“Nhà khoa học cây đa, cây đề cũng “gửi” cậu em, thằng cháu”

(Dân trí) - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh khái quát khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc nhiều sai phạm được phát hiện trong chương trình đưa khoa học công nghệ về nông thôn, miền núi vừa qua. Theo đó, quy trình giám sát và ngăn chặn cơ chế xin - cho là 2 bài học Bộ trưởng đúc kết sau vụ việc…

Chiều 29/3, Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh đăng đàn trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp Quốc hội – phiên họp đầu tiên thí điểm cách thức chất vấn “hỏi nhanh đáp gọn”.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai hỏi về tiến độ xây dựng khu công nghệ cao Láng – Hoà Lạc (Hà Nội) và khu công nghệ cao TPHCM, tại sao chậm, giải pháp nào tháo gỡ?


Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn

Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh xác nhận, đây là một trong những trăn trở của lãnh đạo Bộ KH-CN suốt thời gian qua vì việc xây dựng 2 khu công nghệ cao ở 2 đầu đất nước đã qua một chặng đường rất dài mà sự chậm trễ không chỉ dừng lại ở mức độ sốt ruột được nữa.

Bộ trưởng cũng khái quát, hiện khu công nghệ cao Láng – Hoà Lạc vẫn lộn xộn, hạ tầng chưa đồng bộ. Lãnh đạo Chính phủ suốt thời gian qua cứ 6 tháng một lần xuống tận nơi để kiểm tra tiến độ công việc tại đây.

Theo đó, Chính phủ đã cố gắng tháo gỡ vướng mắc ở đây bằng Nghị định 71. Từ đó, các chuyển động đã diễn ra mạnh mẽ từ cuối năm ngoái. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, có 3 doanh nghiệp công nghệ lớn đã đổ tiền vào đây như VNPT technology hay Viettel với khoản vốn 3.000 tỷ đồng rót vào. Ít ngày tới, Viện nghiên cứu Việt Nam – Hàn Quốc cũng sẽ động thổ dự án lớn khác.

“Láng – Hoà Lạc đã vượt qua chặng đường khó khăn nhất và tôi tin tới đây sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ. Tính đến hôm qua, mức đầu tư tại đây đã là 13.000 USD/ha, khác biệt rất lớn so với giai đoạn trước” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ.

Với nội dung cơ chế giúp các Viện, trường tháo gỡ khó khăn, đưa sớm kết quả khoa học vào sản xuất, Bộ trưởng KH-CN cũng xác nhận, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu là vấn đề cấp thiết, gây nhiều bức xúc hiện nay. Bộ đang tập trung tháo gỡ, dồn nguồn lực để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, thương mại hoá.

Nội dung này thực hiện trên nền tảng luật KH-CN năm 2013. Chính sách, chủ trương thì có nhưng phần thiếu hiện nay là chính sách của nhà nước để thúc đẩy cho quá trình thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ này.

Bộ trưởng cho biết đã tham mưu Thủ tướng và được người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ ủng hộ về việc này. Ông Ngọc Anh dẫn chứng “đặt hàng” của Thủ tướng với ngành tôm năm nay phải đạt 10 tỷ USD xuất khẩu. Từ yêu cầu này, Bộ đã huy động mọi lực lượng vào cuộc, xác định cụ thể khâu nào cần nghiên cứu, ứng dụng ngay, phần nào có thể để sau. Với cách làm đã xác định rõ ràng, Bộ trưởng KHCN hi vọng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy cho giai đoạn tiếp theo.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề, ở Việt Nam hiện nay, vấn đề năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế là điều đáng quan tâm. Giải pháp cơ bản nào để góp phần nâng cao chất lượng năng suất, tăng trưởng?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phân tích, năng suất của một nền kinh tế bao gồm năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất tổng hợp. Năng suất lao động thì phụ thuộc 2 yếu tố là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và năng suất nội ngành. Ở vế thứ 2 là năng suất nội ngành hiện còn nhiều dư địa cho việc đưa khoa học công nghệ vào, tức giúp doanh nghiệp đưa các mô hình quản lý về chất lượng vào để làm tăng năng suất, đầu tư thêm cho khâu đào tạo con người…

Ông Ngọc Anh khẳng định, các nghị quyết đã ban hành của Chính phủ như Nghị quyết 01, 19, 35 đã thể hiện rõ những giải pháp cho việc này.

Bộ trưởng cũng khẳng định, KH-CN tập trung vào việc đem đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) trong các cấu phần kinh tế. Vừa qua khảo sát 7 ngành với 4.000 DN cho thấy kết quả, 35% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin thì giúp năng suất tăng 1,7 lần, dùng công nghệ từ trung bình đến cao thì năng suất tăng đến 2 lần. Vậy nên Bộ KH-CN xác định tập trung tất cả nội lực để tác động vào nhóm DN dẫn dắt về công nghệ, DN trực tiếp chuyển biến công nghệ và DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Qua mấy năm khởi động thì kết quả đạt được đều năm sau tăng cao hơn năm trước, thường tỷ lệ tăng qua mỗi năm là gấp đôi. Hiện Việt Nam có 3.000 DN khởi nghiệp sáng tạo nhưng dù vậy thì đó vẫn là con số thấp so với con số 15.000 DN như vậy chỉ riêng tại thung lũng silicone ở Mỹ”. – Bộ trưởng KH-CN nói.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là người chia lửa với Bộ trưởng KHCN trên ghế nóng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là người chia lửa với Bộ trưởng KHCN trên "ghế nóng".

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề cập lại hiện tượng các đề tài, nghiên cứu bỏ ngăn kéo. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, đây là vấn đề trăn trở của ngành. Xét ở khía cạnh trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, việc chậm đưa ứng dụng vào cuộc sống, theo Bộ trưởng, cũng là một sự lãng phí.

Nhiệm vụ của Bộ KH-CN là phải đối diện, giải quyết một hệ thống vấn đề này, hiện đang rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu. Nếu bình thường nghiên cứu mới chỉ có mục đích là ra sản phẩm trong phòng thí nghiệm, chính sách tới đây sẽ tập trung để bù đắp khâu đưa ra sản xuất lớn, không chỉ thu hẹp trong phạm vi nhỏ nữa.

Theo đó, Bộ đã dần thay đổi tỷ lệ chi cho ngành, từ tỷ lệ chi thường xuyên là 60, chi nhiệm vụ nghiên cứu là 40% thì đến 2016 đã đổi thành 50/50. Theo đó, đã có 2.900 tỷ chi cho các nghiên cứu ở cấp quốc gia gắn với những sản phẩm cụ thể được “đặt hàng”.

Ngoài ra, còn 200 DN ngoài quốc doanh có quỹ 3.500 tỷ đồng dành cho hoạt động này. Riêng Viettel, quỹ thường xuyên hàng năm của đơn vị là 4.500 tỷ đồng, cao hơn hẳn phần đầu tư cho các nghiên cứu ở cấp quốc gia của nhà nước.

Phát biểu thêm về đầu tư tài chính cho lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như hiệu quả của hoạt động này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, có thể nói trong thời gian dài có nhiều nhiệm vụ phải ưu tiên nhưng Chính phủ vẫn đảm bảo khoản chi khoảng 2% dự toán ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ. Con số tuyệt đối của tỷ lệ 2% này đều đặn tăng qua mỗi năm.

Cây đa, cây đề cũng “gửi” cậu em, thằng cháu

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng KHCN với sai phạm trong chương trình đưa khoa học công nghệ tới nông thôn và miền núi.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đáp, kể từ năm 1998 tới nay, qua nhiều giai đoạn, các chương trình của nông thôn miền núi được thiết kế với hơn 800 nhiệm vụ. Trong triển khai cụ thể, kết quả rất lan toả của chương trình rất đáng kể với hơn 1000 mô hình trình diễn, liên kết tỏ ra hiệu quả, có sức tác động lớn với người nông dân dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận trong giai đoạn vừa qua có một số vấn đề bộc lộ ở Trà Vinh, Quảng Trị, Thái Bình với những sai phạm phải xử lý hình sự. Theo Bộ trưởng, những sai phạm đó thể hiện ở việc chương trình trùng lặp và khống khối lượng công việc để thanh toán. Như ở Trà Vinh, việc được triển khai từ tháng 4/2016 thì phát hiện sai phạm, thanh tra đã vào làm việc và từ đó có quyết định huỷ phần chi ở đây ngay lập tức

“Dù là trường hợp nào thì quan điểm của chúng tôi cũng là nghiêm túc xử lý tối đa. Chúng tôi nhận thức trước hết đó là nhiệm vụ từ Bộ” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Người trả lời chất vấn cũng đúc kết những bài học rút ra là việc quản lý, tạo điều kiện thông thoáng cho các địa phương trong các dự án uỷ quyền nhưng lại không có vế thứ hai là kiểm tra giám sát. Sau nữa là quá trình thực hiện vẫn có biểu hiện xin – cho. Bộ trưởng dẫn chứng, ngay việc phân bổ nguồn quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia cho các chương trình, dự án nghiên cứu, dù có hẳn Hội đồng bình chọn do các nhà khoa học tiến hành thì chính trong cộng đồng các nhà khoa học “cây đa, cây đề” cũng có chuyện “gửi” cậu em, thằng cháu…

P.Thảo