Bị tai nạn ngoài giờ làm việc có được gọi là tai nạn lao động?

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Nguyệt (Quảng Trị), trên đường về nhà sau giờ làm việc, bà Nguyệt nhận được điện thoại đề nghị quay trở lại Công ty để tắt điện phòng làm việc và khi quay lại Công ty, bà Nguyệt đã bị tai nạn giao thông.

Cơ quan công an đã lập biên bản tại hiện trường, xác nhận bà Nguyệt không vi phạm pháp luật về giao thông.

Sau thời gian điều trị, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Quảng Trị đã thực hiện giám định tỷ lệ thương tật cho bà Nguyệt. Sau đó, công ty đã hoàn tất hồ sơ gửi cơ quan BHXH đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động cho bà. Tuy nhiên, BHXH tỉnh Quảng Trị cho rằng, lý do quay trở lại công ty sau giờ làm việc của bà không phù hợp nên bà Nguyệt không được giải quyết chế độ.

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Nguyệt đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi cho bà.

BHXH Việt Nam trả lời bà Nguyễn Thị Nguyệt như sau;

Theo quy định của pháp luật về BHXH thì người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn một trong các trường hợp: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; việc giải quyết chế độ tai nạn lao động căn cứ vào hồ sơ của từng người lao động do đơn vị sử dụng lao động lập.

Pháp luật về BHXH cũng quy định trường hợp khi phát hiện quyết định, hành vi về BHXH trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người lao động hoặc người sử dụng lao động có quyền khiếu nại đến cơ quan BHXH nơi đã ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi đó để xem xét, giải quyết, nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc quá thời hạn quy định mà không được giải quyết thì có quyền tiếp tục khiếu nại đến Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt, theo phản ánh: Khi trên đường về nhà sau hết giờ làm việc, do nhận được điện thoại của lãnh đạo phòng đã quay lại Công ty mở khóa cửa để tắt điện phòng làm việc thì bị tai nạn giao thông; hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của bà Nguyễn Thị Nguyệt đã không được BHXH tỉnh Quảng Trị giải quyết với lý do không hợp lý về tuyến đường (bị tai nạn trên đường quay trở lại nơi làm việc).

Với quy định nêu trên, để được xem xét giải quyết, Công ty Cổ phần Nông sản Tân Lâm cần hoàn thiện hồ sơ (xác định và kết luận bà Nguyệt bị tai nạn thuộc trường hợp nào, có phải do thực hiện yêu cầu của người sử dụng lao động hay không), sau đó báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho ý kiến để BHXH tỉnh Quảng Trị làm căn cứ giải quyết.

Theo Chinhphu.vn