Ô nhiễm sông Hồng từ Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng

(Dân trí) - Báo cáo Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường tại hội nghị trực tuyến sáng 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh tình trạng ô nhiễm nguồn nước xuyên biên giới. Nước sông Hồng từ phía Trung Quốc qua Lào Cai đổ về hạ lưu ngày càng ô nhiễm…

Cụ thể, từ điểm cầu Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, có nhiều nguy cơ dẫn tới ô nhiễm nguồn nước thượng nguồn.

Lào Cai có khu công nghiệp Tằng Loỏng - khu công nghiệp luyện kim lớn nhất cả nước, tập trung nhà máy luyện đồng, luyện thép. Dù đã vận hành hệ thống xử lý nước thải ở khu công nghiệp nhưng công suất vận hành chưa đủ đáp ứng. Lượng chất thải rắn từ khu công nghiệp này sản ra mỗi ngày khoảng 1,5 tấn, không được xử lý triệt để sẽ tích tụ thành nguồn ô nhiễm có khả năng chảy xuống sông suối, nguồn nước về các tỉnh hạ lưu sông Hồng.

Ô nhiễm sông Hồng từ Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng - Ảnh 1.

Sông Hồng tại Lào Cai đã "dính" nhiều đợt ô nhiễm khiến dư luận nghi ngại về nguồn nước đổ về từ bên kia biên giới.

Những năm gần đây, tỉnh đối mặt thêm với tình trạng ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ qua Lào Cai về xuôi ngày càng ô nhiễm. Tỉnh được hỗ trợ trang bị một trạm quan trắc tự động ở đầu nguồn sông Hồng từ năm 2009 nhưng đến nay đã xuống cấp. Trạm này cũng chỉ quan trắc được một số chỉ số nhất định.

Lãnh đạo Lào Cai đề nghị trung ương hỗ trợ trang bị thêm những trạm quan trắc, cảnh báo ô nhiễm thẩm thấu qua biên giới, ô nhiễm do hoạt động công nghiệp gây ra với nguồn nước sông Hồng.

Lưu ý vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TN-MT quan tâm ngay ý kiến đề nghị của Lào Cai, tăng cường hoạt động quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới, kiểm soát nguồn ô nhiễm từ bên ngoài vào trong nước để bảo vệ vùng hạ du của sông Hồng.

Cùng vấn đề này, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề nghị cần tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường như vấn đề ô nhiễm sông Hồng, sông ở ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhận định, hiện tượng dịch chuyển ô nhiễm xuyên biên giới là vấn đề cần quan tâm. Ông Vương thống nhất quan điểm đánh giá lại công tác quản lý về công tác môi trường vì vấn đề này có thể không diễn biến ngay nhưng tích tụ và gây hậu quả khó lường đối với nhiều vấn đề.

Ô nhiễm sông Hồng từ Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác môi trường sáng 24/8.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TN-MT có giải pháp đưa ra kế hoạch cụ thể về bảo vệ môi trường để Thủ tướng ký ban hành chỉ thị vào thứ 3 tuần tới (30/8) để các ngành, địa phương thực hiện.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN-MT, Sở TN-MT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, kiểm tra đôn đốc vấn đề bảo vệ và tuân thủ pháp luật về môi trường nhưng lưu ý tránh chồng chéo.

"Bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm về môi trường trong lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Đã đến lúc, phải có kế hoach, chiến lược ngắn hạn, dài hạn và ngay lập tức về môi trường. Môi trường có sạch, bền vững góp phần nâng giá trị kinh tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN-MT từ năm 2017 phải tiến hành khảo sát đánh giá và xếp hạng các tỉnh thành trong cả nước về vấn đề môi trường như bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh.

P.Thảo