“Sao độc lập” - tiếp thêm ngọn lửa truyền thống

(Dân trí) - Tối 1/9, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật “Sao Độc lập”.

Những tiết mục văn nghệ tại chương trình.
Những tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Chương trình “Sao Độc lập” là chương trình thường niên do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản khởi xướng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Chương trình là chuỗi các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm khẳng định những giá trị truyền thống lịch sử cao đẹp của dân tộc ta, đồng thời cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của lớp lớp người Việt Nam đã hy sinh xương máu để giành, giữ nền độc lập cho nước nhà.

Những giá trị ấy đã và đang tiếp thêm ngọn lửa truyền thống để những thế hệ hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng, dốc sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Với ý nghĩa sâu sắc đó, Chương trình giao lưu nghệ thuật “Sao độc lập” đã tái hiện cuộc trường kỳ kháng chiến và khát vọng độc lập, dựng xây Tổ quốc qua các trường đoạn bằng những giai điệu hào hùng, thiết tha của các ca khúc cách mạng, quê hương, những thước phim lắng đọng...

“Sao độc lập” - tiếp thêm ngọn lửa truyền thống - 2

Trường đoạn “Đấu tranh cách mạng” thể hiện lời hiệu triệu của Tổ quốc, lớp lớp thế hệ những người con đất Việt đã gác lại những ước mơ riêng của bản thân, lên đường đi chiến đấu, tất cả vì ước mơ lớn của toàn dân tộc.

Trường đoạn “Chiến thắng” tái hiện không khí chiến thắng hào hùng và niềm vui độc lập của dân tộc. Đại thắng Mùa xuân năm 1975 là một dấu mốc vẻ vang trong lịch sử dân tộc, kết thúc huy hoàng cuộc trường chinh nửa thế kỷ giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, là bản anh hùng ca mãi mãi làm nức lòng những trái tim yêu chuộng chính nghĩa, công lý và hòa bình.

“Sao độc lập” - tiếp thêm ngọn lửa truyền thống - 3

Trường đoạn “Đất nước hôm nay” với những thước phim về hình ảnh khởi sắc của đất nước sau 30 năm đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Chương trình còn có phần giao lưu với các vị khách mời: PGS, TS. Nguyễn Thế Thắng, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực 1; đồng chí Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Những trăn trở, những nghĩ suy của các vị khách mời cũng là những điều đau đáu của tất cả chúng ta hôm nay. Thời đại mới đang đặt ra biết bao thử thách, cả dân tộc Việt Nam - từ nơi đảo xa cho đến đồng bằng hay vùng núi cao, đều đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của trái tim yêu nước thủy chung, cùng một niềm tin bất diệt vào tương lai của dân tộc - như “những cánh chim Hồng Gấm” tung bay trên non sông đất nước Việt Nam - linh thiêng Tổ quốc ngàn đời.

Nguyễn Dương