Cử tri đòi chỉ ra người tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nói chờ… đánh giá

(Dân trí) - Đáp lại yêu cầu của cử tri là Chính phủ cần chỉ rõ địa chỉ cụ thể ở địa phương nào, ngành nào, ai tham nhũng; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giải thích, việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đối với bộ, ngành, địa phương thời gian qua còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc chỉ rõ được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt...

Báo cáo tổng hợp việc trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan, bộ ngành do Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội năm nay vẫn “nóng” những chất vấn, yêu cầu về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Rất nhiều câu hỏi được chuyển đến Thanh tra Chính phủ.

Chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng được mở rộng, không chỉ ở những người có chức vụ trong khi thực hiện công vụ mà còn sang khu vực ngoài Nhà nước.
Chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng được mở rộng, không chỉ ở những người có chức vụ trong khi thực hiện công vụ mà còn sang khu vực ngoài Nhà nước.

Áp dụng bộ chỉ số đánh giá kết quả chống tham nhũng

Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị, để đấu tranh cương quyết với các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, song song với biện pháp quy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, cần phải cương quyết xử lý đối với các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bao che các hành vi tham ô, tham nhũng.

Cử tri đề cập, trong báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2016, Chính phủ nêu nhận định: “Tình hình tham nhũng năm 2016 diễn ra nghiêm trọng, phức tạp ở một số ngành, một số địa phương…”. Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ địa chỉ cụ thể ở địa phương nào, ngành nào, ai tham nhũng… không nên quy chung.

Đáp lại ý kiến này, Thanh tra Chính phủ giải thích, trong thời gian qua việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đối với bộ, ngành, địa phương đã được chú trọng nhưng còn gặp khó khăn, nhất là trong việc chỉ rõ được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng.

Thực tế qua thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ thì thấy các địa phương, bộ, ngành đều nỗ lực trong công tác này, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Có nơi làm tốt hơn ở nội dung này, nơi khác lại làm tốt hơn ở nội dung khác hoặc nhiều nơi cùng có những tồn tại, hạn chế như nhau.

“Do đó, Chính phủ chưa thực hiện được việc so sánh, phân loại để chỉ rõ bộ, ngành, địa phương nào làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng. Đây cũng là hạn chế mà nhiều năm qua Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra và Chính phủ đang nỗ lực khắc phục” - văn bản trả lời nêu rõ.

Để tiến tới báo cáo rõ với Quốc hội về việc bộ, ngành, địa phương nào làm tốt hay chưa làm tốt Tổng Thanh tra Chính phủ đã phê duyệt bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2016. Trước mắt áp dụng đối với UBND cấp tỉnh. Phương pháp tiếp cận của Chính phủ là cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá trên các mặt của công tác phòng chống tham nhũng, nhằm điểm từng mặt công tác dựa trên những căn cứ, bằng chứng cụ thể. Thông qua việc tổng hợp điểm của các địa phương sẽ chỉ rõ được nơi nào làm tốt, chưa tốt, thậm chí còn so sánh được nơi nào làm tốt hơn hoặc kém hơn nơi nào.

Hiện nay đã có 61/63 địa phương hoàn thành việc tự chấm điểm (có 2 địa phương không hoàn thành việc đánh giá theo yêu cầu là UBND tỉnh Cà Mau và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đang thẩm định, đánh giá các bằng chứng về kết quả công tác phòng chống tham nhũng và cho điểm đánh giá công tác này của các địa phương.

Không áp dụng án tử hình với tội phạm tham nhũng nộp lại tài sản

Cũng về chống tham nhũng, cử tri tỉnh An Giang và TPHCM kiến nghị cần thực hiện đồng bộ các biện pháp mạnh và nghiêm hơn nữa để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng hiện nay, nhất là chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, đối với những đối tượng tham nhũng với số tiền lớn, nguy hại cho xã hội thì cần áp dụng hình phạt cao nhất là “tử hình” để đảm bảo răn đe, hạn chế tham nhũng.

Phần trả lời, Thanh tra Chính phủ một lần nữa thừa nhận, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.

Năm 2016, kết quả thu hồi cũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội. Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Cơ quan trả lời kiến nghị của cử tri cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Như quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng và chế tài xử lý đối với những người tẩu tán tài sản tham nhũng còn thiếu (các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng; việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn chậm).

Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tội phạm tham nhũng, qua đó ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng thì việc hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản là yêu cầu cấp thiết.

Trong quá trình chuẩn bị để sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tương trợ tư pháp, các cơ quan của Chính phủ cũng đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng. Chính phủ đã tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong đó có tổng kết, đánh giá chuyên đề về thu hồi tài sản để chuẩn bị cho việc kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng, từ đó đề xuất những biện pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.

Văn bản trả lời cử tri của Thanh tra Chính phủ cũng nêu thông tin, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng, theo đó không chỉ trong khu vực Nhà nước, những người có chức vụ trong khi thực hiện công vụ mà còn mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước, kể cả công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công.

Bộ luật vẫn còn quy định hình phạt “tử hình” đối với tội phạm tham nhũng tại điều 353 khoản 4. Tuy nhiên không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

P.Thảo