Trong vinh quang vốn nhiều cám dỗ

(Dân trí) - Trận đấu cuối cùng của U23 đã kết thúc trên đất Thường Châu, Trung Quốc cách đây gần 1 tuần lễ, thế nhưng câu chuyện về những chiến tích thần kỳ ấy dường như vẫn còn chưa khép lại.

Trong vinh quang vốn nhiều cám dỗ - 1

Sau hàng giờ liền trên chiếc xe bus vinh danh đi trong vòng vây của hàng chục, hàng trăm nghìn người hâm mộ, được các lãnh đạo cấp cao đón tiếp: Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đến các chủ tịch tỉnh… các cầu thủ vẫn chưa thể trở về với gia đình mà còn phải sắp xếp lịch cho những buổi giao lưu lớn, nhỏ khác.

Trên các title báo - không chỉ báo chí trong nước mà cả báo chí nước ngoài cũng dành những mỹ từ đẹp nhất để ca tụng, tán dương các em. Kể từ thế hệ vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn… phải mất hàng thập kỷ, đất nước mới lại sống trong không khí cuồng nhiệt, nô nức như thế.

Tôi phần nào choáng ngợp bởi những hình ảnh đón tiếp các em ở quê nhà. Anh em, bè bạn, người thân, thậm chí cả những người các em chưa bao giờ gặp mặt cũng đều đến chúc mừng, chung vui với gia đình. Thủ môn Tiến Dũng, cái tên bây giờ đã quá nổi tiếng với truyền thông, đã chia sẻ: “Suốt đời tôi không quên tình cảm của người hâm mộ”.

Bên cạnh những động viên về mặt tinh thần đó, các cầu thủ và cả đội tuyển cũng được nhận được những phần thưởng vật chất, trong đó, riêng giá trị số tiền thưởng cho đội, đến thời điểm này đã vào khoảng 24 tỷ đồng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Olympic quốc gia tặng thưởng 3,2 tỷ đồng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam trao 3,6 tỷ đồng và Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) thưởng 1,5 tỷ đồng. Hàng chục cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân cũng đã hứa hoặc đã trao tiền thưởng.

Chưa hết, ngày 1/2, từ mạng xã hội cho đến báo chí “dậy sóng” về một bảng báo giá quảng cáo liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của thủ thành Tiến Dũng. Tất cả được “định giá” nghìn đô: 2.500 USD một chia sẻ trên facebook, 5.500 USD một lần livestream, 10.000 USD một lần dự sự kiện. Chụp ảnh check-in thôi cũng 5.000 USD, tham gia chụp ảnh 10.000 USD và giá quay quảng cáo lên đến 50.000 USD. Đặc biệt, nếu trở thành gương mặt đại diện cho một ngành hàng thì mức thù lao được ấn định cho cầu thủ này lên tới hơn 123.000 USD, tương đương hơn 2,7 tỷ đồng.

Trong giới showbiz, mức giá này không phải là quá “chát”, nhưng nó đủ làm những người làm công ăn lương phải “sốc”, và hẳn rằng, bản thân những cầu thủ lứa tuổi dưới 23 như Tiến Dũng cũng phải choáng váng, không thể ngờ đến, khi chỉ mới chưa đầy một tháng trước, ước mơ của các em mới chỉ là có tiền cho bố sửa nhà hay sắm thêm một chiếc máy giặt cho mẹ.

Cần phải nói rằng, tất cả những tình cảm của người hâm mộ, những khoản thưởng và cả mức định giá nói trên… đều là xứng đáng với các em, xứng với những nỗ lực bền bỉ, xứng với sự quả cảm, và xứng với kỳ tích mà các em mang lại cho người hâm mộ nước nhà.

Nhưng tôi hy vọng, đó chưa phải là tất cả, chưa phải là cái đích cuối cùng mà các em mong đạt tới, Á quân U23 châu Á cũng không phải là đỉnh vinh quang trong sự nghiệp bóng đá của các em.

Sự nổi tiếng và sự o bế đến với các em bây giờ, thực ra đã được HLV của các em - ông Park Hang-seo chuẩn bị từ trước. Ông Park đã nói trên một tờ báo Hàn Quốc: “Các cầu thủ sẽ nổi tiếng hơn. Nhưng những thứ đó rồi sẽ qua thôi và nếu chúng ta không biết kiểm soát tốt, chúng ta sẽ không thể có những vinh quang lớn hơn trong tương lai”.

Và trong những ngày cuồng nhiệt, hình ảnh một Văn Hoàng xuống khỏi ô tô tỉnh nhà đưa đón để ngồi lên chiếc xe máy “cà tàng” của bố về nhà, một Xuân Mạnh giản dị bên căn nhà cũ kỹ, dột nát với lời hứa “nỗ lực kiếm tiền từ bóng đá để trả nợ cho bố mẹ”… đã gieo lên trong tôi những tình cảm đầy tích cực. Tôi đặt niềm tin của mình vào một lớp cầu thủ trẻ biết trân trọng cội nguồn, gốc rễ; biết khiêm nhường giữ lửa và biết vượt qua cám dỗ để vươn lên.

Bích Diệp