"Cơ sở nào đảm bảo vững chắc Formosa sẽ không gây ô nhiễm nữa?"

(Dân trí) - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chiều 15/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, cử tri Quảng Bình ghi nhận những cố gắng, nỗ lực trong việc khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, tuy nhiên cử tri và nhân dân thiếu niềm tin, băn khoăn cho thế hệ hiện tại và tương lai với sự cố này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Quochoi.vn)

“Xin Bộ trưởng cho biết những cơ sở nào đảm bảo tính vững chắc trong việc Formosa sẽ không gây ô nhiễm môi trường biển nữa để tạo niềm tin cho ngư dân thời gian tới? Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đền bù thiệt hại vừa qua mới chỉ đến được 7 đối tượng và chỉ trong 6 tháng, có nhiều điểm chưa hợp lý, để sót một số đối tượng trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh buôn bán hải sản, chủ cở sở và người làm thuê trong thu mua chế biến, kinh doanh hải sản không thuộc các xã ven biển gây thắc mắc, khiếu kiện, gây ra sức ép với cán bộ thôn, xã thì sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?”- ông Phương đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu Phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đây là vấn đề mà Bộ Chính trị, các bộ ngành liên quan và địa phương đặc biệt quan tâm, dồn sức giải quyết sự cố và quan tâm tới đời sống của người dân trước mắt cũng như lâu dài.

“Trong vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm. Sau khi chỉ ra được vi phạm của Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập các tổ công tác, có sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín để cùng xem xét, đánh giá và yêu cầu doanh nghiệp có ngay biện pháp xử lý cụ thể”- ông Hà nói.

Theo ông Hà, tổ công tác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức giám sát 24/24h về nước thải, khí thải, chất thải rắn và nguy hại của nhà máy này.

“Đối với các biện pháp xử lý chất thải đều đặt ra yêu cầu và quy định, áp dụng tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế. Công nghệ xử lý với nước thải phát sinh từ nhà máy điện, luyện cốc, các khu vực khác như cảng của Formosa đều được xem xét và đều có quy trình xử lý cụ thể kèm theo; nếu xảy ra sự cố có biện pháp phòng ngừa sự cố; quan trắc đầy đủ các thông số và truyền thẳng về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường”- ông Hà nêu rõ.

Đối với một số tồn tại công nghệ phải tới năm 2018 Formosa mới hoàn thành, Bộ trưởng Hà khẳng định đều đã có tính toán, giám sát chặt chẽ, áp dụng các quy chuẩn hiện đại, như của Hàn Quốc với nguồn thải cuối cùng.

“Có thể nói các quy trình, yêu cầu công nghề xử lý họ đã tích cực thực hiện, đảm bảo xây dựng lên một nhà máy an toàn, duy trì lâu dài không xảy ra sự cố để phát triển bền vững ở địa phưng. Để kiểm soát tốt hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện việc thiết kế một hệ thống giám sát toàn diện môi trường biển với 4 địa phương này, giám sát tự động tất cả các thông số, kiểm soát toàn bộ nguồn thải của Formosa từ khí thải tới nước thải”.

Trong việc kiểm soát chất hải rắn và bùn thải nguy hại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu trong thời gian chưa ký hợp đồng với doanh nghiệp đủ năng lực thì phải được lưu giữ theo quy định. Bộ đã phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại đây. Về phía Formosa cũng đã ký kết với doanh ghiệp lưu giữ chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp.

“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn về vật liệu xây dựng để một số chất thải xỉ than, xỉ đáy có thể trở thành thương mại, vận chuyển kinh doanh bình thường”- ông Hà thông tin.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, thời gian qua Formosa đã mời nhiều cơ quan tư vấn nổi tiếng về xử lý môi trường của Pháp, Mỹ để có tham vấn trong vấn đề dài hạn, thay đổi cơ bản công nghệ dập cốc. Quy trình vận hành xử lý rác thải phải đáp ứng các tiêu chuẩn, đảm bảo tất cả các khâu được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo Formosa thời gian tới không gây ô nhiễm, giảm tối đa các khả năng gây ra sự cố môi trường.

Riêng về vấn liên quan đến phương án bồi thường, đền bù cho các đối tượng bị thiệt hại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời đại biểu Quốc hội bằng văn bản vì vấn đề này liên quan đến nhiều nội dung khác nhau.

Hàng loạt câu hỏi về Formosa chờ được trả lời

Theo đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội), Formosa được xác định gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung trong giai đoạn đầu tư, vận hành. “Nhưng tại sao vào tháng 1/2016 Tổng cục Môi trường ban hành kết luận thanh tra lại không phát hiện vi phạm nào, sau đó kiểm tra lại có tới 53 vi phạm? Bộ trưởng nói trong tổng số 53 sai phạm thì hiện nay mới xử lý được hơn 20 sai phạm, còn các sai phạm khác có hay không, việc này liên quan đến trách nhiệm bồi thường?”- ông Chiến chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) khẳng định sau sự cố do Formosa gây ra, Chính phủ cùng với các bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt, tìm ra nguyên nhân và xử lý, khắc phục hậu quả, nhưng nếu để Formosa tiếp tục vi phạm xả thải ô nhiễm môi trường thì sẽ phải xử lý như thế nào?

“Ngoài phục hồi môi trường sinh thái, Bộ trưởng có biện pháp nào để trả lại môi trường sinh thái cho biển miền Trung và thời gian nguồn lực thực hiện việc này?”- đại biểu Sơn đặt câu hỏi.

Từ thực tế quản lý ở địa phương, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, hơn 7 tháng sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, đến nay việc sản xuất của ngư dân còn gặp rất nhiều khó khăn, khách hàng chưa yên tâm tiêu thụ hải sản, du lịch vùng biển miền Trung trầm lắng, vắng khách...


Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi: Phát hiện 53 lỗi thì đến này đã khắc phục được bao nhiêu lỗi?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi: Phát hiện 53 lỗi thì đến này đã khắc phục được bao nhiêu lỗi?

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới công bố môi trường biển an toàn, chất lượng hải sản an toàn như thế nào? Quá trình thanh tra phát hiện Formosa có 53 lỗi thì đến nay đã khắc phục hết, triệt để chưa và trách nhiệm của những cá nhân liên quan như thế nào?”- ông Đồng đặt câu hỏi.

Dẫn lại chuyện Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thị sát và xin lỗi nhân dân miền Trung, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thẳng thắn: “Bộ trưởng thấy lỗi của cá nhân mình, Bộ mình trong việc này là gì?”.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liệu) đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà công bố thông tin đến nay đã có những tổ chức, cá nhân nào bị xem xét trách nhiệm trong thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hay phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Còn đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) băn khoăn việc yêu cầu Formosa bồi thường 500 triệu USD, tương đương 11.000 tỷ đồng được dựa trên cơ sở nào. “Nếu số tiền đó không đủ bồi thường thiệt hại cho người dân miền Trung thì có lấy ngân sách tiếp tục bồi thường cho ngư dân hay không?”- ông Giang hỏi.

Sáng mai 16/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ hoàn thành nốt phiên trả lời chất vấn của mình, giải đáp những câu hỏi được đại biểu đặt ra hôm nay.

Thế Kha