Hồi ức đẹp của đồng bào dân tộc ít người Lào Cai với Hồ Chủ tịch

(Dân trí) - Lúc sinh thời Bác Hồ dù bận rất nhiều công việc của một vị lãnh tụ đất nước nhưng Người luôn dành những tình cảm đặc biệt nhất, thân thương nhất cho đồng bào các dân tộc ít người.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với người đầu tiên phát hiện ra quặng Apatít Lào Cai

Ông Trần Văn Nỏ, một nông dân người dân tộc Tày ở xã Cam Đường, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai - người đầu tiên phát hiện ra quặng Apatít Lào Cai - có vinh dự đặc biệt cùng một số bà con các xã trong vùng mỏ gồm Cam Đường, Hợp Thành, Tả Phời đón Bác về thăm mỏ và thay mặt nhân dân địa phương kính biếu Bác Hồ tấm khăn thổ cẩm do phụ nữ dân tộc Tày dệt, khi Hồ Chủ tịch cùng Đoàn cán bộ Trung ương lên thăm vùng mỏ và tỉnh Lào Cai ngày 23/9/1958.

Bác Hồ thân mật khoác vai ông Nỏ và nhờ chuyển lời thăm hỏi của Người tới tất cả đồng bào địa phương, mong đồng bào sống ở khu vực vùng mỏ Apatít Lào Cai luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau, khai thác được nhiều quặng Apatít cho đất nước.


Bác Hồ chụp ảnh thân mật với ông Trần Văn Nỏ.

Bác Hồ chụp ảnh thân mật với ông Trần Văn Nỏ.

Rồi Bác thân mật cùng chụp ảnh lưu niệm với ông Trần Văn Nỏ ngay trên lễ đài mới dựng ở sân vận động của mỏ.

Ngày 23/9/1958 nay được chọn là Ngày truyền thống chính thức hàng năm của vùng mỏ Apatít Lào Cai.

Những tấm ảnh Bác Hồ chụp cùng cán bộ, công nhân mỏ hiện được treo trang trọng trong Nhà truyền thống mỏ Apatít Lào Cai và được lưu giữ trong Bảo tàng tổng hợp tỉnh Lào Cai.

Theo cuốn lịch sử mỏ Apatít Lào Cai, năm 1924, trong một ngày đi rừng lấy cây thuốc, anh thanh niên Trần Văn Nỏ, người dân tộc Tày, đốt củi trên mấy hòn đá trong rừng gần nhà thì bất ngờ phát hiện ra ngọn lửa xanh khác thường. Sợ hãi anh Nỏ về báo cho lý trưởng sự việc lạ trên; lý trưởng lại báo tiếp cho quan Tây. 

Qua khảo sát của các nhà địa chất Pháp sau đó không lâu, ngọn lửa xanh ma quái mà người nông dân Trần Văn Nỏ nhìn thấy hôm nào trong rừng chính là những viên quặng Apatít khi bị đốt nóng, bốc lên ngọn lửa "ma quái" xanh lè.

Có lẽ vì thế mà loại quặng này được gọi là Apatít, theo tiếng Hy Lạp là "hòn đá ma quái".

Dòng họ người dân tộc Dáy có 3 thế hệ được Bác tặng thưởng Huy hiệu mang tên Người

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định khen thưởng nhiều Huân chương, Huy chương và Bằng khen tặng các đơn vị tập thể và cá nhân của tỉnh Lào Cai lập chiến công trong tiễu phí bảo vệ quê hương và vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc được giao, góp phần xây dựng cuộc sống mới ở một vùng biên giới Tổ quốc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngoài ra, Hồ Chủ tịch còn tặng thưởng 86 Huy hiệu của Người cho các cá nhân của tỉnh Lào Cai là “Người tốt, việc tốt tiêu biểu”, trong đó huyện biên giới Mường Khương vinh dự nhất có tới 38 lượt người tiêu biểu được Bác tặng thưởng.

Trong số đó, tiêu biểu nhất là dòng họ Lục của người dân tộc Giáy ở xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) có tới 5 người của ba thế hệ trong một gia đình được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ.

Bà Vi Thị Hóa vinh dự được Bác tuyên dương. (Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Ông Lục Bỉnh Lợi (người đeo kính) từng được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người

Đó là cụ Lục Vĩnh Tường cùng các con của mình là các ông: Lục Bình Quyền, Lục Bình Thủy, Lục Bình Lợi và cháu gái Lục Thị Kim Hồng.

Đặc biệt, ông Lục Bình Quyền có hai lần vinh dự được gặp trực tiếp Hồ Chủ Tịch và 4 lần được tặng Huy hiệu Bác Hồ vì hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ.

Huyện Mường Khương còn có ông Tráng Văn Mìn ở xã Lùng Vai ( huyện Mường Khương) cũng có vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ và 3 lần được tặng Huy hiệu mang tên Người , 2 lần được Hồ Chủ Tịch tặng quà, trong đó có chiếc ca men rất đẹp in dòng chữ “Kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ” và “Quyết chiến, quyết thắng”.

Ông Vàng Ngấn Dù và bà Ly Thị Chấn là thông gia với nhau và đều ở xã Tung Chung Phố (Mường Khương) có thành tích xuất sắc trong tiễu phỉ ở huyện bạn Bát Xát ( tỉnh Lào Cai) nên năm 1956 hai ông bà đều được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ trong dịp đi dự hội nghị mừng công do tỉnh Lào Cai tổ chức tại Trường Đảng tỉnh Lào Cai.

Ngoài ra Hồ Chủ Tịch còn tặng thưởng Huy hiệu của Người cho hàng chục tấm gương người tốt, việc tốt khác của tỉnh Lào Cai sau khi Bác phát hiện ra qua các lần đọc báo Nhân Dân, tin của Việt Nam thông tấn xã và báo Lào Cai đổi mới.

Nữ cán bộ dân tộc Thái được Bác Hồ tuyên dương

Một điển hình khác nổi tiếng của Lào Cai và cả vùng núi Tây Bắc là bà Vi Thị Hóa, người dân tộc Thái, nguyên Tỉnh ủy viên,nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Nghĩa Lộ, sau đó là Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi tổ chức từ ngày 17 đến 19/3/1964 ở Thủ đô Hà Nội, bà có vinh dự được chọn tham gia Đoàn chủ tịch Hội nghị cùng với Bác Hồ và lãnh đạo Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và cá nhân bà Vi Thị Hóa khi ấy trên cương vị cán bộ trẻ Hội phụ nữ tỉnh Nghĩa Lộ và phụ nữ các dân tộc Khu tự trị Tây Bắc được đích danh Hồ Chủ Tịch biểu dương trong bài phát biểu của Người trong hội nghị này vì bà Vi Thị Hóa là một trong những nữ cán bộ dân tộc ít người vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...

Ông Lục Bỉnh Lợi (thứ 5 từ trái qua) từng được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người

Bà Vi Thị Hóa (thứ 2 từ trái qua) vinh dự được Bác tuyên dương. (Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam).

Trong quá trình rèn luyện phấn đấu và trưởng thành qua các cương vị công tác của mình, bà Vi Thị Hóa đã được Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý nhưng theo bà, quý nhất, nhớ nhất là ba lần trong cuộc đời công tác của mình bà có vinh dự đặc biệt 3 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã từng được Bác Hồ nêu gương đích danh tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi năm 1964 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Bà Vi Thị Hóa còn có công đào tạo không ít cán bộ nữ các cấp là người dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai. Noi gương mẹ các con bà đều phấn đấu, trưởng thành và một số người con gái của bà được trao giữ các chức vụ khác nhau của tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái.

Phạm Ngọc Triển