Nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Chuyến thăm chính thức Cuba, thăm cấp Nhà nước tới Italy, tham dự tuần lễ cấp cao APEC tại Peru và tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lấn thứ 16 tại Madagascar của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã thành công tốt đẹp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương và đa phương. Tại các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lãnh đạo các nước luôn đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với nước ta.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ doanh nghiệp Peru.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ doanh nghiệp Peru.

Cuba là điểm đến đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta trong chuyến công du lần này. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Cuba vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc, kiện toàn Ban Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở hai nước; Triển khai tiến trình “Cập nhật hóa mô hình kinh tế”.

Ngay khi đến thủ đô La Habana, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có hàng loạt hoạt động như: Hội kiến với Lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro Ruz; hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Raul Castro; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernández…

Tại các cuộc gặp, hai bên đã thống nhất các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là trên các lĩnh vực mỗi nước có tiềm năng và thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau như quốc phòng, thương mại, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, năng lượng, viễn thông, y - dược, công nghệ sinh học.

Phía Cuba cũng chủ động đề xuất doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như sản xuất lương thực, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp, du lịch, công nghệ sinh học... Đồng thời, hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, cũng như nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước; Đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hà Kim Ngọc đánh giá chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần tiếp tục tăng cường mối quan hệ gắn bó và đặc biệt tin cậy giữa Đảng và Nhà nước hai nước; đồng thời, tạo xung lực mới và mở ra triển vọng tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư song phương thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Cuba có môi trường đối ngoại thuận lợi và từng bước tháo gỡ khó khăn, thiết lập môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng cởi mở.

Chuyến thăm thăm cấp Nhà nước tới Italy của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Italy đang phát triển thuận lợi. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa quan trọng để triển khai chính sách đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác quan trọng, trong đó có Liên minh châu Âu mà Italy là một thành viên tích cực.

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được Lãnh đạo Italy đón tiếp rất trọng thị, thân tình với các nghi lễ cao nhất dành cho chuyến thăm cấp Nhà nước. Các cuộc hội đàm, gặp gỡ với Lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo địa phương, đại diện các Đảng cánh tả đã diễn ra trong không khí hữu nghị, cởi mở, tin cậy lẫn nhau.

Tại hội đàm và các cuộc gặp gỡ, hai bên đã khẳng định tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác hiện có giữa các Bộ, ngành… Đồng thời, hai bên nâng cao nhận thức chung về vị thế và vai trò của mỗi nước tại mỗi khu vực, khẳng định tiếp tục ủng hộ nhau, phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế và diễn đàn đa phương như Liên Hợp quốc, ASEM, ASEAN- EU. Italy khẳng định ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU, thúc đẩy để sớm ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Đặc biệt, trong chuyến thăm này, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Lãnh đạo Italy trao đổi sâu. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, ngoài các định hướng về đào tạo nghề, môi trường, quản lý nguồn nước, cảnh báo lũ, hai bên nhất trí ưu tiên cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai nước đặt mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch trao đổi thương mại từ mức 4,3 tỷ USD hiện nay lên 6 tỷ USD vào năm 2017-2018, đồng thời sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa kết nối và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chế tạo máy, dệt may, da giày, chế biến gỗ, năng lượng, chế biến thực phẩm. Hai bên cũng thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua việc chia sẻ thông tin trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đấu tranh chống tội phạm, đào tạo phòng không-không quân…

Cũng tại Italy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm tòa thánh Vatican, Hội kiến với Giáo hoàng Francis. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Giáo hoàng Francis bày tỏ hài lòng ghi nhận các tiến triển đáng khích lệ gần đây trong quan hệ hai bên, đặc biệt thể hiện qua các tiếp xúc cấp cao, họp cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp và Đặc phái viên không thường trú hoạt động tại Việt Nam. Giáo hoàng Francis bày tỏ vui mừng và hoan nghênh chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cho đây là dịp tốt để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi tiếp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi tiếp.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, qua cuộc hội kiến, Giáo hoàng Francis đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; hoan nghênh việc Việt Nam không ngừng hoàn thiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người; Đồng thời bày tỏ hài lòng với đời sống sinh hoạt Công giáo sôi động tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong chuyến thăm lần này Chủ tịch nước đã đề cập rất rõ thông điệp là Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng tự do tín ngưỡng của mọi người dân, trong đó có đồng bào công giáo. Giáo hoàng cũng hưởng ứng đề xuất của Chủ tịch nước cần phải có thông điệp đến cộng đồng công giáo ở Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “Giáo dân tốt phải là công dân tốt”, đồng hành với dân tộc xây dựng đất nước ta phát triển thịnh vượng cũng như hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Một điểm nhấn lớn trong chuyến công du nước ngoài của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này đó là tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tại Peru. Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đã tham dự các Hội nghị quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC như, cuộc họp Cấp cao TPP và Đối thoại Cấp cao với Liên minh Thái Bình Dương. Đặc biệt, Chủ tịch nước là khách mời danh dự của nước chủ nhà phát biểu bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.

Trong bài phát biểu quan trọng này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh quyết tâm của các nền kinh tế APEC trong việc kiên trì tự do hoá thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên số.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm các nước cần chung sức, đồng lòng tạo động lực mới, làm sống động thương mại và đầu tư. Đây chính là động lực cho phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng công bằng vì người dân. Chúng ta cần ưu tiên hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng và tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương. Trọng tâm của những năm tới là cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm và công bằng”.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ là chủ nhà của Năm APEC 2017, vì vậy chúng ta đã có nhiều đóng góp tích cực, nổi bật vào thành công chung của hội nghị như: tham gia thảo luận tích cực vào các vấn đề lớn của các Hội nghị; chia sẻ kinh nghiệm triển khai hợp tác trên một số lĩnh vực có ý nghĩa thiết thân đối với Việt Nam về phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, chúng ta đã thể hiện tầm nhìn của Việt Nam đối với tương lai khu vực.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, là chủ nhà APEC 2017, chúng ta đã đưa ra những thông điệp về xây dựng “APEC vì người dân, vì doanh nghiệp”, “Phát huy vai trò cơ chế khởi xướng ý tưởng, là động lực tăng trưởng và liên kết” của APEC. Đây là những định hướng và thông điệp rất phù hợp trong tình hình hiện nay, được các thành viên đánh giá cao. Tại các hội nghị, chúng ta đã giới thiệu về chủ đề của năm APEC 2017 về “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và nhiều sự kiện, hoạt động APEC lớn sẽ được tổ chức tại các tỉnh, thành phố lớn năm 2017.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, đăng cai APEC năm 2017 tại Việt Nam là một ưu tiên đối ngoại của Việt Nam để triển khai chủ trương chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong các hội nghị và qua các cuộc tiếp xúc, các nước kỳ vọng APEC 2017 tại Việt Nam các nước sẽ cùng nhau xây dựng được tầm nhìn cho APEC sau năm 2020 với mục đích tăng cường liên kết kinh tế trong khu vực, nhất là trong bối cảnh phải thúc đẩy tự do thương mại. Đây cũng là cơ hội tốt cho chúng ta để triển khai tầm nhìn chiến lược về khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Đồng thời phát huy ngoại giao đa phương của Việt Nam. Đây là mục đích rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy hội nhập kinh tế, quốc tế.

Tại đây, các nền kinh tế thành viên và doanh nghiệp APEC chia sẻ ủng hộ chủ đề và hướng ưu tiên của năm APEC 2017, khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ, đồng hành với Việt Nam trong tổ chức Năm APEC 2017. Trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc rộng rãi với Nguyên thủ, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Tổng thống nước chủ nhà Peru, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, các Tổng thống Nga, Hoa Kỳ, Chile, Quốc vương Brunei, các Thủ tướng Nhật Bản, Australia, Canađa...

Qua các cuộc gặp cho thấy, Lãnh đạo các nước đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với nước ta. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao đổi sâu rộng với Lãnh đạo các nước về phương hướng, biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và tăng cường hiệu quả phối hợp tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, trong đó có APEC.

Chủ tịch nước phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16.
Chủ tịch nước phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16.

Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn cấp cao nước ta tham dự Hội nghị Pháp ngữ lần thứ 16, tổ chức tại Mdagascar, một lần nữa khẳng định, Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Việc tăng cường quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ là bước triển khai chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả đối ngoại đa phương mà Đại hội Đảng XII đã đề ra.

Cùng với đó, Cộng đồng Pháp ngữ cũng rất coi trọng vai trò và đóng góp của Việt Nam, đã mời Chủ tịch nước ta là đại diện duy nhất đến từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát biểu tại Lễ Khai mạc và trông đợi những đóng góp cụ thể của Việt Nam tại hội nghị.

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu bật thông điệp cần “thúc đẩy hợp tác, tăng cường đoàn kết vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”. Đồng thời kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường đóng góp xây dựng một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn và cùng nhau tham gia xây dựng các quan hệ đối tác toàn cầu.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình; hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng chia sẻ mô hình thành công của Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới toàn diện, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nhiều nước thành viên Pháp ngữ đang gặp khó khăn, bất ổn và chậm phát triển.

“Việt Nam mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan về tình hình Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử. Hòa bình, ổn định là tiền đề vững chắc để phát triển. Hòa bình, ổn định chỉ có thể được giữ vững nhờ và thông qua phát triển bền vững. Đây là bài học lớn mà Việt Nam đã đúc rút qua những nỗ lực liên tục, bền bỉ trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Trong chuyến công du lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp tháp tùng. Vì vậy, khi diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức tại các nước luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn từ phía bạn. Trong lịch trình hoạt động dày đặc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn luôn dành thời gian để tham dự các diễn đàn doanh nghiệp và có những bài phát biểu nêu bật quan điểm Việt Nam luôn mở cửa và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Bên cạnh đó, qua các diễn đàn, Chủ tịch nước tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và cùng giải đáp các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam. Thông qua diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam đã có dịp tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các thị trường đầy tiềm năng như Cuba, Peru và Madagascar. Tại đây, nhiều doanh nghiệp đã tìm được đối tác và ký kết nhiều thỏa thuận.

Lễ ký kết giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Madagascar.
Lễ ký kết giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Madagascar.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, ở tất cả các nước, các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư đều đã cam kết tổ chức các đoàn doanh nghiệp của bạn sang Việt Nam đầu năm tới để có thể tiếp tục bàn về các dự án sản xuất, đầu tư, kinh doanh cụ thể. Đây là một cơ hội đầu tư rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang trong quá trình cải cách, mở cửa và hội nhập như Cuba, Peru, Madagascar… đang xuất hiện nhiều cơ hội. Vì vậy nếu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang các nước này và có các biện pháp hợp tác, kinh doanh đối với các nước sở tại thì chúng ta hoàn toàn có thể đón đầu những cơ hội, có những hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyến công du nước ngoài lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã thành công tốt đẹp. Với những đóng góp quan trọng trong các chuyến thăm và tham dự các hội nghị của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã góp phần đưa vị thế của nước ta ngày càng tăng trên trường quốc tế. Qua đó tiếp tục củng cố mối quan hệ gắn bó, tin cậy giữa Việt Nam với các nước bạn và các tổ chức quốc tế.

Qua đây khẳng định đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của nước ta. Đồng thời là bước triển khai chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả đối ngoại đa phương mà Đại hội Đảng XII đã đề ra và Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các nước.

Theo Việt Cường

VOV