Thư về với mẹ khi con đã hy sinh!

(Dân trí) - Lá thư cuối cùng của liệt sỹ Nguyễn Văn Thịnh được viết vào đầu xuân 1985, tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang trong chiến tranh biên giới. Người mẹ liệt sỹ chia sẻ, con trai từng kể chỉ còn mấy quả cà chua để ăn vì pháo địch đánh vào dữ lắm. Liệt sỹ Thịnh rất thích ăn bánh chưng nhưng vẫn dặn mẹ "đừng phần con bánh chưng, con không về được đâu!".


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước mặc niệm các anh hùng liệt sỹ (Ảnh: Nguyễn Dương)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước mặc niệm các anh hùng liệt sỹ (Ảnh: Nguyễn Dương)

Phần sau cùng của lễ kỷ niệm, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể những người tham dự chương trình tại các đầu cầu cùng thắp nến trong giai điệu thiêng liêng của “Giai điệu Tổ quốc tôi” do các em thiếu nhi, tập thể các nghệ sĩ trình diễn, để một lần nữa tưởng nhớ và tri ân lớp lớp những người đã nằm xuống, những người đã hi sinh máu thịt của mình cho Tổ quốc.


Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể những người tham dự chương trình tại các đầu cầu cùng thắp nến tri ân.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể những người tham dự chương trình tại các đầu cầu cùng thắp nến tri ân.

Tại Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn sáng bừng với đèn hoa đăng được thả đồng thời. TPHCM, mưa vẫn không ngớt, người tham dự vẫn đứng trang nghiêm trong phút tưởng niệm.

22h13’, thêm một câu chuyện xúc động được chia sẻ.

Mùa xuân năm 1984, một đoàn người, trong đó có Đại tướng Phạm Văn Trà – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát hiện 3 bộ hài cốt kèm theo một lá thư nằm bên sông Đồng Nai. Ông đã viết lại chuyện đó trong cuốn hồi ký 30 năm về cuộc chiến.

Thư về với mẹ khi con đã hy sinh! - 3

Hoa đăng trên dòng Thạch Hãn (Ảnh: Đăng Đức)

Hoa đăng trên dòng Thạch Hãn (Ảnh: Đăng Đức)

Hài cốt đó chính là 3 người lính cuối cùng của một tiểu đoàn. 3 anh đến từ 3 địa phương khác nhau: Sài Gòn, Quảng Ngãi, Thái Bình, là những người bị thương nặng, cố gắng cầm cự viết chung bức huyết thư kể về sự hi sinh của các đồng đội rồi mới buông tay, ngã bước, cùng nhau nằm lại cạnh dòng sông Đồng Nai.

22h, lá thư cuối cùng của liệt sỹ Nguyễn Văn Thịnh gửi về cho gia đình được chia sẻ. Lá thư được viết vào đầu xuân 1985, tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang trong chiến tranh biên giới.

Người mẹ liệt sỹ chia sẻ, con trai từng kể chỉ còn mấy quả cà chua để ăn, vì pháo địch đánh vào dữ lắm. Liệt sỹ Thịnh cũng dặn mẹ "mẹ đừng phần bánh chưng, con không về được đâu!".

Nhớ về con trai là một người rất tình cảm, mẹ liệt sỹ xót xa khi lên Hà Giang đón con trở về.

Mẹ liệt sỹ Thịnh có mặt trên hàng ghế dưới lễ đài, ngồi cùng các thương bệnh binh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng trao từng bó hoa thay cho lời cảm tạ, tri ân dành cho các Mẹ và những người con đã anh dũng chiến đấu vì Tổ quốc của các Mẹ.

Tại Thái Nguyên, Quảng Trị, TPHCM, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đồng loạt đứng dậy, thăm hỏi, tặng hoa, tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng, những thương, bệnh tinh tham gia chương trình “Dáng đứng Việt Nam”.

Thư về với mẹ khi con đã hy sinh! - 5

Thư về với mẹ khi con đã hy sinh! - 6


Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở các đầu cầu thăm hỏi, tặng hoa, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, những thương, bệnh tinh tham gia chương trình.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở các đầu cầu thăm hỏi, tặng hoa, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, những thương, bệnh tinh tham gia chương trình.

21h59’, tại điểm cầu Hà Nội, thân nhân một số liệt sỹ được mời lên lễ đài. Bộ trưởng Lao động, Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung trao cho thân nhân các liệt sỹ chứng nhận ADN đã được xác định trong thời gian qua. Với nỗ lực của các lực lượng, hơn 2.000 liệt sỹ đã được xác định danh tính trong những năm gần đây.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao chứng nhận ADN cho thân nhân các liệt sỹ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao chứng nhận ADN cho thân nhân các liệt sỹ.

Thư về với mẹ khi con đã hy sinh! - 9

21h49’, địa danh Gạc Ma được nhắc lại với câu chuyện về chiếc đồng hồ của một liệt sỹ được gia đình lưu giữ. Chiếc đồng hồ chết đúng lúc hơn 6h, đúng thời điểm đang có nổ súng ở đảo. Chiếc đồng hồ sau đó được gia đình đặt trên bàn thờ để hương khói, thay cho phần di hài người lính đã nằm lại với biển.

Một người mẹ, mẹ Nguyễn Thị Tròn, sau trận chiến năm đó, đã đi khắp biển gọi tên con - liệt sỹ Hoàng Văn Tuý cho đến khi đổ bệnh. Những di vật gửi về khắc thêm nỗi mong nhớ cho cả gia đình. “Một đứa con hi sinh trên đất liền, thân xác nó còn biết chứ hi sinh trên biển…” - cha liệt sỹ đau đớn nói.

Ở Quảng Bình, một người mẹ khác – mẹ Phan Thị Tạo – mẹ liệt sỹ Phan Văn Thiềng, hi sinh tại Gạc Ma năm 1988 cũng khóc đến mờ mắt mong con. Đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn khôn nguôi hi vọng tìm được con.

Tròn 20 năm dưới đá Gạc Ma, tàu HQ 01 mới được tìm thấy, 13 hài cốt được đưa lên. 13 hài cốt và 56 mẫu sinh phẩm của các liệt sỹ mất tới 74 ngày để làm các xét nghiệm, đối chứng. Sau cùng, danh tính 8 người được xác định.

Viện Pháp y quân đội đã lưu giữ 8 giọt mẫu ADN ấy trong khối pha lê để đưa các anh về với gia đình, người thân, coi như là một sự an ủi đôi chút với những người mất thân nhân.

21h43’, chương trình chuyển sang chuyện của những người lính may mắn được trở về với gia đình, quê hương nhưng "gánh" cả những thương tật nặng nề trên cơ thể. Phong trào “Chị em phụ nữ tình nguyện lấy thương binh” ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt như thế.

Bà Trịnh Thị Sín, vợ thương binh Phạm Hữu Chung kể lại câu chuyện của mình. Cảm phục tinh thần người lính đã mất đi đôi mắt, mất đến 90% sức khoẻ, bà đến với ông, gây dựng một gia đình, chia sẻ với ông những khó khăn mấy chục năm qua, tiếp tục cùng nhau "chiến đấu", dù cuộc chiến đã lùi lại từ lâu.


Thương binh Phạm Hữu Chung chia sẻ: Lấy nhau mấy chục năm, ông chỉ có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của vợ.

Thương binh Phạm Hữu Chung chia sẻ: Lấy nhau mấy chục năm, ông chỉ có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của vợ.

21h28’, câu chuyện về một lá thư thời chiến dẫn đoàn làm phim về Quảng Trị.

Bà Nguyễn Ngọc Cẩm bao nhiêu năm qua vẫn sống lẻ bóng với những lá thư của người yêu bộ đội một thời - liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm. Bà chỉ có một thông tin, đơn vị của người yêu với phiên hiệu 5B Quảng Ngãi và một địa danh là Hải Dương. Chỉ có thế.

Bà Cẩm vẫn giữ mãi nguyện vọng một ngày được gặp gia đình người yêu mình.

Dưới lễ đài, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chấm nước mắt. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình ngồi lặng cạnh nhau, đôi mắt rưng rưng không giấu được cảm xúc.


Dưới cơn mưa nặng hạt, ca sĩ Mỹ Tâm dạt dào cảm xúc với ca khúc Em vẫn đợi anh về.... (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Dưới cơn mưa nặng hạt, ca sĩ Mỹ Tâm dạt dào cảm xúc với ca khúc "Em vẫn đợi anh về...". (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Thông tin trở lại với việc tìm kiếm quê quán của liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm. Huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương hiện nay là địa chỉ sau cùng được xác định để xác minh. Cũng những bức thư với dòng chữ quen thuộc bà Cẩm đang lưu giữ, màu mực đã nhoè theo thời gian. Trong một số bức thư, liệt sỹ Lâm cũng kể chuyện về người yêu tại Quảng Ngãi của mình.

Người thân của liệt sỹ ngậm ngùi nhớ lại những chuyện cũ. Một người cựu binh sau đó đã chia sẻ thông tin quý giá, có thể liệt sỹ được an táng lại một nghĩa trang ở Quảng Ngãi.

“30 năm nay mong làm sao có một thông tin nào để biết được anh mình nằm ở đâu” - tìm được tới nghĩa trang, đứng trước ngôi một đánh số 1/7, anh trai liệt sỹ Lâm vỡ oà nước mắt.


Hình ảnh tại đầu cầu Quảng Trị - Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: Đăng Đức)

Hình ảnh tại đầu cầu Quảng Trị - Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: Đăng Đức)

21h20’, thước phim tài liệu từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia III hiện lên với từng trang giấy cũ, từ bằng tốt nghiệp tới một đôi khuyên tai nhỏ hiếm hoi.

Hơn 7.000 di vật của các liệt sỹ được lưu giữ tại đây, cũng là những manh mối để giúp tìm thêm được các anh/chị và đồng đội.

Chủ nhân đôi hoa tai là liệt sỹ Nguyễn Mai Đồng. Liệt sỹ chưa có gia đình, chỉ có một người con gái nuôi tên Nguyễn Thị Mai Khanh. Người con gái nuôi này chỉ còn giữ được một di vật duy nhất của cha là tấm di ảnh. Và người lính đã ngã xuống mảnh đất Lâm Đồng ngày nào đã giữ suốt bên mình đôi hoa tai dành cho cô con gái nuôi nơi hậu phương.

Bà Nguyễn Thị Mai Khanh được mời bước lên lễ đài tại tượng đài liệt sỹ Bắc Sơn, khóc ròng khi nhận lại kỷ vật của cha nuôi, không nói nên lời. Hơn 40 năm kể từ ngày cha mất, bà Khanh mới được tiếp nhận kỷ vật của cha.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp bước lên sân khấu chia sẻ nỗi xúc động, đỡ bà Khanh xuống ghế ngồi.


Bà Khanh không thể kìm nén nỗi xúc động khi nhận lại kỷ vật của cha nuôi.

Bà Khanh không thể kìm nén nỗi xúc động khi nhận lại kỷ vật của cha nuôi.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp bước lên sân khấu chia sẻ nỗi xúc động, đỡ bà Khanh xuống ghế ngồi. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp bước lên sân khấu chia sẻ nỗi xúc động, đỡ bà Khanh xuống ghế ngồi. (Ảnh: Nguyễn Dương)

21h14’, chương trình trở về với Côn Đảo – nơi có nhà tù đã hơn 140 năm, nơi đến lúc này chỉ còn những cây bàng già cỗi, những bức tường âm u lưu giữ lại giai đoạn lịch sử đau đớn khi những người tù chính trị Việt Cộng bị giam giữ tại địa ngục trần gian.

Tiếng kêu đau đớn của những người tù bị hành hạ trong chuồng cọp, những hàng người bị còng chung một còng chân, những người lê lết trong xích xiềng, những thân hình chỉ còn da bọc xương quằn quại trên nền xi măng… tất cả những ám ảnh đó làm nổi bật ý chí kiên cường của những người chiến sĩ cách mạng.

Hình ảnh nữ chiến sĩ Võ Thị Sáu một lần nữa được tôn vinh như một biểu tượng của tinh thần quả cảm, làm khiếp sợ ngay cả những “sát thủ” lạnh lùng nhất.

Ca khúc “Nhớ ơn chị Võ Thị Sáu” vang lên dưới trời mưa như trút tại Củ Chi (TPHCM) khiến lòng người khó kìm cảm xúc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ngồi ngay cạnh nữ ca sĩ đang cất giọng hát đầy xúc cảm, cố kìm nước mắt...


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với xúc cảm sâu lắng khi tiếng hát về chị Võ Thị Sáu vang lên. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với xúc cảm sâu lắng khi tiếng hát về chị Võ Thị Sáu vang lên. (Ảnh: Nguyễn Dương)

21h5’, chương trình có sự hiện diện của những người cựu binh còn may mắn giữ được tính mạng nhưng cuộc sống cũng chưa thể thanh thản khi các đồng đội vẫn chưa được về nhà.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hà có hơn 30 năm chinh chiến qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ; kinh qua nhiều vị trí, từ người lính trên mặt trận tới các cấp chỉ huy. Ông đã dành 1/3 cuộc đời mình, tức 24 năm, dốc sức đi tìm kiếm các đồng đội, những người lính cấp dưới như để giải tỏa nỗi day dứt về việc phải tìm lại được con của các gia đình đã tình nguyện giao người thân cho ông mấy chục năm trước. Ông chỉ sợ thế hệ mình nằm xuống rồi, ai là người chỉ dẫn cho các lực lương đi tìm khi quỹ thời gian của ông không còn nhiều? Ông đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.

“Món nợ mà mình không vay nhưng giờ vẫn cứ phải tự nguyện đi trả, trả cho đất nước, cho những người mẹ mất con” - người cựu binh với thân mình chi chít những vết thương tâm sự.

Mùa khô năm nay, thêm một chuyến đi trả nợ nữa được ông thực hiện, nơi chiến trường Campuchia. Ông mong một ngày sẽ gặp lại những người lính của mình – những chàng trai thanh tân xưa kia ở nơi không còn cuộc chiến, cũng không còn những món nợ đau đáu đời người.


Trưng bày chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng TPHCM bên trong đền Bến Dược. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Trưng bày chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng TPHCM bên trong đền Bến Dược. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

20h58’, hình ảnh nối tiếp những hình ảnh ám ảnh mỗi người. Cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn với những dòng tâm sự chân thành “bắn đạn thật mà tay run run”. Có những dòng chữ được viết chỉ 6 ngày trước khi hi sinh, người lính trẻ vẫn viết: “Ta yêu hoà bình, yêu màu xanh…”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh – mẹ liệt sỹ gạt nước mắt, mỗi mùa phượng nở trông ngóng mà con vẫn không về, bà bật khóc nghẹn lời “thương nhớ con vô cùng”. Với cha của Nguyễn Kỳ Sơn, có cuốn nhật ký của anh, ông có được chút an ủi, coi như con còn sống.

Trong gia đình, mỗi bữa cơm, trên mâm cơm vẫn có một chiếc bát, một đôi đũa như để dành cho người thân. Sau 38 năm tìm kiếm, gia đình liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn tìm đến được cánh cửa sổ kín vết đạn ngay cạnh sông Thạch Hãn. Gia đình cũng xin được đưa về một nắm đất để thờ cúng.

Biết được nơi người thân hi sinh cũng còn là một điều an ủi so với những gia đình không có một thông tin, không một lời nhắn nhủ, đành ký thác nỗi thương xót day dứt vào sóng nước sông Thạch Hãn, nơi dòng máu, da thịt các anh đã hoà cùng dòng nước sông.

8h51’, những hình ảnh tư liệu về Thành cổ Quảng Trị - mảnh đất chín nhừ vì bom đạn trong suốt 81 ngày đêm đỏ lửa với hàng nghìn mảnh đời thanh xuân, những người lính, những sinh viên Hà Nội chỉ 18 -20 tuổi đã ngã xuống được chiếu lại.

Tại Thành cổ có một di tích được tạo hình cuốn sách, biểu tượng của những người lính sinh viên đã nằm lại đây.

Một cựu sinh viên trường Xây dựng, ông Lê Xuân Tường, không nén được nước mắt khi đứng trước bức biểu trưng của thế hệ mình một thời, nhắc lại những ca khúc vang lên giữa chiến hào, giữa 2 trận đánh.


Ông Lê Xuân Tường, không nén được nước mắt khi đứng trước bức biểu trưng của thế hệ mình một thời. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Ông Lê Xuân Tường, không nén được nước mắt khi đứng trước bức biểu trưng của thế hệ mình một thời. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Cựu sinh viên đại học Tổng hợp Nguyễn Quý Lăng kể lại, ngày đó, khi lên đường, hành trang mang theo có những món đồ đặc trưng như quyển thơ, cuốn tiểu thuyết, cuốn sổ chép tay ca khúc nhạc Nga yêu thích hay cây đàn ghi ta thường vang lên điệp khúc “Thời thanh niên sôi nổi”. Ông Lăng cũng rơm rớm nước mắt.

Các cựu chiến binh xưa một lần nữa cùng hoà giọng hát lại ca khúc của một thời tuổi trẻ mười tám đôi mươi để tưởng nhớ đồng đội trong tiếng ghi ta, tiếng kèn acmonica.

Tại các điểm cầu, trên gương mặt ưu tư của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều người đôi mắt cũng đã đỏ hoe, cố nén xúc động...

Thư về với mẹ khi con đã hy sinh! - 18

Thư về với mẹ khi con đã hy sinh! - 19


Những người cựu chiến binh ưu tư khi được sống lại một thời sôi nổi, một thời bi hùng. (Ảnh: Đăng Đức)

Những người cựu chiến binh ưu tư khi được sống lại một thời sôi nổi, một thời bi hùng. (Ảnh: Đăng Đức)


Mưa như trút ở Đền Bến Dược (đầu cầu TPHCM). (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Mưa như trút ở Đền Bến Dược (đầu cầu TPHCM). (Ảnh: Phạm Nguyễn)

20h44’, quay trở lại điểm cầu Hà Nội, từ thông tin Đại tá Mai Xuân Chiến, chương trình đã liên lạc được với một người cha, tóc đã bạc phơ, lưng đã còng, có người có con trai vừa được tìm thấy cùng các đồng đội ở sân bay Biên Hoà.

Chia sẻ về câu chuyện mấy chục năm trời đi tìm con mà không thấy, ông đã phải tự an ủi, con ngã xuống vì đất nước thì ở đâu cũng là quê nhà. Nhưng rồi đột nhiên không đi tìm mà thấy con, cụ ông chia sẻ, nhận tin báo từ Biên Hoà, gia đình sung sướng lắm. Ông ngậm ngùi gạt nước mắt, xúc động khó kìm lời.


Người cha già xúc động chia sẻ cảm xúc khi không đi tìm mà thấy con. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Người cha già xúc động chia sẻ cảm xúc khi "không đi tìm mà thấy con". (Ảnh: Nguyễn Dương)


Mưa nặng hạt trở lại gây nhiều khó khăn cho đầu cầu Củ Chi (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Mưa nặng hạt trở lại gây nhiều khó khăn cho đầu cầu Củ Chi (Ảnh: Phạm Nguyễn)

TPHCM mưa lớn trong đêm cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (Video: Phạm Nguyễn)


Mũ tai bèo và nhành hoa cúc thay cho những người lĩnh đã vĩnh viễn nằm lại vì Tổ quốc, chẳng thể trở về. (Hình ảnh tại đầu cầu TPHCM). (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Mũ tai bèo và nhành hoa cúc thay cho những người lĩnh đã vĩnh viễn nằm lại vì Tổ quốc, chẳng thể trở về. (Hình ảnh tại đầu cầu TPHCM). (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Tại đầu cầu TPHCM, một bức không ảnh chụp từ 10 năm trước về sân bay quân sự Biên Hoà được nhắc lại như một manh mối để tìm được nơi mai táng tập thể của rất nhiều người lính. 150 người đã ngã xuống trong trận chiến ác liệt tại sân bay này trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968.

Bob Coner – người bảo vệ sân bay Biên Hoà khi đó đã trở thành người chỉ dẫn cho việc quy tập hài cốt các liệt sỹ tại đây.

Thứ đó, tháng 4/2014, các lực lượng đã tìm được tấm nilon bọc thi hài rất nhiều người lính được chôn sát đường băng của sân bay.

Hiện còn hơn 300.000 ngôi mộ chưa biết tên và hơn 2000.000 liệt sỹ còn chưa tìm được hài cốt. Đó là nỗi đau, day dứt với từng gia đình và mọi người con Việt Nam đang được sống trong thời bình.

Trong mưa, câu chuyện của Đại tá Mai Xuân Chiến (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai) - tiếp thêm hi vọng cho việc tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ qua hoạt động hợp tác cùng các cựu binh Mỹ và những người tham gia chế độ cũ – những người đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho hoạt động quy tập hài cốt liệt sỹ.

Ông Chiến thông tin, gần nhất, lực lượng đã tìm được người trực tiếp lái máy ủi san hố chôn lấp đã chỉ tiếp 2 vị trí chôn cất khác gần trạm bơm trong sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Đại tá Chiến, đây là một thông tin rất đáng tin cậy và mang lại nhiều kỳ vọng về việc tìm thêm được những người lính đã ngã xuống.


Đại tá Mai Xuân Chiến kể về hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Đại tá Mai Xuân Chiến kể về hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Nguyễn Dương)


Những lời chia sẻ gây xúc động sâu sắc cho các đại biểu. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Những lời chia sẻ gây xúc động sâu sắc cho các đại biểu. (Ảnh: Nguyễn Dương)

20h29’, “Không một tấm hình/Không một dòng địa chỉ/Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” – những lời thơ của Lê Anh Xuân về hình ảnh người lính trên đường băng Tân Sơn Nhất do các em nhỏ đọc thuộc từ sách giáo khoa phổ thông khiến không khí tại các điểm cầu như lặng đi.

Sự hi sinh quên mình của rất nhiều thế hệ dẫn lại ký ức về những trận đánh oai hùng mà bao người con đất Việt đã hoá thân vào đất quê hương. Câu chuyện bắt đầu từ nghĩa trang trên đỉnh đồi A1, trận địa Điện Biên Phủ với hàng nghìn nấm mộ liệt sỹ chưa xác định được danh tính.

Nước mắt của bà Bùi Thị Dẫn (Hải Phòng), con gái của liệt sỹ Bùi Thế Giới về tâm nguyện tìm được dù chỉ là một nắm đất của người cha đã dời xa khi bà mới chỉ 2 tuổi khiến người xem khó cầm được nước mắt. Đi trên đồi D1, bà Dẫn may mắn được những người đồng đội cũ của cha chỉ lại nơi liệt sỹ Bùi Thế Giới ngã xuống. Bà gom một nắm đất tại mảnh đất lịch sử, khấn xin cha cho mang nắm đất về quê hương để thờ phụng, để tưởng nhớ về cha. Rất nhiều gia đình trên khắp mảnh đất Việt Nam hiện cũng vẫn phải chịu nỗi đau xót, day dứt như bà Dẫn.


Đầu cầu TPHCM thời điểm này đang có mưa khá nặng hạt. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Đầu cầu TPHCM thời điểm này đang có mưa khá nặng hạt. (Ảnh: Phạm Nguyễn)


Hình ảnh tại đầu cầu Quảng Trị. (Ảnh: Đăng Đức)

Hình ảnh tại đầu cầu Quảng Trị. (Ảnh: Đăng Đức)

20h13’, những thước phim lịch sử được chiếu lại về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bút tích của Bác Hồ trong bức thư gửi người bác sĩ có con trai hi sinh trong chiến đấu như chỉ đạo, định hướng lớn cho chính sách chăm lo, báo đáp người có công mà Đảng, Nhà nước đã thực hiện hơn 70 năm qua.

Trong bức thư, Bác chia sẻ chân thành, Người không có gia đình và không có con nhưng gia đình của tôi là toàn thể người dân Việt Nam, con của tôi là tất cả những thanh niên, những người con đang cầm súng ra trận, mỗi người ngã xuống là một nỗi đau khuôn nguôi với người.

Ngay cả trước khi có quy định về việc đền ơn đáp nghĩa những người có công với cách mạng, lịch sử đã ghi nhận rất nhiều cá nhân đã tự nguyện đứng ra làm công việc này. Bác Hồ từng gửi thư khen bà Nguyễn Thị Đích – người lập một “An dưỡng đường cho thương binh”, coi đó là một hành động chiến đấu vì tổ quốc.

Bà Tạ Thị Vệ - một nhân chứng từng tham gia việc chăm sóc thương binh ở An dưỡng đường này kể lại việc nhường nhà, sẻ cơm cho những người bị thương trong chiến đấu.

20h3’, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên viếng các anh hùng liệt sỹ.

Tại khu di tích Quốc gia 27/7 (Đại Từ, Thái Nguyên), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dâng hương viếng các anh hùng liệt sỹ.

Đồng thời, tại Bến Dược, Chủ Chi, TPHCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dâng hương. Tại khu di tích Thành Cổ Quảng Trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hành lễ, tưởng nhớ vong linh những người con của dân tộc đã ngã xuống đất lửa những năm chiến tranh.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện diện ở 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp.

Tại Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng, Bí thư thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chánh Văn phòng TƯ Đảng Nguyễn Văn Nên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch UB TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu… cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, lãnh đạo TP. Hà Nội cùng đông đảo các mẹ Việt Nam anh hùng.

Tại thị trấn Hồng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, ý nghĩa ngày 27/7 được nhắc lại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự chương trình tại điểm cầu này. Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên cùng nhân dân toàn tỉnh cùng có mặt tại chương trình.

Đền Bến Dược (Củ Chi, TPHCM) có sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. Buổi lễ tại TPHCM diễn ra trong cơn mưa nặng hạt.

Tại điểm cầu Thành cổ Quảng Trị có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo các ban ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các mẹ Việt Nam anh hùng,c ác thương bệnh binh, cựu chiến binh của Quảng Trị.

Chương trình lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ với tên gọi “Dáng đứng Việt Nam” bắt đầu với phút mặc niệm nghiêm trang tại tượng đài liệt sỹ Bắc Sơn (Hà Nội).

Nhóm phóng viên thời sự