Vụ việc ông Hoàng & tinh thần tự thấy “xấu hổ” của ĐB Dương Trung Quốc

(Dân trí) - Cách đây 8 tháng (3/2016), trả lời báo chí, ông Quốc đã nói tự thấy “xấu hổ” khi gặp cử tri. “Có những lúc tôi xấu hổ khi gặp cử tri. 14 năm qua, tôi vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm là không làm tròn trách nhiệm với người dân mặc dù đã hết sức nỗ lực”. Ông Quốc nói.

Vụ việc ông Hoàng & tinh thần tự thấy “xấu hổ” của ĐB Dương Trung Quốc - 1

Việc vi phạm kỉ luật nghiêm trọng của ông Vũ Huy Hoàng đã và đang tiếp tục được mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác nhau. Nếu như nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương có cách nhìn dưới góc độ công tác tổ chức, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước thiên về cái nhìn của người lính thì Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc lại có cái nhìn từ tính tự phê của một đại biểu Quốc hội.

Trong bài “Từ vụ ông Vũ Huy Hoàng: "Nếu xử lý được khi đương quyền...", theo Nhà báo Bích Diệp, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (7/11), ĐB Dương Trung Quốccho biết, bản thân ông cũng như toàn bộ người dân đều hoan nghênh trước quyết định "cách chức" ông Vũ Huy Hoàng dù ông này đã về hưu.

Tuy nhiên, ông Quốc đặt vấn đề không nên cho rằng đây chỉ là trường hợp ngoại lệ, điển hình - có nghĩa chỉ làm trường hợp này thôi mà không làm trường hợp khác nữa. Điều quan trọng là phải xây dựng thành hệ thống pháp luật, có quy định cụ thể về việc "cách chức" đối với một người đã hết chức từ lâu.

Ông Quốc nói: "Điều tôi muốn nói nhiều hơn là làm sao ta phải xử được khi người ta đương quyền thì mới ngăn chặn được hậu quả. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh này nên coi việc làm này khởi động cho việc không phải là xử lý hậu quả mà ngăn chặn hệ quả tiêu cực!".

Câu này, ĐB Dương Trung Quốc đã nói hộ lòng dân.

Ở đây có hai khía cạnh nhìn nhận. Thứ nhất, nếu ông Hoàng đương chức, liệu có bị “cách chức” hay không, ĐB Quốc đặt câu hỏi: “Ta cứ lùi lại sự kiện, nếu không bắt đầu từ chiếc xe biển xanh của Trịnh Xuân Thanh thì có xuất hiện vấn đề Trịnh Xuân Thanh không? Nếu không đi từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh thì có ra vấn đề ông Vũ Huy Hoàng không?".

Thứ hai, tại sao những việc làm của ông Hoàng diễn ra lâu dài, ở nhiều lĩnh vực nhưng không một ai, cơ quan nào phát hiện ra?

Đối với câu hỏi này, ĐB Dương Trung Quốc lại một lần nữa thể hiện rất rõ tinh thần tự phê khi tỏ ra băn khoăn về "dấu ấn của Quốc hội" trong hoạt động của Chính phủ. Ông Quốc cho rằng, Quốc hội cần "soi lại" và tăng cường hơn nữa chức năng giám sát, quyền lực giám sát tối cao của mình.

Đặc biệt với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng , ông Quốc nhìn nhận đại biểu Quốc hội có phần trách nhiệm vì trong nhiệm kỳ ông Hoàng làm Bộ trưởng, ông này vẫn được nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIII bỏ phiếu "tín nhiệm cao".

Quá đúng! Qua hai nhiệm kỳ cả chục năm, với bao nhiêu lần chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm, ông Hoàng vẫn được tín nhiệm. Thậm chí, theo kết quả kiểm phiếu được công bố sáng 11/6/2013, ông Vũ Huy Hoàng đạt 112 phiếu “tín nhiệm cao”, chưa kể hàng trăm phiếu “tín nhiệm” khác.

Vì sao lại có hiện tượng này? Lý do thì có nhiều như thiếu thông tin, có những đại biểu không cân nhắc kỹ… Song, Quốc hội không thể không “soi lại” chức năng giám sát tối cao của mình như lời ĐB Quốc.

Thật ra, cái tinh thần “tự soi” lại mình của ĐB Dương Trung Quốc không phải lần này mới có.

Cách đây 8 tháng (3/2016), trả lời báo chí, ông Quốc đã nói tự thấy “xấu hổ” khi gặp cử tri. “Có những lúc tôi xấu hổ khi gặp cử tri. 14 năm qua, tôi vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm là không làm tròn trách nhiệm với người dân mặc dù đã hết sức nỗ lực”. Ông Quốc nói.

Tóm lại, từ vụ việc ông Vũ Huy Hoàng, mong rằng Quốc hội tăng cường chức năng giám sát đồng thời phát huy hơn quyền giám sát tối cao của mình và một lần nữa, xin bày tỏ sự trân trọng tinh thần tự nhận của DB Dương Trung Quốc bởi đó là một tinh thần rất đáng phát huy, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám