Biển đảo là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu của Quốc hội khóa tới

(Dân trí) - “Kim chỉ nam cho hoạt động của Quốc hội từ những ngày đầu tiên cho tới giờ là tinh thần “độc lập – thống nhất – dân chủ”. Xét trên tinh thần đó, biển đảo chính là một vấn đề cần ưu tiên quan tâm của Quốc hội những khóa tới…”- Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý…

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 5/1, tại Nhà Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức cuộc gặp mặt đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vui mừng ôn lại lịch sử hào hùng và ý nghĩa lịch sử của Ngày tổng tuyển cử đầu tiên, các hoạt động của Quốc hội từ khóa I tới khóa XIII. 70 năm qua, đã có gần 6.000 đại biểu tham gia Quốc hội qua các khóa.

“Các thế hệ đi trước đã để lại một gia sản to lớn cho đại biểu Quốc hội, Quốc hội các khóa tiếp sau, đặc biệt, cuộc tổng tuyển cử năm 1946 thành công vang dội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đây là cuộc bầu cử của lòng dân, kết tinh của tinh thần đoàn kết toàn dân” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định. Kế thừa truyền thống đó, mỗi đại biểu Quốc hội đều có quyền tự hào được đại diện cho ý chí nguyện vọng nhân dân, mang trong mình hơi thở của cuộc sống, sức mạnh của nhân dân, tinh thần đại đoàn kết toàn dân và của ý chí dân tộc Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chào đón các thế hệ đại biểu Quốc hội dự cuộc gặp mặt kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (ảnh: VOV).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chào đón các thế hệ đại biểu Quốc hội dự cuộc gặp mặt kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (ảnh: VOV).

Chủ tịch Quốc hội nhận định, dù còn nhiều việc đại biểu Quốc hội và Quốc hội chưa làm được như ý muốn của cử tri và nhân dân, nhưng 13 khóa Quốc hội có quyền tự hào về những thành quả to lớn đạt được trong suốt 70 năm qua.

“Kỷ niệm 70 năm, mà nếu nói xa hơn nữa, tiền thân của Quốc hội là Quốc dân đại hội Tân Trào, là những hội nghị Diên Hồng, Bình Than trong lịch sử mà chúng ta tự hào đặt tên cho những phòng họp tại tòa nhà Quốc hội hiện tại. Mỗi đại biểu mãi mãi là người đại diện của nhân dân. Hiến pháp có thể thay đổi, luật pháp có thể thay đổi nhưng tinh thần của đại biểu Quốc hội và Quốc hội là không thay đổi, các đại biểu khóa tiếp theo cần kế tục truyền thống, mang trong mình sức mạnh, chí ý của nhân dân và hơi thở của đời sống, của đất nước” – Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Nhất trí với tinh thần đoàn kết, dân chủ mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhắc lại thành công của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 khi có đến 90% người dân khi đó chưa biết chữ, đất nước kiệt quệ sau thời gian dài bị Pháp, Nhật đô hộ, vừa mới giành được chính quyền. Trình độ, dân trí chưa cao nhưng ý thức chính trị của người dân khi đó, ông Yểu nhấn mạnh “rất tuyệt vời”.

Qua 13 khóa Quốc hội, 4 lần sửa Hiến pháp, Quốc hội hiện tại đã tiến những bước rất dài trên hành trình phục vụ nhân dân, đã hoàn thiện mạnh mẽ thể chế bám theo tinh thần dân chủ.

Ông Yểu đánh giá cao sự tiến bộ trong hoạt động giám sát, đặc biệt là trong chất vấn của Quốc hội những khóa gần đây khi việc giải trình, điều trần tổ chức cả ở UB Thường vụ Quốc hội, ở Hội đồng Dân tộc và các UB giữa các kỳ họp.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý thêm cho một nội dung hoạt động của Quốc hội là phải “quyết liệt nắm ngân sách”, thể hiện không chỉ ở phần chi mà cả trong việc lập dự trù ngân sách hàng năm. Nắm sâu hơn nữa việc quyết định ngân sách, theo ông Yểu, là cách tốt nhất để thực hiện quyền kiểm soát, giám sát với các cơ quan thừa hành.

Một vị Phó Chủ tịch Quốc hội khác là Trung tướng Đặng Quân Thụy cũng tán thành nhấn mạnh nguyên tắc “độc lập – thống nhất – dân chủ” trong Quốc hội đã thể hiện từ lần tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, là kim chỉ nam với đất nước qua 2 cuộc kháng chiến, qua thời kỳ xây dựng XHCN và qua chặng đường 30 năm đổi mới đến giờ.

Trên tinh thần này, ông Thụy nhận định, thời điểm này, biển đảo chính là một vấn đề cần ưu tiên quan tâm của Quốc hội vì đó là chuyện chủ quyền đất nước, là hướng thể hiện nguyên tắc độc lập, tự chủ đã đề ra. Cả dân tộc đã phải đổ nhiều công sức, xương máu cho vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc nên các khóa Quốc hội tới đây phải tiếp tục đầu tư, hoàn thành những luật về biển, về đảo, quần đảo để chuẩn bị đủ cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển.

Đại biểu Phan Huy Tánh thì thẳng thắn góp ý: “Thực hành dân chủ hiện vẫn chưa đáp ứng mong mỏi, yêu cầu của người dân, bất công trong xã hội còn nhiều, tiêu cực xã hội đang diễn biến xấu đáng lo ngại. Quốc hội phải tiếp tục sửa mình cũng như Đảng phải tiếp tục sửa mình để người dân tin vào tinh thần đó. Nhà nước có đoàn kết, dân chủ thì bên ngoài người dân mới dân chủ, đoàn kết hết lòng được”.

Cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành tại buổi gặp mặt để ôn lại 70 năm lịch sử Quốc hội Việt Nam đã đi qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ tin tưởng các khóa Quốc hội tiếp theo sẽ kế tục truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, mang tinh thần đó vào các diễn đàn nghị viện cũng như trong các văn bản luật, mục tiêu hơn hết là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ và văn minh cho nhân dân.

P.Thảo