Thanh lý xe công giá “bèo”: 7.000 xe, tiền thất thoát không hề nhỏ!

(Dân trí) - Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cảnh báo kẽ hở trong quy định thanh lý tài sản giá trị nhỏ thì không bắt buộc đấu thầu. Nói về chuyện nhiều xe công được thanh lý giá bèo, chỉ vài chục triệu/xe, bà Hải cho rằng, nếu tính tổng số 7.000 xe “dôi dư”, tiền thất thoát không hề nhỏ.

Dự thảo luật Quản lý tài sản nhà nước (sửa đổi) sau lần chỉnh lý mới nhất được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội một lần nữa trong phiên họp sáng nay, 20/4.

Vấn đề sử dụng nguồn thu từ việc xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản là một nội dung được UB Thường vụ Quốc hội giải trình thêm. Cụ thể, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ quy định tại dự thảo luật: toàn bộ số tiền thu được phải nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước. Sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu trước UB Thường vụ Quốc hội.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu trước UB Thường vụ Quốc hội.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, số tiền thu được, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, dự thảo luật quy định, số tiền thu được từ khai thác, xử lý tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp, không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được sử dụng để chi trả các chi phí có liên quan, trả nợ vốn và lãi vay. Số tiền còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Trường hợp cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền cho phép bán, chuyển nhượng tài sản công để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp tài sản công thì được ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện.

Thảo luận về nội dung này, các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội đi sâu vào vấn đề bán, thanh lý tài sản nhà nước.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, bán tài sản nhà nước mà không qua hình thức đấu giá thì rất dễ có lách luật. Dẫn chứng điều khoản trong dự thảo luật cho phép thực hiện việc bán thành lý không cần đấu thầu trong trường hợp tài sản có giá trị nhỏ, bà Hải dẫn lại nội dung đã được UB Thường vụ Quốc hội thảo luận hôm qua về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2016 để cảnh báo nguy cơ thất thoát tài sản lớn.

Cụ thể, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác này, UB Tài chính – Ngân sách nhà nước đã nói về việc, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo con số, cả nước sau đợt sắp xếp tới sẽ “dôi dư” 7.000 chiếc ô tô. Nếu tách lẻ từng xe để bán thanh lý thì giá trị có thể coi là nhỏ nhưng số lượng lớn hàng nghìn xe như thế, tổng số tải sản lại không hề nhỏ.

“Báo chí đã nói nhiều về tình trạng bán xe biển xanh không qua đấu giá, với mức giá rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng/xe diễn ra vừa qua” – bà Hải cho rằng dự luật vẫn đang tạo kẽ hở khó kiểm soát.

Bà Hải kiến nghị, một nguyên tắc cần nêu rõ trong luật là, việc thanh lý, bán tài sản nhất thiết phải qua đấu giá và tiền thu được phải nộp ngân sách.

Tán thành quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển quán triệt hướng giải trình, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng tới đây là tài sản nhà nước đi mua hay đi bán đều phải đấu giá công khai.

“Vừa qua có câu chuyện thực tế là xe công được bán, thanh lý với giá khác nhau. Đó là do không thực hiện đúng quy trình đấu giá công khai nên dư luận lùm xùm lên vậy” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

P.Thảo