ĐBSCL: Nội dung khiếu nại lĩnh vực đất đai chiếm 65,5%

(Dân trí) - Chiều 27/11, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị giao ban về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) tại 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác tiếp dân, giải quyết KNTC 10 tỉnh, thành ĐBSCL chiều 27/11
Quang cảnh hội nghị giao ban công tác tiếp dân, giải quyết KNTC 10 tỉnh, thành ĐBSCL chiều 27/11

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam  có 10.316 đơn khiếu nại, trong đó có 10.127 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Nội dung khiếu nại hành chính chủ yếu là về lĩnh vực đất đai chiếm 65,5%, khiếu nại về nhà ở chiếm 6,5%, khiếu nại khác chiếm 28%. Ngoài ra, đã phát sinh 900 đơn tố cáo, trong đó có 600 vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm 86,6% chủ yếu là tố cáo cán bộ công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội; tố cáo cán bộ công chức tham nhũng chiếm 3,2%; tố cáo tổ chức Đảng, Đảng viên là 1,2%...

Đặc biệt, qua báo cáo và phân tích từ kết quả giải quyết cho thấy có khoảng 84,3% trường hợp khiếu nại sai và 88% tố cáo sai. Điều này cho thấy còn nhiều bất cập trong quá trình giải quyết, nhất là nhận thức và hiểu biết pháp luật của công dân.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ Hiện tại, còn 31 vụ việc KNTC đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được các địa phương tổ chức thực hiện. Ngoài ra, còn có 14 vụ KNTC đã có ý kiến bộ, ngành Trung ương và 175 Quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của các địa phương chưa được thực hiện…

Tại hội nghị, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; tiếp dân phải gắn với đối thoại và tuyên truyền pháp luật; làm tốt công tác hòa giải cơ sở; nâng cao các kết luận giải quyết kết luận và thực hiện kết luận; quan điểm giải quyết khiếu nại tố cao phải đúng pháp luật trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đồng thời Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra một số nhiệm vụ cho các địa phương trong thời gian tới về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Giảm vụ việc phức tạp, gay gắt đông người, kéo dài nhất là ở 2 thành phố lớn. Đưa người dân về địa phương tiếp tục giải quyết theo từng cấp. Nếu cần Thanh tra Chính phủ sẽ cử cán bộ xuống hỗ trợ cho địa phương trong công tác này; Phối hợp chặt chẽ hệ thống chính trị, nên huy động mặt trận và các đoàn thể cùng nhau tham gia công tác này…

Phạm Tâm