Nhiều tỉnh đề nghị có cảnh vệ cho Bí thư, Chủ tịch

(Dân trí) - Nói về những ý kiến muốn mở rộng diện cán bộ thuộc đối tượng áp dụng chế độ cảnh vệ hiện nay, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, tính hết như đề xuất sẽ rất nhiều. Ông Việt dẫn chứng, sau sự việc tại một tỉnh, nhiều nơi đề xuất cả Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng cần được bảo vệ đặc biệt…

Dự thảo luật Cảnh vệ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội chiều 6/6 với rất nhiều ý kiến tranh luận quanh quy định đối tượng được cảnh vệ (bảo vệ đặc biệt).

Dự thảo quy định 18 nhóm đối tượng được cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng.

Người đứng đầu tư pháp không bằng cấp phó bên hành pháp?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết nhiều cán bộ toà án tâm tư vì người đứng đầu khối cơ quan tư pháp của mình chưa được coi trọng tương xứng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết nhiều cán bộ toà án tâm tư vì người đứng đầu khối cơ quan tư pháp của mình chưa được coi trọng tương xứng.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thuý (TPHCM) đề xuất nên bổ sung thêm đối tượng được cảnh vệ là Chánh án TAND Tối cao vì toà án là cơ quan bảo vệ công dân, Chánh án có vị trí rất quan trọng.

Bà Thuý lập luận, Chánh án TAND Tối cao cũng là 1 trong 4 người tuyên thệ khi nhậm chức trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, theo quy định của Hiến pháp.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) phân tích thêm, Chánh án TAND tối cao là chức vụ do Quốc hội bầu, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Chuyển tải tâm tư của nhiều cán bộ ngành toà án, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chia sẻ: “Có một số cán bộ ngành toà án gọi điện cho tôi rất băn khoăn, vì dù đã được quan tâm nhưng họ vẫn cảm thấy bị lép vế, vì Chánh án TAND Tối cao là lãnh đạo cao nhất của cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng lại không được quy định trong đối tượng cảnh vệ”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng đề nghị đề nghị quy định trong luật, chức danh Chánh án toà tối cao phải có cảnh vệ. Theo ông Nhưỡng, trong bộ máy các cơ quan nhà nước, có 3 nhánh quyền lực được quy định rất rõ trong Hiến pháp là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cùng với khối cơ quan lập pháp, hành pháp, ngành tư pháp thời gian qua cũng đã được quan tâm đầu tư nhiều.

Dù vậy, ông Nhưỡng chia sẻ, nhiều cán bộ ngành toà án gọi điện cho ông vẫn tỏ ra tâm tư là cảm thấy bị lép vế vì Chánh án TAND tối cao là người có thẩm quyền cao nhất của ngành tư pháp mà không thuộc đối tượng cảnh vệ.

Đại biểu cũng dẫn lại quan điểm giải trình của ban soạn thảo dự luật là trong 18 chức danh có chế độ cảnh vệ được nêu ra có chức danh Bí thư TƯ Đảng và Chánh án TAND tối cao là một người trong số đó nên không cần quy định thì Chánh án vẫn có cảnh vệ riêng. Tuy nhiên, đại biểu Nhưỡng nêu giả thiết, nếu Chánh án không phải là Bí thư Trung ương Đảng, không được bầu vào vị trí đó thì sẽ không có cảnh vệ. Trong khi đó, đến Phó Thủ tướng cũng có chế độ bảo vệ đặc biệt.

“Như vậy là người đứng đầu cơ quan tư pháp mà không được coi trọng bằng một cấp phó ở cơ quan hành pháp sao? Nếu thế thì không tương xứng với quy định về 3 nhánh quyền lực” – ông Nhưỡng nói.

Theo đó, ông đồng tình với quan điểm đưa Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ cho phù hợp với quy định của Hiến pháp, quy định của Đảng, luật Tổ chức Quốc hội và luật Tổ chức TAND. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khối cơ quan tư pháp.

Đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng là đối tượng cảnh vệ

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt là đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật..
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt là đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật..

Cũng về vấn đề phạm vi đối tượng cảnh vệ, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) dẫn lại sự việc nghiêm trọng tại một tỉnh khiến lãnh đạo cao nhất của địa phương thiệt mạng. Tại một tỉnh khác, Chủ tịch tỉnh cũng phải báo cáo Chính phủ về vấn đề an toàn, an ninh đối với lãnh đạo tỉnh. Từ đó, đại biểu đề nghị, ngoài các đối tượng đã được ghi trong dự thảo, cần nghiên cứu, bổ sung thêm.

Cụ thể, trong trường hợp cần thiết có thể bổ sung một số lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành; địa phương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được áp dụng một số biện pháp cảnh vệ trong thời gian nhất định để đảm bảo an toàn với cán bộ.

Giải trình làm rõ thêm vấn đề này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, liên quan đến quy định về các đối tượng cảnh vệ, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tổ chức rất nhiều hội thảo. Trong đó nhiều ý kiến đề xuất nên giữ nguyên.

Ông phân tích, muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ thì không chỉ tăng thêm mỗi Chánh án TAND Tối cao mà nhiều vị trí khác cũng có những lập luận xác đáng. Ví dụ, với Tổng Kiểm toán Nhà nước, các ý kiến cho rằng, chức danh này phải đụng độ nhiều lợi ích nhóm khi chống tham nhũng, tiêu cực cũng cần được là đối tượng cảnh vệ. Rồi Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Ngoại giao, Công an, Quốc phòng... cũng vậy.

“Thậm chí sau khi có sự việc xảy ra tại một tỉnh, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ”, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh nói.

Chốt lại, tướng Võ Trọng Việt khẳng định, 18 đối tượng được cảnh vệ như trong dự thảo luật là phù hợp với thực tiễn nên xin được giữ nguyên như dự thảo luật.

Dự kiến ngày 20/6 tới, QH sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này.

P.Thảo