Bình Định:

Ngư dân được “bảo hộ” khi bám biển

(Dân trí) - Ngày 25/11, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện QĐ 48/2010/QĐ-TTg (13/7/2010) của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện NĐ 89/2015/NĐ-CP (07/102015) của Chính phủ.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trước đây, nhiều ngư dân thường ít quan tâm đến việc tham gia mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên. Tuy nhiên, từ khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân chủ động tham gia mua bảo hiểm, qua đó nhằm giảm thiểu thiệt hại do rủi ro, tai nạn trong quá trình sản xuất trên biển.

Theo báo cáo, từ năm 2010 đến 2014, trên toàn quốc đã có 5.653 tàu cá được phê duyệt hỗ trợ phí mua bảo hiểm thân tàu với kinh phí là 55.383 triệu đồng. Theo đó, có 57.455 lao động trên tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên với kinh phí hơn 8.700 triệu đồng.

Gần 200 đại biểu đến từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... dự hội nghị
Gần 200 đại biểu đến từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... dự hội nghị

Bên cạnh đó, việc liên lạc giữa biển khơi và đất liền cũng được hỗ trợ đầu tư lớn. Trong đó, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc giữa bờ và tàu cá, nhằm xác định vị trí của tàu cá trên biển để ngành chức năng trên bờ quản lý hoạt động của tàu cá. Đặc biệt khi tàu cá gặp rủi ro, tai nạn trên biển, công tác tìm kiếm, cứu nạn được triển khai kịp thời, hiệu quả. Nhờ đó, tính mạng ngư dân được bảo đảm an toàn, ngư dân ngày vững tin bám biển.

Đến nay, đã có 19 trạm bờ được xây dựng tại Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và 18 tỉnh, thành phố ven biển với tổng kinh phí xây dựng 5.892 triệu đồng. Đồng thời lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh cho gần 4.500 tàu cá với tổng kinh phí hơn 125.500 triệu đồng. Trong đó, các địa phương như Quảng Ninh, TPHCM không có tàu đánh bắt xa khơi cũng tự bỏ kinh phí để xây dựng trạm bờ, nhằm phục vụ công tác quản lý tàu cá và tìm kiếm cứu nạn.

Nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi
Nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi

Hội nghị cũng đánh giá cao về hiệu quả của NĐ 67/2014/NĐ-CP (ngày 07/7/2014) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản cà quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời lắng nghe, tiếp thu ý kiến của ngư dân tại các địa phương xung quan vấn đề thời hạn vay vốn đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới.

Đến nay, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với 952 tàu đóng mới và 155 tàu nâng cấp. Trong đó, có 421 tàu vỏ thép, 50 tàu vỏ vật liệu mới và 481 tàu vỏ gỗ; tàu có công suất từ 400CV đến 800 CV có 376 chiếc, từ 800 CV đến 1.000 CV có 512 chiếc và trên 1.000 CV có 64 chiếc; các tỉnh có tỷ lệ phê duyệt cao gồm: Tiền Giang, Nam Định đạt 100% chỉ tiêu, Quảng Nam 87%.

Con tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân tỉnh Bình Định đóng mới theo Nghi định 67 của Chính phủ
Con tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân tỉnh Bình Định đóng mới theo Nghi định 67 của Chính phủ

Tính đến 31/10/2015, các ngân hàng thương mại đã ký kết được 222 hợp đồng tín dụng với các chủ tàu, trong đó có 217 chiếc đóng mới và 5 tàu nâng cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định: Nghị định 67 của Chính phủ là chính sách phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, góp phần và việc phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, tạo đột phá trong việc tổ chức lại sản xuất nghề cá. Bên cạnh đó, còn góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, nâng cao đời sống ngư dân và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Doãn Công