Công an xã: Quyền hạn nhiều, dễ làm… vua?

(Dân trí) - “Việc lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu cực khó, công an xã chỉ trình độ tiểu học khó đảm bảo. Quyền hạn nhiều nhưng luật chưa nói đến việc xử lý vi phạm trong khi ở nông thôn, có quyền lực thì rất dễ làm… vua” – Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình nói.

Đây là ý kiến ông Phan Thanh Bình nêu ra tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật Công an xã chiều ngày 15/8.

Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo dự án luật, Trưởng Công an xã, Phó trưởng công an xã chỉ cần học xong chương trình THPT trở lên; Công an viên tốt nghiệp từ THCS trở lên; còn ở những vùng sâu, vùng xa mà không đủ người thì thấp hơn như học xong tiểu học trở lên. Rất nhiều ý kiến thảo luận băn khoăn về vấn đề yêu cầu trình độ đầu vào đặt ra với công an xã quá thấp sẽ khó bảo đảm được chức năng, nhiệm vụ.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan thẩm tra trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét dự án luật (ảnh: Quochoi.vn)
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan thẩm tra trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét dự án luật (ảnh: Quochoi.vn)

Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật – Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt báo cáo, về vấn đề tiêu chuẩn tuyển chọn công an xã (Điều 6), đa số ý kiến trong thường trực UB kiến cho rằng, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tính liên tục trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn về trình độ cho từng chức danh khi được tuyển chọn, bổ nhiệm, điều động, công nhận. Theo đó, Trưởng công an xã, Phó trưởng công an xã phải có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên ngành quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn, dự thảo luật quy định khá nhiều quyền hạn, nhiệm vụ cho công an xã (11 điều), trong đó có những nhiệm vụ công an xã khó đáp ứng được.

Bà Ngân dẫn chứng những công việc như nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã với câu hỏi: “Với trình độ yêu cầu thấp, quy định như vậy công an xã có làm được không?”.

Chia sẻ lo lắng này của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị Luật công an xã phải quy định cụ thể về trình độ tuyển chọn công dân vào lực lượng công an xã.

"“Việc lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu cực khó, công an xã chỉ trình độ tiểu học khó đảm bảo. Dự luật quy định quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, làm sao họ đảm nhận được trách nhiệm nặng như vậy?” – ông Bình tỏ ý lo lắng.

Theo nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, vấn đề lo ngại nhất trong chính quyền ở xã, ở nông thôn là tình trạng quan liêu, ăn hiếp lẫn nhau, đối xử với nhau chưa công bằng. Ông Bình băn khoăn: “Quyền hạn nhiều nhưng luật chưa nói đến việc xử lý vi phạm trong khi ở nông thôn, có quyền lực thì rất dễ làm… vua”.

Theo đó, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng luật nên có quy định ràng buộc về trình độ, cũng như giới hạn làm sao để công an xã không lạm dụng quyền hạn trong quá trình hoạt động.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng góp ý phân tích, nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã được giao nhiều như vậy dễ “làm không nổi”, nên rà soát lại.

P.Thảo