Chiến thắng phát xít - thời cơ "có một không hai" cho cách mạng Việt Nam

Được tiếp sức bởi thắng lợi lịch sử này, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành độc lập dân tộc, bắt đầu một chặng đường lịch sử mới đầy vẻ vang.

Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô và các nước đồng minh chống chủ nghĩa phát-xít có ý nghĩa lịch sử vô cùng sâu sắc. Từ sau chiến thắng này, loài người nói chung, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói riêng càng có trách nhiệm to lớn đối với việc gìn giữ nền hòa bình thế giới. Việc phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình đã, đang và càng trở nên cấp bách đối với sự sống còn của các quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam.

22h43 ngày 8/5/1945 theo giờ Berlin (tức 0h43 ngày 9/5 theo giờ Moscow), tại một trường quân sự cũ gần Berlin, trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc đồng minh, các đại diện toàn quyền được uỷ nhiệm của nước Đức Quốc xã đã ký vào biên bản xác nhận họ đầu hàng không điều kiện, đánh dấu chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa phát xít. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất đối với lịch sử loài người trong suốt thế kỷ 20 và thời gian tiếp theo. Bắt đầu từ đây, nền hòa bình thế giới có điều kiện đảm bảo vững chắc vì kẻ thù nguy hiểm nhất của nền hòa bình thế giới là chủ nghĩa phát xít đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Chiến thắng phát xít đã tạo cơ sở kinh tế xã hội cần thiết cho một nền hòa bình chân chính. Sau chiến thắng phát xít, nhân dân các nước thuộc địa ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ La tinh đã vùng lên mạnh mẽ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước theo con đường phù hợp với mình. Đồng thời, chính chiến thắng phát xít đã tạo dòng thác cách mạng mạnh mẽ. Đó là dòng thác cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng đấu tranh vì dân sinh, dân chủ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại Hà Nội

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại Hà Nội

Chiến thắng phát xít cũng đã tạo ra thời cơ “có một không hai” cho cách mạng Việt Nam. Mới đây, phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Việt Nam luôn ghi nhớ rằng con đường thắng lợi của nhân dân Việt Nam có khởi nguồn từ Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

“Được tiếp sức bởi thắng lợi lịch sử này, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành độc lập dân tộc, thực hiện thành công cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu một chặng đường lịch sử mới đầy vẻ vang và tự hào của dân tộc Việt Nam. Tinh thần quốc tế cao cả và sự ủng hộ mọi mặt của các dân tộc Liên Xô anh em đã góp phần quan trọng để nhân dân Việt Nam viết nên bài ca khải hoàn với đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ.

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ý nghĩa của chiến thắng phát xít năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị thời sự sâu sắc. Từ sau chiến thắng phát xít, loài người nói chung, nhân dân yêu chuộng hòa bình nói riêng càng có trách nhiệm to lớn đối với việc gìn giữ nền hòa bình thế giới. PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Trên thực tế, Việt Nam đã hành động vì nền hòa bình chân chính, không chấp nhận trật tự thế giới một cực, nền hòa bình của thế giới đa cực,của thế giới dân chủ, công bằng, bình đẳng, hướng tới khắc phục phân hóa giàu nghèo, khắc phục loại trừ xã hội, vì sự phát triển bền vững, hài hòa… Đó là nền hòa bình mà cách mạng Việt Nam tiếp tục phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản từ năm 1930 trước hết vì mục tiêu hòa bình. Chúng ta chiến đấu giành độc lập cho dân tộc nhưng cũng chiến đấu để góp phần đánh bại chủ nghĩa thực dân đế quốc, xóa bỏ cơ sở kinh tế của chế độ người bóc lột người… Chính bởi vậy, các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân Việt Nam dựa trên nền hòa bình chân chính. Đó là một nền hòa bình dựa trên độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân, một nền hòa bình trên cơ sở trật tự thế giới dân chủ, công bằng, bình đẳng.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo cho rằng: “Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Không chỉ thông qua đường lối đối ngoại mà chúng ta còn thông qua những đường lối, chủ trương chính sách phát triển kinh tế văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam.Toàn bộ đường lối chính sách đối ngoại, đối nội của Việt Nam hiện nay vì một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh thì đây chính là hệ thống đường lối chính sách phục vụ cho một nền hòa bình vững chắc, một nền an ninh bền vững".

Trong những năm gần đây, những cuộc xung đột tôn giáo, dân tộc, sắc tộc, chủ nghĩa cực đoan đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố đang là nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định trên thế giới. Vì vậy, việc phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình, chống chủ nghĩa khủng bố đang là nhiệm vụ cấp bách của các quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Thanh Bình, Đại học Sư phạm Hà Nội

PGS.TS Đỗ Thanh Bình, Đại học Sư phạm Hà Nội

PGS.TS Đỗ Thanh Bình, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Nhân dân Việt Nam đã trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chịu biết bao tổn thất hy sinh nên càng thấm thía hơn bao giờ hết ý nghĩa của hòa bình. Thực tế, trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đường lối đối ngoại của mình, Đảng ta luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

PGS.TS Đỗ Thanh Bình nêu rõ: “Trong đường lối đối ngoại của Đảng, chúng ta ủng hộ tất cả các nước yêu chuộng hòa bình, vừa có chính sách ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, ủng hộ con đường đàm phán để ngăn chặn chiến tranh. Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền hiện nay, chúng ta luôn thể hiện thiện chí hòa bình, chứ không phải bằng con đường chiến tranh.Như trong vấn đề biển Đông, chúng ta đưa ra quan điểm giải quyết các tranh chấp ấy bằng biện pháp hòa bình chứ không phải bằng con đường vũ lực. Với quan điểm này, Đảng ta, Chính phủ ta, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của bạn bè quốc tế”.

Với chiến thắng phát xít của Liên Xô và các nước đồng minh, kẻ thù nguy hiểm nhất của nền hòa bình thế giới đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, nhìn lại lịch sử, các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm giữ gìn nền hòa bình thế giới, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Theo Lại Hoa - Minh Châm
 
VOV