Cộp dấu “mật” vào báo cáo là hạn chế quyền của dân

(Dân trí) - “Hoạt động truy tố, xét xử tội phạm thực hiện công khai, sao báo cáo về việc này lại đóng dấu mật? Việc đóng dấu mật là hạn chế quyền tiếp cận của người dân để có thể đánh giá tiền nhà nước đầu tư cho hoạt động tư pháp có xứng đáng” – Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo có 10 nội dung, 9 nội dung không mật, chỉ vì 1 nội dung chưa thể công khai mà công khai cộp dấu mật toàn bộ báo cáo là không hợp lý.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo có 10 nội dung, 9 nội dung không "mật", chỉ vì 1 nội dung chưa thể công khai mà công khai cộp dấu mật toàn bộ báo cáo là không hợp lý.

Sáng 21/9, tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, nghe báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và vi phạm pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng xong, trước khi trực tiếp trình bày báo cáo thẩm tra của mình, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga dành thời gian nói về việc các báo cáo này, theo thông lệ, vẫn được cộp… dấu mật.

Trừ báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, theo người chủ trì thẩm tra, vì các báo cáo trình được dán nhãn “mật” nên các báo cáo thẩm tra cũng không thể không đóng dấu mật.

Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, đã nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu có ý kiến và cử tri chất vấn tại sao truy tố, xét xử thi hành án... diễn ra công khai nhưng các báo cáo tổng kết về hoạt động công khai này lại đóng dấu mật?

“Việc đóng dấu mật là hạn chế quyền tiếp cận của người dân về hoạt động này, một hoạt động liên quan rất nhiều đến quyền công dân và đỉnh cao là quyền sống của con người, từ đó, người dân rất khó đánh giá tiền nhà nước đầu tư cho hoạt động tư pháp có xứng đáng không” – bà Nga góp ý.

Trước UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp chính thức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp tách các nội dung, số liệu chưa thể thông tin ra khỏi báo cáo chung lĩnh vực công tác, để “giải mật cho những nội dung không cần thiết phải… cộp dấu mật”.

“Không thể để trong 10 nội dung, có 9 nội dung không mật mà nhiều năm liền cứ công khai đóng dấu mật cả báo cáo” - bà Nga nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và vi phạm pháp luật do đại diện Bộ Công an trình bày khái quát, hầu hết các loại tội phạm đều giảm trong năm qua. Trong đó tội phạm xã hội giảm trên 3%, tội phạm kinh tế và tham nhũng giảm tới gần 20%, tội phạm môi trường cũng giảm cả về số vụ và số đối tượng.

Dù vậy, trong mỗi lĩnh vực đều ghi nhận hiện tượng diễn biến phức tạp. Tội phạm có tổ chức, hoạt động xã hội đen, đâm thuê chém mướn có dấu hiệu phức tạp trở lại, nhiều vụ án vị thành niên, thanh niên giết người chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. An toàn, an ninh mạng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Tội phạm môi trường thì chỉ một vụ việc xả thải không qua xử lý cũng gây sóng gió, ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Báo cáo nhắc lại sự cố ô nhiễm biển miền Trung do do Cty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra…

P.Thảo