê Nguyễn Trường Sa
Người cựu binh bên đứa con trai đầu lòng Lê Nguyễn Trường Sa

“Cái tên này được tôi ấp ủ đã lâu và giờ đó là tên con trai tôi, như nhắc nhở sự kiện Gạc Ma năm 1988 và nhắc nhở Trường Sa luôn là máu thịt trong mình”, người cựu binh chia sẻ.

“Tôi được sống và trở về là một may mắn. Giờ tôi đã có tổ ấm của riêng mình. Tôi sẽ luôn sống sao cho xứng đáng với những người đồng đội đã ngã xuống ngày hôm đó...”.

Xuân Sinh