Chủ tịch Quốc hội: “Ra luật chỉ để quản lý hạn chế, còn đâu là tự do?”

(Dân trí) - Nhận xét dự thảo luật về Hội qua một lần chỉnh sửa, trình lại Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vẫn “đuối” so với tinh thần của Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, hạn chế lĩnh vực lập hội cũng phải do luật định chứ ra luật chỉ để quản lý hạn chế, còn đâu là tự do…

Phiên họp sáng 15/10, một lần nữa, dự thảo luật về Hội được trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với rất nhiều vấn đề được tiếp tục mổ xẻ

UB Pháp luật của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án luật nhận xét, trình tự, thủ tục thành lập hội như dự thảo luật quá phức tạp, mất nhiều thời gian.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm thể hiện quyền tự do lập hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm thể hiện quyền tự do lập hội.

Chủ nhiệm UB – ông Phan Trung Lý cho rằng, các bước thành lập hội về cơ bản vẫn theo quy định của pháp luật hiện hành, quá nhấn mạnh yêu cầu quản lý nhà nước đối với hội và chưa thật sự tạo điều kiện thực hiện quyền lập hội của công dân.

Dự thảo luật quy định, các hội hoạt động trong phạm vi cấp xã với số lượng thành viên từ 10 người trở lên muốn thành lập hội đều phải trải qua một trình tự, thủ tục chung như đối với hội được thành lập ở quy mô toàn quốc, theo cơ quan thẩm tra là không hợp lý.

Bên cạnh đó, mỗi trình tự, thủ tục đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận làm cho việc thực hiện quyền lập hội thêm khó khăn, trở ngại, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Tại cơ quan thẩm tra còn có ý kiến băn khoăn, dự thảo luật căn cứ vào cơ sở nào để quy định ít nhất có 10 người ở cấp xã, 20 người ở cấp huyện, 50 người ở cấp tỉnh, 100 người ở cấp liên tỉnh và trung ương mới được thành lập hội?

Ý kiến này cho rằng, quy định này là không phù hợp với thực tế hiện nay, vì nhiều tổ chức xã hội – nghề nghiệp sẽ khó có đủ số lượng hội viên để thành lập hội. Chẳng hạn theo Luật Luật sư thì có từ 3 luật sư trở lên là có thể thành lập đoàn luật sư ở cấp tỉnh. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy thường chỉ từ 2 – 5 người là có thể thành lập hội.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ lập luận, quy định về số lượng hội viên như trên là không thuyết phục.

Ông Cương cũng đặt câu hỏi “cán bộ, công chức có được lập hội không?”. Đại biểu băn khoăn, hội thực chất là tổ chức phi chính phủ. Song lâu nay có tình trạng, tổ chức phi chính phủ lại được thành lập ngay trong cơ quan của chính phủ. Và cán bộ của cơ quan nhà nước đồng thời là thành viên của tổ chức phi chính phủ.

Đáp lời thay cho cơ quan soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Hội là tổ chức phi chính phủ, người là cán bộ công chức đi làm hội là không đúng. Cán bộ công chức trong hệ thống chính trị là không được tham gia các tổ chức này nhưng về hưu rồi thì được”.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu ban soạn thảo làm rõ khái niệm về hội, không phải hội nào cũng là hội thì sẽ có hằng hà sa số các hội. Chỉ những hội mang tính chất câu lạc bộ, giao lưu gặp gỡ như hưu trí, đồng môn, đồng niên thì nên để hoạt động tự do.

"Luật cần quy định rõ có những hội nào được công nhận, hội nào cho lập và loại nào được lập tự do hoạt động theo tinh thần Hiến pháp. Còn luật ra chỉ để quản lý hạn chế thì còn đâu để người ta tự do lập hội" - Chủ tịch Quốc hội nhận xét, dự thảo luật còn “đuối” nhiều so với tinh thần Hiến pháp nhưng vẫn đồng ý trình ra Quốc hội vào kỳ họp này “với tinh thần không cầu toàn”.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển ủng hộ quan điểm không nên điều chỉnh với các loại hội chỉ mang tính giao lưu, gặp gỡ.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng phạm vi điều chỉnh còn rộng quá. Theo bà Mai, luật này không nên điều chỉnh hội không có tư cách pháp nhân.

Kết thúc phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thật kỹ phạm vi điều chỉnh, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

P.Thảo