Xin đừng tự sát bằng sự u mê và lòng tham không đáy!

(Dân trí) - “32.000 người sập bẫy lừa đảo 15.000 tỷ đồng tiền ảo” – đây có lẽ là từ khoá gây chấn động nhất trong vài ngày qua. Quá khủng khiếp!

Xin đừng tự sát bằng sự u mê và lòng tham không đáy! - 1

Một trong số những người “dính bẫy” cho biết, họ được hứa hẹn sẽ có lợi nhuận từ 48-60% mỗi tháng khi đầu tư vào Ifan. Tính ra, cả năm mức lãi sẽ là 600%. Đố mà bỏ tiền vào đâu gặt hái siêu lợi nhuận tính bằng lần như thế!

Sản xuất kinh doanh lãi được 20%/ năm đã là may lắm. Bất động sản hay chứng khoán, muốn lãi cũng phải nghiên cứu thị trường đến “bạc tóc”. Tiết kiệm thì chẳng nói làm gì, kênh được coi là “an toàn” nhất, nhưng tìm đâu ra ngân hàng nào cho lãi suất nổi 8-9% vào thời buổi này?

Đã thế, khi giới thiệu thêm người mới tham gia vào hệ thống lại còn nhận được thêm 8% tiền mặt. Người chơi được hứa hẹn tặng hàng trăm ngàn USD, nhà biệt thự hoặc những chuyến du lịch xa hoa tại châu Âu. Một chiêu thức kinh doanh mà ngay khi giới thiệu qua thì đa số đều “ngửi” thấy “mùi” lừa đảo. Ấy vậy mà vẫn chiêu dụ hơn 30.000 khách hàng khắp Việt Nam với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng.

Độc giả chỉ cần lên mạng gõ từ khoá “đầu tư tiền ảo” hay “ICO” thì chỉ trong chưa đầy 1 giây đã cho ra cả trăm nghìn kết quả. Hầu hết là tên miền quốc tế. Lý do đơn giản thôi, tiền ảo không hợp pháp tại Việt Nam. Không hợp pháp nhưng hàng vạn người vẫn lao đầu vào như thiêu thân vì mức lợi nhuận quá ư là hấp dẫn.

Tôi không bình luận về kênh đầu tư vào tiền ảo, thực tế không ít người vẫn chốt lãi thành công, nhưng tôi cảm thấy cực kỳ khó hiểu khi vẫn có rất nhiều người đổ tiền vào các ICO để tham gia vào một “trận đánh” mang tính toàn cầu trong thời đại công nghiệp blockchain dù chẳng có một chút kiến thức gì về nó. Họ đầu tư theo kiểu được rủ rê, nghe nói và đặt niềm tin vào một công ty mà đến địa chỉ cũng không có thật: một công ty ma đúng nghĩa! Thế không “chết” thì mới lạ!

Nhiều người nghĩ rằng, bỏ vốn vào ICO đâu khác gì đầu tư vào chứng khoán hay rót tiền vào các cuộc IPO của các doanh nghiệp đại chúng. Nhưng một điểm khác biệt cực kỳ lớn mà không phải ai cũng chịu nhìn nhận cho, đó là chứng khoán yêu cầu sự minh bạch, các công ty đều phải có tiêu chuẩn rõ ràng, có lai lịch hẳn hoi mới được “lên sàn”, còn ICO huy động vốn ngay cả khi công ty còn chưa hề tồn tại!

Biết làm sao được! Có câu “liều ăn nhiều”, lợi nhuận song hành với rủi ro “rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng nhiều”. Bỏ tiền vào một canh bạc mà phần thắng hoàn toàn trong tay “nhà cái”, bây giờ thật khó để kêu cứu ai khi giao dịch không qua hợp đồng, toàn bộ đều diễn ra trên website. Dẫu biết “của đau con xót” nhưng biết kêu ai?

Sẽ có người đổ lỗi cho chính quyền, đặt câu hỏi vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu khi những hình thức lừa đảo này vẫn diễn ra nhan nhản mà không có đơn vị nào kịp thời ngăn chặn? Tại sao các cuộc hội thảo đa cấp, lôi kéo người dân tham gia vào những hình thức đầu tư đầy rẫy rủi ro này vẫn diễn ra? Những câu hỏi đó không phải không có cơ sở, nhưng, tiền trong tay nhà đầu tư, nếu nhu cầu kiếm lãi từ các kênh phi hợp pháp như thế mạnh mẽ đến mức khiến người ta bất chấp, thì chính quyền liệu có ngăn cản nổi?

Thiết nghĩ, điều mà các cơ quan chức năng cần làm, đó là tạo được sự tin tưởng cho người dân vào những kênh đầu tư chính thống, đừng khiến người ta phải bất an vì rủi ro “mất tiền” trong khi lãi suất chưa thật hấp dẫn. Và hơn thế, nếu các cơ quan quản lý thực sự có trách nhiệm thì không thể có công ty “ma” nào dám tổ chức những buổi hội thảo rầm rộ với cả trăm nghìn người tham dự cả.

Nói cho cùng, lòng tham và sự thiếu hiểu biết cũng như liều thuốc phiện dẫn con người vào cõi u mê. Trong thế giới ảo đó, có bao nhiêu phần trăm người tham gia là đã thu được “lãi thật”?

Bích Diệp