Thôi, xin đừng "hồn nhiên" như thế!

(Dân trí) - Câu chuyện cuối tuần trước về nhóm thanh niên 11 người, tuổi mới 15-18 mang dao, phớ... lên đường cao tốc "xin đểu" rồi vô tư Live Stream (quay trực tiếp clip lên mạng xã hội facebook) được không ít người cho là hành vi phạm tội... hồn nhiên.

Thôi, xin đừng "hồn nhiên" như thế! - 1

Có thể coi là "hồn nhiên" lắm chứ, bởi cả một nhóm thanh niên đã chừng đó tuổi, cũng được ăn học rồi, không thể nói là không biết mang vũ khí đi chặn xe, xin tiền- mà đúng ra là cướp, là hành vi phạm tội. Thế mà cứ vô tư quay video clip, quay trực tiếp, đưa lên mạng xã hội để câu like (thích) từ cộng đồng mạng.

Thậm chí, ngay khi đưa lên mạng, không ít người phê phán, nói đó là hành vi ngu ngốc, cảnh báo sẽ bị công an bắt, đi tù nhưng trong nhóm thanh niên đó, vẫn có những người tỏ thái độ thách thức. Thậm chí, khi biết có người trong nhóm bị bắt rồi, vẫn có cậu còn tiếp tục tự chụp hình của mình đưa lên mạng cho biết... vẫn chưa sao!

Không chỉ ở vụ việc này, có không ít ví dụ khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, phải chăng, có không ít người Việt có tính "hồn nhiên", kể cả với người dân bình thường, cả quan chức nhà nước, doanh nhân? Ở trường hợp trên là cả nhóm thanh niên "hồn nhiên" phạm tội.

Như Dân trí trước đây đưa tin, một doanh nhân ở Đà Nẵng lập dự án "lên trời gọi mưa", gửi công văn cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tạm ứng 5000 tỷ đồng để mua máy bay, khinh khí cầu, hóa chất... để tạo mưa cho các vùng khô hạn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, tất cả các nhà khoa học đều cho rằng, dự án của ông này thật quá viển vông vì không có cơ sở khoa học nào cho thấy việc đó có khả năng làm được.

Cách đây mấy tháng, cũng Dân trí đã đưa tin, 1 doanh nhân khác, tự lập ra một loạt công ty, trong đó có Công ty có tên "Phòng chống thiệt hại cho ngân sách" rồi liên tục gửi công văn cho các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ đề nghị tăng lương cho các các Bô trưởng, Ủy viên Trung ương, gọi là lương "liêm chính" vì cho rằng, thu nhập hiện nay của họ là quá thấp (!), không đủ tiền nuôi 2 con ăn học.

Công ty này gửi công văn đến các bộ nhiều đến nỗi, có Bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rất phiền toái, phải ra văn bản đề nghị Chính phủ không xử lý văn bản kiến nghị dạng này và đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu các công ty trên ngừng quấy nhiễu cơ quan nhà nước.

Kiến nghị, đề xuất những việc gì có ích, có lợi chính đáng cho mình, cho các doanh nghiệp, cho người dân thì cơ quan nhà nước sẽ lắng nghe. Nhưng kiến nghị kiểu hồn nhiên, vô lý như trên, các bộ, ngành không xử lý cũng là hợp lẽ.

Trong năm 2017 cũng ghi nhận khá nhiều câu nói, trả lời từ các cơ quan, chủ dự án có thể nói khá "hồn nhiên" khác mà ngay từ khi họ nói ra, hầu hết mọi người đều không nhịn được cười.

Ví dụ như chuyện giải thích hàng loạt con tàu vỏ thép (còn gọi là tàu 67- được đầu tư theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ) bị hư hỏng mà Nhà nước đầu tư cho dự án đóng tàu xa bờ ở Bình Định, đơn vị thực hiện là Công ty Đại Nguyên Dương đã nói rằng đó là do "nước biển quá mặn". Hay kiểu giải thích cầu Lạch Huyện - cây cầu vượt biển dài nhất ở Hải Phòng mới hoàn thành đã bị nứt là do... gió biển quá mạnh, đều có thể coi là những phát ngôn thuộc loại "hồn nhiên" nhất trong năm.

Mới đây nhất, ngày 29 và 30/12, một số báo đưa tin về dự án sân vận động Hòa Xuân (Đà Nẵng) - dự án được đầu tư trên 300 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng trong năm 2017 đã bị nứt nẻ nhiều chỗ. Ban quản lý dự án giải thích đó là những vết nứt "chân chim". Bình luận về phát biểu này, khi xem các bức hình chụp các vết nứt, không ít người đã bật cười mà ví von: Chắc các bác ấy muốn nói đó là chân chim... đà điểu.

Vâng, có quá nhiều ví dụ cho thấy, ở ta, có không ít người có tính "hồn nhiên" thái quá kiểu như thế. "Hồn nhiên" mà vui vẻ như những đứa trẻ thì chẳng sao, thậm chí còn được coi là một nét tính cách đáng mến. Nhưng kiểu "hồn nhiên" mà hại người, hại tiền, hại của của nhà nước, của dân, mất thời gian của người khác… như thế, thì xin các vị bớt bớt "hồn nhiên", bỏ cái kiểu "hồn nhiên" như thế đi cho.

Mạnh Quân