Thương thương cái bản kê khai….!

(Dân trí) - Thực ra thì cán bộ có nghèo không? Xin thưa, tuyệt đại đa số là không nghèo. Thậm chí, có một số người còn giàu, rất giàu. Nhà cửa như biệt phủ, xe sang, con cái du học nước ngoài…

Thương thương cái bản kê khai….! - 1

Chuyện kê khai tài sản lại tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu đã bày tỏ những cái nhìn khác nhau về vấn đề này và không giấu diếm nói lên sự băn khoăn về tính hiệu quả của nó. Đặc biệt là “bệnh” hình thức trong không ít bản kê khai.

Tại phiên thảo luận tổ về luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều 31/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ: "Việc kê khai tài sản ta làm lâu nay hầu hết là “kê chỉ để đó thôi’. Đọc hồ sơ kê khai của nhiều người, kể cả các cán bộ cấp cao, tôi nghĩ nếu đưa ra cho nhân dân đọc thì người ta sẽ nhất định không đồng tình”.

Theo ông Nhưỡng, việc khai lần đầu này cũng là thời điểm để xác định người kê khai có được cho, tặng tài sản không chứ không thực tế, hầu hết cán bộ “có vấn đề”, “có dư luận” về vấn đề tài sản hiện nay đều viện dẫn là được cho, tặng, thừa kế.

Cùng quan điểm với ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ĐB Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội còn đi xa hơn khi cho rằng nguyên nhân có việc cán bộ kê khai tài sản không trung thực là do cơ chế kiểm soát kê khai cũng thế mà không kê khai cũng thế.

“Báo chí nói cán bộ không nghèo, nhưng kê khai thì phải nghèo. Đầu nhiệm kỳ phê chuẩn bổ nhiệm, một loạt tập hồ sơ thế này đọc thấy rất nghèo, quá nghèo, nhà đi thuê, không có tài sản gì cả”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Thật ra, câu chuyện này không mới.

Cách đây mấy năm, đọc bản kê khai, cán bộ công chức của ta, ĐB Dương Trung Quốc đã thốt lên đầy… “hài hước”: “Nhìn vào bản kê khai, tôi thấy “thương” cán bộ của ta. Ai cũng nhà Nhà nước cấp, tài sản không có gì, chỉ có nguồn thu nhập là lương. Cán bộ “nghèo ” thế, dân giàu sao được?”.

Thực ra thì cán bộ có nghèo không? Xin thưa, tuyệt đại đa số là không nghèo. Tất nhiên là so với mức sống của những người xung quanh và của số đông đồng bào cả nước chứ không thể so với người dân Thụy Sĩ hay… tỉ phú Hoa Kỳ.

Thậm chí, có một số người còn giàu, rất giàu. Nhà cửa như biệt phủ, xe sang, con cái du học nước ngoài…

Vậy họ có được thừa kế không? Cho, tặng không?

Về thừa kế, có thể khẳng định hầu hết là không. Thành phần xuất thân chủ yếu là con cái gia đình lao động, nhiều người bố mẹ là nông dân ở những vùng quê rất nghèo thì ăn chả đủ, lấy đâu ra của cải để lại cho con cháu?

Về “cho” và “tặng” thì có thể có. Nhưng có bao nhiêu % là từ sự hảo tâm, thật lòng còn bao nhiêu là “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”? Mà cái “hòn đất ném đi” kia hoặc là tài sản Nhà nước, hoặc là dự án hoặc là cái vị trí, cái chức tước… tóm lại là của chung. Còn cái “hòn chì” kia, tất nhiên là “ném lại” cho cá nhân rồi.

Đời, “Miếng pho mát cho không chỉ nằm ttrong bẫy chuột”.

Vậy vì sao có hiện tượng này và làm thế nào để ngăn chặn?

Về nguyên nhân thì như lời của TTK QH Nguyễn Hạnh Phúc đã nói ở trên, đó là do cơ chế kiểm soát, kê khai cũng thế mà không kê khai cũng thế.

Xác định nguyên nhân rồi thì việc ngăn chặn không khó bởi chỉ cần tạo ra “cơ chế kiểm soát” phù hợp.

Song, đến đây lại nảy sinh câu hỏi: Ai sẽ có trách nhiệm kiểm soát bởi như lời của ĐB Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi chưa thấy quy định cụ thể người nào, cơ quan nào sẽ làm việc chứng minh này. Mà khi không quy định ai làm nghĩa là ai cũng được làm. Mà khi ai cũng được làm thì cũng nghĩa là sẽ không có ai làm cả”.

Đối với câu hỏi này, người viết xin đề xuất là nên giao cho dân kiểm soát bởi “Dễ vạn lần không dân cũng chịu – Khó vạn lần dân liệu vẫn xong”.

Xin đừng để đọc xong mà thấy thương thương cái bản kê khai…

Bùi Hoàng Tám