Phó Thủ tướng: “Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam”

(Dân trí) - “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam” - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Sáng nay (15/5), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Hội nghị toàn thể Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái bình dương (PECC). Phó Thủ tướng cho rằng, PECC đã khẳng định vai trò là một thể chế đặc biệt, nắm bắt được tâm huyết và trí tuệ của các các doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

“Nhìn lại ba thập kỷ qua, chúng ta có thể tự hào về sự chuyển mình của châu Á - Thái Bình Dương, trở thành một khu vực hòa bình và một động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Khu vực của chúng ta là nơi duy nhất chưa từng trải qua bất cứ một xung đột nóng nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khi PECC được thành lập năm 1980, khu vực của chúng ta chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số này đã tăng lên trên 50%. Hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội nghị PECC sáng 15/5 (ảnh: Infonet)
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội nghị PECC sáng 15/5 (ảnh: Infonet)

Hướng tới tương lai, trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á – Thái Bình Dương; các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Triển vọng khu vực chúng ta tươi sáng hơn bao giờ hết. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Là nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, tỉ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050. 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

“Khu vực này là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư. Vì vậy, dự báo thế kỷ 21 là “thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương” không phải là nói quá. Tuy nhiên, triển vọng của khu vực còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba nhóm thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn” - Phó Thủ tướng nói rõ.

Việt Nam nằm ở tâm điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị (ảnh: An Bình)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị (ảnh: An Bình)

Theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, đây là thời điểm rất thích hợp để chúng ta cùng nhau thảo luận một cách sâu sắc về tầm nhìn quan hệ châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cộng đồng ASEAN đang triển khai Tầm nhìn đến năm 2025. Diễn đàn APEC đã khởi động tiến trình tư duy về tầm nhìn sau năm 2020.

“Là một cơ chế tiên phong khu vực về các ý tưởng về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và liên kết, PECC đã luôn thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc hình thành các tầm nhìn cho khu vực. Tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề được đặt ra tại chương trình nghị sự của Hội nghị hôm nay. Tôi hi vọng tại Hội nghị, các quý vị sẽ chia sẻ những suy nghĩ và đánh giá về các thành tố chủ chốt của một tầm nhìn cho khu vực của chúng ta” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.

Trong khuôn khổ Hội nghị PECC, Phó Thủ tướng cho rằng khuyến nghị và ý kiến của các quý vị ngày hôm nay sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình tư duy về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai, và vào chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Điều này rất có ý nghĩa đối với “Đối thoại nhiều bên về APEC đến 2020 và tương lai” do Việt Nam và PECC đồng tổ chức vào ngày 16/5.

An Bình - Như Quỳnh