“Vì các cháu hay vì người lớn”

(Dân trí) - Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại “Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên” do Bộ GD-ĐT tổ chức.

 

“Vì các cháu hay vì người lớn” - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nguyên văn như sau: “Cả nước cùng khai giảng một buổi, cùng một giờ, cùng một thời khắc, cùng hát quốc ca, cùng chào cờ, cùng đọc thư Chủ tịch nước. Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn còn phần sau là để ngày hội cho thầy cô giáo và các cháu. Chúng ta làm thực sự vì học sinh. Chúng ta xem lại những lễ khai giảng trước vì các cháu hay vì người lớn?”.

Quá đúng!

Đã nhiều năm nay, lễ khai giảng “tưởng” là của học sinh nhưng nhiều khi và nhiều nơi là “độc quyền” người lớn, tổ chức cho người lớn và mục đích của người lớn…

Từ nay, các cháu sẽ đoạn tuyệt với những ngày dầm mưa, đội nắng. Đoạn tuyệt với những bài diễn văn dài lê thê khoe công, kể thành tích, bảo ban, rao giảng. Đoạn tuyệt với những màn cờ hoa phấp phới chào mừng những người các cháu chẳng biết là ai và cũng chẳng biết để làm gì, chỉ để làm vừa lòng người lớn.

Một cô giáo đã tâm sự thẳng thắn với báo chí: “Cả chục năm nay, năm nào cũng như năm nào, các con tập trung từ 7h15 sáng ở sân trường, hàng chục chiếc quạt công suất lớn chĩa vào các con nhưng không giảm được cái nóng ngột ngạt, oi bức.

Chốc chốc lại có tiếng các cô nhắc vào loa: “Khi nào các bác thủ trưởng cấp trên đến, cả trường ta nhớ vỗ tay hoan hô nhé. Các con nhớ chưa nào?”. Tiếng trẻ con ê a vang lên: “Chúng con nhớ rồi ạ”.

Rồi sau đó lại ào ào như ong vỡ tổ. Có năm, phải gần 10 giờ các bác thủ trưởng mới đến được trường nhưng buổi khai giảng diễn ra rất chóng vánh, vội vàng vì trời nắng quá, lại sắp đến giờ các con ăn trưa…”.

Với quy định khai giảng ngắn gọn như năm nay sẽ giảm được nhiều áp lực cho chính các trường và cả các vị lãnh đạo đi dự khai giảng. Mọi năm, dù bận đến mấy các lãnh đạo vẫn phải xếp lịch đi dự khai giảng nhiều trường để động viên các cháu, năm nay chính vì tổ chức một ngày nên mỗi lãnh đạo chỉ đến một trường.

Ai tạo ra kịch bản “bi hài” này? Tất nhiên, đó là người lớn. Các em học sinh không muốn làm việc này mà bị ép buộc.

Cách đây mấy năm, khi con trai vào lớp một, người viết bài này đã gọi điện cho cô giáo thưa rằng cháu còn bé, chẳng biết ai vào ai, cô đừng bắt cháu và các bạn phải “vẫy cờ chào đón”, “nhiệt liệt hoan hô” những người mà cháu không biết. Cũng đừng bắt cháu đội nắng, dầm mưa nghe những lời rao giảng mà cháu chẳng hiểu gì…

Có thể nói những bài phát biểu dài lê thê cùng với việc “cờ hoa đón rước” đã trở thạnh “tệ nạn” trong các buổi lễ lạt của ta.

Cách đây 4 năm, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 2430, nội dung có đoạn: “Tại Hội nghị toàn quốc công tác văn phòng tỉnh ủy, thành ủy (ngày 28 và 29-9-2011), đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu: khi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm và làm việc với địa phương, đơn vị, không được treo khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng …” ở ngoài và trong nơi làm việc của lãnh đạo với địa phương, đơn vị. Việc này cần phải được thực hiện thống nhất và thực hiện ngay trong toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.

Thế nhưng đó đây, trong những buổi đón tiếp, lễ lạt vẫn thấy băng rôn khẩu hiệu với những “nhiệt liệt”, “chào mừng”…

Giờ đây, các cháu đã bỏ việc này, mong các bác, các cô, các chú “noi gương” các cháu mà bớt đi nhưng thủ tục rườm rà, nhiêu khê và nặng về hình thức.

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!