Đại biểu Quốc hội “tranh” vai trò với cộng đồng doanh nghiệp

(Dân trí) - Cùng là đại biểu Quốc hội, cùng sinh hoạt tại đoàn Đại biểu Thái Bình, cùng là người đại diện của cộng đồng doanh nghiệp nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam “đối nhau chan chát” về vai trò, trách nhiệm của mình...

Cuộc tranh luận của 2 đại biểu Quốc hội diễn ra trong phiên thảo luận về dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 17/4.

Chủ nhiệm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên họp.

Những tranh luận nổ ra xung quanh Điều 30 trong dự thảo luật, quy định về trách nhiệm liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, Điều 30 dự thảo luật quy định trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề, như sau:

1. Ngoài những nhiệm vụ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp quy mô lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm sau đây:

a) Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại luật này;

c) Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại luật này.

d) Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

đ) Phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc tách riêng trách nhiệm của VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và hiệp hội, ngành nghề sẽ góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho trúng và đúng, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện.

Nhưng, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, quy định như tại Điều 30 là không đúng với vai trò của VCCI là đại diện cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam theo nghị quyết của Bộ Chính trị.

Trong văn bản gửi đến UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch VCCI cho rằng, quy định riêng như Điều 30 là rất rủi ro từ nhiều góc độ. Cụ thể, quy định này tạo ra bất bình đẳng giữa các hiệp hội doanh nghiệp liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên của mình.

Từ góc độ pháp lý, ngoại trừ VCCI là đại diện cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng thực chất có vị thế pháp lý và chức năng ngang hàng, đều là các tổ chức được thành lập theo ý chí tự nguyện của các hội viên, có điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, với nhiệm vụ chung là tập hợp, đại diện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên mà 97-98% trong đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam theo luật này cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rõ ràng là không phù hợp với vị thế pháp lý của Hiệp hội này.

Đề nghị từ VCCI là quy định chung tất cả các chủ thể đại diện doanh nghiệp vào một cụm chung, không tách biệt 3 nhóm như hiện nay, tương tự như cách quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp có trách nhiệm sau:…”.

Đánh giá chung cả dự thảo luật, ông Lộc phản ánh, cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng bởi còn rất nhiều quy định chung chung, khó khả thi.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân bày tỏ nhiều quan điểm đưa ra làm cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tổn thương.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân bày tỏ nhiều quan điểm đưa ra làm cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tổn thương.

Trái chiều quan điểm, tán thành quy định tại Điều 30, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân nói: “Có ý kiến cho rằng chúng tôi không đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhưng thực tế tôi là đại diện vì đã trở thành đại biểu Quốc hội, thành viên của Mặt trận tổ quốc. Cũng có ý kiến nói kiểu "nhỏ không chấp", khiến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất bực mình”.

Ông Thân cũng cho rằng, rất cần xem xét về mặt nhận thức khi nhận định như vậy. Những quan điểm đó làm doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tổn thương, xúc phạm và rất đau lòng. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong muốn được giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết. Được như thế thì tổ chức này sẽ tràn đầy sinh khí để làm việc.

Nói rõ ông Lộc và ông Thân đều là đại biểu Quốc hội, thuộc đoàn Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói Đoàn Thái Bình sẽ tranh luận về nội dung Điều 30.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu rà soát lại quy định tại điều luật này để không làm mất vai trò của tổ chức nào cả. Chủ tịch yêu cầu không tiếp tục tranh luận về vấn đề này.

“Càng nhiều tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì càng tốt nên giữ nguyên Điều 30 là phù hợp” - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thể hiện quan điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, về tổng thể, dự thảo luật đã được chỉnh lý hết sức nghiêm túc, các nội dung đều không còn vấn đề gì lớn, những ý kiến từ VCCI thì cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và thấy rằng chưa thể tiếp thu được ở giai đoạn này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ yêu cầu rà lại quy định tại Điều 30 để không ảnh hưởng đến chức năng của các tổ chức được quy định tại đây.

P.Thảo