Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng việc dùng nhà ngoại cảm tìm liệt sỹ

(Dân trí) - Xử lý “thương binh giả”, trục lợi chế độ chính sách với người có công, ngăn chặn tình trạng lừa đảo tìm mộ liệt sỹ… là những vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội trong phiên chất vấn sáng 18/4.

1.800 hồ sơ người có công được làm giả

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) quan tâm việc thực hiện chính sách của người hoạt động kháng chiến. Bà Trang nêu trường hợp ở địa phương mình, con một người lính từng tham gia chiến đấu đã được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam nhưng bản thân người cha lại không được hưởng chế độ gì.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời, trường hợp đại biểu đề cập được phản ánh cách đây 1 tháng, khi ông về làm việc tại Quảng Ngãi. Người con của cựu binh này bị bại não và được xác định là do di chứng của chất độc da cam.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu câu hỏi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu câu hỏi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

“Chuyện này, lẽ ra khi thực hiện theo thông tư hướng dẫn, địa phương phải giải quyết ngay chính sách cho cả con và bố nhưng do cơ sở hơi cứng nhắc, làm chậm một nhịp nên sau đó khi áp dụng hướng dẫn mới để giải quyết thì ông bố buộc phải được đưa đi giám định nên chưa chi trả chế độ ngay được. Chúng tôi đã yêu cầu giải quyết ngay trường hợp này, không buộc cựu binh đó phải đi giám định nữa mà cơ sở lập hồ sơ mới để xử lý. Tôi khẳng định trong tháng 4 sẽ giải quyết xong trường hợp này, đảm bảo chế độ chính sách với người bố” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quả quyết.

Bộ trưởng cũng thông tin, hiện cả nước có 312.000 trường hợp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Theo đó, con của những người này về cơ bản đều được hưởng chế độ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt một câu hỏi tổng quát về lĩnh vực quản lý này: “Từ ngày nhận nhiệm vụ tại Bộ Lao động, Bộ trưởng thấy mặt được cũng như điểm vướng mắc nhất của pháp luật người có công là gì? Cách nào khắc phục? Hiện cả nước còn hơn 28.000 hồ sơ người có công đã kê khai nhưng chưa được hưởng chính sách, Bộ trưởng có cam kết sẽ giải quyết căn cơ vấn đề này?”.

Vị tư lệnh ngành đáp lại, 70 năm qua cả hệ thống chính trị đã nỗ lực với công tác này. Cả nước có 9 triệu người có công, chiếm gần 10% dân số. Qua kết quả rà soát, năm 2014-2015, trong tổng số 2,1 triệu người có công thì có 1,9 triệu người, chiếm tỷ lệ 95,7% đã được hưởng đủ chính sách, chỉ 4,16% chưa hưởng đủ và số hưởng sai chỉ 0,04%.

Với câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) về hướng xử lý với tình trạng hồ sơ người có công làm giả, khai man, lợi dụng chính sách… Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết ông đã đẩy mạnh việc thanh tra ở các quân khu.

Đến nay, Bộ đã tiến hành thanh tra xong ở 5 quân khu của quân đội, 29 địa phương, tập trung vào những nơi đang có đơn thư, có ý kiến về tình trạng giả mạo. Qua đó có thể thấy, trong tổng số 26.000 hồ sơ kê khai thì có 12.000 hồ sơ có sai sót, thậm chí có tình trạng thương binh hạng 1 nhưng sửa đi thành hạng 2 nhưng đó không phải là con số hồ sơ giả.

Trong số này, chỉ 1.800 hồ sơ không đảm bảo cơ sở pháp lý và ko được hưởng chính sách ưu đãi. Bộ Lao động đã kiến nghị các cơ quan, thu hồi quyết định, chế độ, hoàn trả 1.200 tỷ, gảm chi cho ngân sách nhà nước hàng năm hơn 37 tỷ. Trong năm 2016, Bộ cũng yêu cầu xuất toán, hoàn trả ngân sách 13 tỷ đồng đã chi cho những trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ.

Bộ trưởng chỉ rõ 3 nhóm đối tượng thường làm hồ sơ giả tạo để xin chế độ là xác nhận thương binh giả; giả mạo hồ sơ chất độc hoá học; giả mạo để hưởng chính sách thanh niên xung phong để hưởng trợ cấp.

“Về giải pháp, nguyên tắc trước hết là dứt khoát phải bám quy định pháp luật hiện hành trong quá trình giải quyết chế độ, công khai minh bạch, lấy chi bộ Đảng, nhân dân làm cơ sở giảm sát, đặc biệt rất coi trọng lão thành cách mạng, những người hoạt động cùng thời kỳ. Chúng tôi cũng huy động cả MTTQ các cấp cùng vào cuộc tham gia giám sát việc này” – Bộ trưởng Dung nói.

Không thể trông đợi “nhà ngoại cảm”

Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội tại phiên chất vấn
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội tại phiên chất vấn

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) muốn biết giải pháp đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác minh thông tin liệt sỹ, xử lý với những trường hợp các nhà ngoại cảm tham gia tìm hài cốt liệt sỹ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Nỗi day dứt, đau lòng nhất của chúng ta hiện nay chính là việc cả nước hiện vẫn còn khoảng 200.000 liệt sỹ hiện nằm rải rác trên khắp lãnh thổ, ở phía bắc thì tập trung ở Hà Giang, Tuyên Quang, ở miền Trung, ở biên giới Tây Nam và các nước bạn. Phải cố gắng phấn đấu càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt hoàn thành việc này vì chiến tranh đã qua lâu, càng để lâu càng khó có khả năng tìm thấy các liệt sỹ”.

Để đẩy nhanh việc quy tập hài cốt các liệt sỹ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237, do một Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban để thực hiện chỉ đạo, tổ chức quy tập mộ liệt sĩ. Hiện có khoảng 20 đội làm việc thường xuyên thực hiện công tác này...

Bên cạnh công tác quy tập, việc xác định danh tính các hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin mà lâu nay gia đình, thân nhân các liệt sỹ thường “trông mong” vào các nhà ngoại cảm, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp hiệu quả chỉ có thể nằm ở việc thiết lập ngân hàng gen.

Cụ thể cả nước còn khoảng 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính. Trong 2 năm qua, bằng giải pháp xét nghiệm gen, các cơ quan có trách nhiệm đã “trả lại tên” được cho 3260 liệt sỹ để đưa các anh/chị về với gia đình.

Để có được kết quả này, các cơ quan đã tiến hành lấy trên 12.000 mẫu sinh phẩm của các liệt sỹ và tương đương số đó các mẫu gen của thân nhân, nghĩa là rất kỳ công. Tới đây, ngoài 3 trung tâm giám định gen đang được sử dụng, Bộ Lao động đã đề xuất đưa thêm 3 cơ sở thuộc Bộ Y tế quản lý vào hệ thống này để tăng năng lực giám định nhằm xây dựng một ngân hàng gen song song với ngân hàng số liệu mộ liệt sỹ tương ứng, công bố để gia đình các liệt sỹ có thể tự tìm kiếm, so sánh thêm, chủ động tìm được thân nhân của mình.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 2017 ngân sách dự kiến chi gần 30.000 tỷ đồng cho công tác đền ơn đáp nghĩa, tăng chi cho công tác tìm mộ, bồi bổ nghĩa trang liệt sỹ 44% so với dự toán 2016.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 2017 ngân sách dự kiến chi gần 30.000 tỷ đồng cho công tác đền ơn đáp nghĩa, tăng chi cho công tác tìm mộ, bồi bổ nghĩa trang liệt sỹ 44% so với dự toán 2016.

Về công tác tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã ban hành kế hoạch triển khai 16 hoạt động ở cấp quốc gia. Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách thiết thực, trang trọng nhằm tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác đền ơn đáp nghĩa trong nhân dân...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin thêm về kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công; tu bổ công trình tri ân liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ; kinh phí tìm kiếm liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ; xây dựng nhà cho người có công...

P.Thảo