Những câu hỏi trong vụ vi phạm cực kỳ nghiêm trọng tại Hà Giang

(Dân trí) - Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt hiện nay, chắc chắn vụ việc sẽ sớm được làm sáng tỏ và theo người viết bài này, ông Lương rất khó để thoát khỏi một vụ án hình sự...

Những câu hỏi trong vụ vi phạm cực kỳ nghiêm trọng tại Hà Giang - 1

Một vụ vi phạm cực kỳ nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại Hà Giang theo đó, có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm ít nhất từ 1,0 đến 8,75 điểm.

Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Đó là thông tin mới nhất vừa được Bộ GD&ĐT công bố.

Nói cực kỳ nghiêm trọng bởi tính chất của vụ việc và mức độ ảnh hưởng đối với đời sống xã hội.

Về tính chất vụ việc, đây là kỳ thi quốc gia với hai mục tiêu là công nhận tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh vào các trường đại học.

Điều này có nghĩa không chỉ là công nhận thành tích của quá khứ (tốt nghiệp) mà còn mở ra tương lai cho một số thí sinh khi trúng tuyển vào các trường đại học.

Vụ việc này tước đi cơ hội của 114 thí sinh thực sự giỏi và trung thực để nhận vào các giảng đường 114 em yếu kém và gian dối.

Nói cực kỳ nghiêm trọng bởi việc gian lận này còn mang tính có tổ chức, với số lượng vi phạm rất lớn, cụ thể là 114 thí sinh và 330 bài thi.

Về ảnh hưởng xã hội, nó đã phá vỡ mọi nỗ lực trong việc thi cử. Để gộp hai kỳ thi tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh đại học hôm nay là nỗ lực rất lớn không chỉ của riêng ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Trong đó, không thể không kế đến sự đóng góp của truyền thông báo chí.

Cách đây hơn 6 năm (07/06/2012), BLOG báo Dân trí cũng là nơi đầu tiên đưa ra đề xuất này trong bài “Thi tốt nghiệp THPT - Nên để hay bỏ?” (xem trong bài liên quan).

Gần một năm sau (5.8.2013), trong bài “Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học?” cũng đăng trên BLOG Dân trí, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) gợi ý: “Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ ki thi tốt nghiệp THPT vì thực tế kết quả tốt nghiệp rất cao”.

Trở lại với vụ việc tiêu cực tại Hà Giang, xin ghi nhận tinh thần khẩn trương, thái độ nghiêm khắc và sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT, trực tiếp ở đây là Cục Quản lý chất lượng giáo dục.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, đã phát hiện ra một đối tượng là ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Vấn đề đặt ra giờ đây là động cơ của ông Lương là gì? Có ai “đồng hành”, có ai “chống lưng” hay không? Tại sao cả một hệ thống giám sát mà không ai phát hiện ra việc chỉnh sửa này?

Có mục đích kinh tế hay không và có ai trong số các thí sinh được nâng điểm là con cháu cán bộ lãnh đạo địa phương này như dư luận nghi ngờ không? Có ý kiến đề nghị xem lại kết quả 2017 và dư luận cho biết, con ông Lương từng đạt điểm rất cao trong kì thi này?

Xin được nhắc lại, đây là một vụ vi phạm rất nghiêm trọng và được biết, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6756/VPCP-KGVX ngày 17/7/2018 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả đồng thời giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt hiện nay, chắc chắn vụ việc sẽ sớm được làm sáng tỏ và theo người viết bài này, ông Lương rất khó để thoát khỏi một vụ án hình sự.

Bùi Hoàng Tám