Đại biểu Lê Như Tiến:

“Phải nhìn vào sự thật là cái gì cũng… chạy”

(Dân trí) - “Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là cái gì cũng... "chạy". Trong đề bạt bổ nhiệm, phải "chạy" để lên chức, lên quyền. Rồi bây giờ lại còn có cả khái niệm "chạy" luân chuyển nữa… Vậy trách nhiệm thuộc về ai thì phải làm cho rõ”, đại biểu Lê Như Tiến trăn trở.

Phóng viên: Dư luận từng râm ran những câu chuyện liên quan đến "chạy" chức, "chạy" quyền, còn tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “nếu có thì phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng. Ai "chạy"? "Chạy" ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói?”. Ông có chia sẻ gì về câu hỏi mà Tổng Bí thư đã đặt ra?

Đại biểu Lê Như Tiến: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu cao nhất của Đảng đặt ra câu hỏi “Ai "chạy"? "Chạy" ai?” thì các cơ quan có trách nhiệm như ngành điều tra, truy tố xét xử, thi hành án, tổ chức phải chịu trách nhiệm làm rõ vấn đề.

"Chạy" ai? Ai "chạy", đó cũng chính là điều tôi thấy rất băn khoăn, day dứt vì chúng ta có cả một bộ máy lớn như thế mà vẫn phải đặt ra câu hỏi như vậy.

Thực tế, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là cái gì cũng "chạy". Trong đề bạt bổ nhiệm, phải "chạy" đề bạt bổ nhiệm lên chức, lên quyền. Rồi bây giờ lại còn có cả khái niệm "chạy" luân chuyển nữa… Cái gì cũng "chạy" như vậy, trách nhiệm thuộc về ai thì phải làm cho rõ.

Cử tri nói với tôi, doanh nghiệp bây giờ muốn có một dự án tốt, có hiệu quả cũng phải "chạy", gọi là "chạy" dự án. Rồi "chạy" đầu tư, "chạy" cả kinh phí nữa, đó là những cái không bình thường trong một xã hội chúng ta. Câu hỏi này phải được người đứng đầu các cơ quan tổ chức, thậm chí đứng đầu các địa phương trả lời, địa phương mình có không, có thì ở những lĩnh vực nào. Từ đó đưa ra biện pháp ngăn ngừa.


Đại biểu Lê Như Tiến trăn trở rằng bây giờ cái gì cũng chạy (Ảnh Việt Hưng)

Đại biểu Lê Như Tiến trăn trở rằng bây giờ cái gì cũng "chạy" (Ảnh Việt Hưng)

Việc “chạy ai, ai chạy”, được dư luận đặt ra từ nhiều năm qua, thậm chí ông Trần Trọng Dực - nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng phản ánh vấn đề này trước HĐND TP Hà Nội, thế nhưng vẫn không tìm được ra “mầm bệnh”, thưa ông?

Nếu họ quyết tâm thì sẽ chỉ ra cho bằng được. Thế nhưng nếu làm ra thì người đứng đầu bị ảnh hưởng vì địa phương mình quản lý có nạn "chạy" chức, "chạy" quyền. Chính vì vậy mà họ lấp liếm, che đậy lại để người bên ngoài thấy rằng cơ quan mình trong sạch.

Theo tôi, việc này cũng phải quy định, nếu người đứng đầu chủ động tìm ra được những tiêu cực trong "chạy" chức, "chạy" quyền như thế thì được biểu dương, giảm nhẹ trách nhiệm, có như thế người ta mới dũng cảm phanh phui.

Thực tế cho thấy chế tài pháp luật khá đủ nhưng vì sao việc “chạy ai? ai chạy” vẫn không làm được ra. Liệu có phải do người đứng đầu các cơ quan vẫn còn nể nang, né tránh?

Vừa rồi có đại biểu Quốc hội có nói trong cả nhiệm kỳ, người đứng đầu không ra một quyết định kỷ luật ai, đó cũng là cái tâm tốt nhưng quản lý như thế là không được. Ai làm tốt phải khen, ai làm không tốt thì phải có hình thức kỷ luật, cách chức hoặc giáng chức, chứ không thể để trong cả nhiệm kỳ không kỷ luật ai.

Vậy theo ông, để tìm ra được manh mối của việc "chạy" chức, "chạy" quyền nên bắt đầu từ đâu?

Thời gian vừa qua các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phanh phui lại không xuất phát từ các cơ quan nhà nước. Việc này lại chủ yếu do cơ quan truyền thông, báo chí, nhân dân nêu ra. Do vậy, nếu phát hiện đầu mối nào, thì phải điều tra ở đó, đầu tiên cơ quan phụ trách về mặt nhân sự. Điều có nghĩa là phát hiện "chạy" ở đâu thì tìm đến đó, còn cứ đứng đó rồi cho rằng "ở đâu đó thôi, chứ đơn vị tôi không có" thì không làm ra được.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)