Phó Thủ tướng: Cộng đồng ASEAN không mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông

(Dân trí) - “Duy trì hòa bình ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng ASEAN. Còn việc giải quyết các bất đồng về chủ quyền thuộc về các nước liên quan trực tiếp. Không thể nói những diễn biến trên Biển Đông vừa qua là có mâu thuẫn giữa các nước trong cộng đồng” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định với PV Dân trí.

Phóng viên: Các nước ASEAN đã ký công bố chính thức trở thành một cộng đồng chung vào 31/12/2015. Với lợi thế 620 triệu dân nằm ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới, cộng đồng ASEAN được kỳ vọng sẽ mang lại những thuận lợi to lớn cho Việt Nam khi bước chân vào “ngôi nhà chung”?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Có rất nhiều thuận lợi. Trước hết, khi ở trong cộng đồng, Việt Nam không chỉ là một nước mà Việt Nam nằm trong cộng đồng 10 nước, đứng về mặt chính trị thì là 10 nước có quan hệ gần gũi trong một cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm. Vai trò của cả cộng đồng tăng lên thì vai trò của từng nước sẽ lên và ngược lại vai trò của từng nước được nâng lên cũng sẽ làm vai trò của cả cộng đồng tăng lên.

Cộng đồng ASEAN có vai trò hết sức quan trọng vì hiện đây là một trong những trung tâm của thế giới, một  tổ chức có vai trò lớn mà tất cả các nước đều coi trọng. Không có tổ chức nào mà các nước lớn, các nước quan trọng đều muốn làm đối tác như thế. Điều đó cho thấy vai trò của ASEAN rất cao, có nghĩa là vai trò của mỗi nước thành viên cũng cao.

Đứng về mặt an ninh, an ninh của người dân cũng sẽ được tăng cường vì cũng sẽ có những cơ chế được áp dụng để chống tội phạm xuyên quốc gia hoặc tội phạm ma túy vì có sự hợp tác để đảm bảo an ninh cho người dân mỗi nước.

Về mặt kinh tế, rõ ràng, ASEAN sẽ là một cộng đồng có cơ sở kinh tế chung, cơ sở sản xuất chung mà nếu tận dụng được thì thị trường của Việt Nam không chỉ là 90 triệu dân trong nước nữa là chúng ta sẽ có một thị trường 620 triệu dân của cả cộng đồng lớn như vậy. Mỗi doanh nghiệp, người dân sẽ phải thay đổi cách sản xuất để nhắm vào một thị trường lớn hơn chứ không chỉ khuôn trong 90 triệu người dân nữa.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh: Việt Hưng).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh: Việt Hưng).

Như Phó Thủ tướng đề cập về đòi hỏi phải thay đổi khi chính thức đứng trong cộng đồng ASEAN, thách thức lớn nhất cần phải xác định và đối mặt?

Thách thức đúng là cũng sẽ rất lớn. Người dân, các doanh nghiệp có thể thấy sự cạnh tranh diễn ra khi đó không phải trong phạm vi đất nước nữa mà trong một thị trường rộng lớn, sự dịch chuyển vốn, tư liệu sản xuất, nguồn lao động chất lượng cao… diễn ra, nếu không chuẩn bị trước, người Việt, hàng Việt sẽ bị “ép” ngay chính trên đất Việt.

Người dân được tự do di chuyển trong 10 nước ASEAN vì không còn visa nên việc tiếp cận, đi làm ăn, học hành, du lịch rất thuận lợi… Nhưng ngược lại, trong nước, ví như ngành du lịch, nếu không thúc đẩy được, không cuốn hút được thì không chỉ người dân các nước bạn không đến Việt Nam mà mình còn “chảy máu” nguồn lợi du lịch khi người Việt cũng sẽ ra ngoài chứ không đi du lịch trong nước nữa.

Tóm lại, thách thức lớn, khó khăn và cơ bản nhất chính là sức cạnh tranh của người dân và doanh nghiệp.

Có nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính thực chất của cộng đồng ASEAN khi có 3 trụ cột được xác định trong cộng đồng là về kinh tế, về văn hoá – chính trị, về an ninh thì hiện chỉ có “vế” kinh tế được triển khai. Về khía cạnh này thì cộng đồng chung có khác gì mô hình hợp tác đang thực hiện trong khối hiện nay?

Thời điểm 31/12/2015, các nước trở thành cộng đồng không có nghĩa là đánh kẻng và lập tức cả khối trở thành cộng đồng. Quá trình này đã tịnh tiến từ khi Hiến chương ASEAN được thông qua và thành lập cộng đồng hướng đến mục tiêu cụ thể. Ví dụ về chính trị, có hơn 300 đầu việc, trong kinh tế có hơn 500 mục tiêu, văn hóa - xã hội cũng 200-300 đầu việc và đến thời điểm này 90% các mục tiêu đã được thực hiện chứ không phải đến thời điểm trở thành cộng đồng những việc này mới được thực hiện vì chúng ta xây dựng cộng đồng trên những mục tiêu cụ thể.

Đối với Việt Nam, các mục tiêu đã hoàn thành là 95%, có nghĩa là những đầu việc đề ra ban đầu đã được đưa dần vào chính sách, đi vào cuộc sống rồi. Chúng ta có thể không cảm nhận được nhưng thực tế những việc đó đã thực hiện rồi.

Tôi lấy ví dụ đơn giản, visa giữa các nước ASEAN đã bỏ, giờ bất cứ người dân nào cầm hộ chiếu của mình là có thể đi lại trong 10 nước ASEAN với nhau. Nhiều nhóm hàng hóa đã được miễn giảm với mức thuế suất về 0…

Nói thể để thấy cộng đồng thực sự hiện đã đi vào hoạt động rồi nhưng người ta lấy mốc 31/12 năm nay để khẳng định là 100% các mục tiêu đề ra được hoàn thành, cộng đồng vận hành đầy đủ.

Nhưng thưa Phó Thủ tướng, đơn cử như câu chuyện Biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng, với một vấn đề rất lớn, cốt yếu với khu vực nhưng  ASEAN cũng chưa thống nhất được với nhau thì đã có thể gọi là một “cộng đồng chung”?

Mọi vấn đề đều cần xét trên góc độ lợi ích chung và lợi ích của từng nước, từng nhóm nước. Bất cứ cộng đồng nào cũng có vấn đề đó. Lợi ích chung của tất cả các nước ASEAN là duy trì hòa bình trong khu vực mà duy trì hòa bình, an ninh ở Biển Đông cũng thuộc lợi ích chung đó. Còn việc giải quyết các bất đồng về vấn đề chủ quyền thuộc các nước liên quan trực tiếp.

Hội nghị cấp cao vừa qua, trong ASEAN, các nước cũng hoàn toàn thống nhất với nhau về yêu cầu duy trì hòa bình, an ninh trên biển nên mới có thể cùng nhau xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông chứ.

Không thể nói những diễn biến trên Biển Đông vừa qua là có mâu thuẫn giữa các nước. Không có mâu thuẫn gì ở đây, vấn đề đã được đưa ra và các nước ASEAN thống nhất quan điểm chung là cần duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực.

P.Thảo (thực hiện)