Báo chí cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cho rằng báo chí có vai trò quan trọng trong việc quảng bá các hoạt động thông tin đối ngoại.

 


Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo.

Hôm nay, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo công bố Nghị định 72/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: “Ngày 7/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 72/2015/NĐ-CP cả Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực thông tin đối ngoại. Trước đó, ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg”.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng về Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng công tác thông tin đối ngoại vẫn còn một số hạn chế như hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao; sự phối hợp, gắn kết giữa các Bộ, ngành còn hạn chế; kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại còn hạn chế và phân tán; lực lượng thông tin đối ngoại mỏng; chất lượng hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; các phương tiện thông tin đại chúng chưa phát huy hết vai trò trong hoạt động đối ngoại.

Đại diện Bộ TT&TT cho biết, một trong những giải pháp để khắc phục những hạn chế trên là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Quy chế.

Ông Tuấn cho hay Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/10/2015. Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Nói về vai trò của cá cơ quan báo chí trong công tác thông tin đối ngoại, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận: “Đã có nhiều cơ quan báo chí, đài truyền hình chủ lực thực hiện công tác thông tin đối ngoại. Nhiều cơ quan đã cử phóng viên, đại diện công tác, làm việc tại nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ đưa hình ảnh Việt Nam ra quốc tế và cũng tuyên truyền thông tin quốc tế tại Việt Nam”.

Thứ trưởng đánh giá cao các nỗ lực của các cơ quan, như Truyền hình đối ngoại VTV4, VTC10; Hệ phát thanh đối ngoại VOV5; Các báo đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam như Báo Vietnam News, Báo Le Courrier du Vietnam, Báo điện tử Vietnam Plus, Báo Ảnh Việt Nam. Hiện có 52 văn phòng thường trú ở nước ngoài của 4 cơ quan, bao gồm Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam.

Thứ trưởng Tuấn cho rằng các báo, đặc biệt là các báo điện tử nên xây dựng các chuyên trang quảng bá về các hoạt động thông tin đối ngoại để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin đối ngoại trên cả hai phương diện: chuyển tải hình ảnh, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đưa thông tin nước ngoài về Việt Nam.

Một số nội dung chủ yếu trong Nghị định

Nghị định gồm 4 Chương, 26 Điều, quy định chi tiết về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc hoạt động thông tin đối ngoại, quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, nội dung thông tin đối ngoại, cung cấp thông tin đối ngoại, một số kênh cung cấp thông tin đối ngoại trọng tâm, cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại, hoạt động hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông, phóng viên nước ngoài để quảng bá Việt Nam tại nước ngoài, một số thiết chế thực hiện công tác thông tin đối ngoại ở địa bàn ngoài nước, kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý và triển khai hoạt động thông tin đối ngoại.

2. Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.

3. Các nguyên tắc hoạt động thông tin đối ngoại đầy đủ, rõ ràng, trong đó có nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước và bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, uy tín, hình ảnh, quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế của Việt Nam khi thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại.

4. Quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại, hướng dẫn cụ thể các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý và triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. Nghị định cũng quy định rõ 06 nội dung quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.

5. Nội dung thông tin đối ngoại: Nghị định về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đã quy định rõ thông tin đối ngoại bao gồm thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam và thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam.

6. Cung cấp thông tin đối ngoại: Nghị định quy định chi tiết về cung cấp thông tin chính thức, cung cấp thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam, cung cấp thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam và cung cấp thông tin giải thích, làm rõ.

7. Một số kênh cung cấp thông tin đối ngoại trọng tâm: trang thông tin điện tử đối ngoại, cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại, xuất bản phẩm thông tin đối ngoại, sự kiện tổ chức tại nước ngoài.

8. Cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại: là hệ thống dữ liệu được số hóa, tích hợp từ các hệ thống dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, là nguồn cung cấp thông tin chính thức về Việt Nam, phục vụ công tác tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam.

9. Hoạt động hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông, phóng viên nước ngoài để quảng bá Việt Nam tại nước ngoài: Nghị định quy định các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông, phóng viên nước ngoài được hỗ trợ, tạo điều kiện trong hoạt động viết tin, bài, sản xuất chương trình và thực hiện các xuất bản phẩm nhằm giới thiệu về Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài.

10. Một số thiết chế thực hiện công tác thông tin đối ngoại tại địa bàn ngoài nước: cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan thường trú các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài.

11. Kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại: Kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại được đảm bảo từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

12. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại: Nghị định đã đưa ra quy định làm căn cứ để các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại.

Khôi Linh