Thôi đừng “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”…

(Dân trí) - Trong đời, đôi khi thật không dễ để có thể tha thứ cho ai đó, nhưng ta vẫn phải tha thứ và nếu cần, phải học cách để tha thứ. Tha thứ không phải là quên, tha thứ là để vết thương được lành sẹo, để cho nỗi đau lùi xa và để cho không chỉ chính ta mà cả người khác cũng có cơ hội được sống tốt hơn.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Còn nhớ một câu trong Kinh Thánh, từng làm một người ngoại đạo như mình thấy xúc động. “Xin Chúa hãy ban cho con một trái tim đủ lớn, để con có thể yêu người con không thương yêu!”. Một câu Kinh nói lên nỗi đau của những trái tim bị tổn thương đang muốn tha thứ.

Cuộc sống đôi khi thật nhọc nhằn.

Người có lỗi bị dằn vặt, khổ đau và thành tâm sám hối, bình thản chấp nhận thêm một lần nữa sự trừng phạt, khi sự thành tâm của mình chưa được chấp nhận. Đã đành. Nạn nhân, người bị làm tổn thương, dù có thể cũng mong muốn và đang rất cố gắng, nhưng chưa thể nào quên được nỗi đau, không có cách gì quên được.

Người ta vẫn thường hay nói ai đó “xin được tha thứ”, “muốn được tha thứ”, chứ không phải “đòi được tha thứ”. Tha thứ là quyền của nạn nhân. Khi nạn nhân là một số đông thì chuyện người này đã tha thứ còn ngươi kia chưa, thậm chí có người không có khả năng tha thứ cũng là điều khó tránh.

Thế nên, nếu có ai cho thấy họ chưa sẵn sàng tha thứ, họ vẫn còn ôm một nỗi hận nào đó trong lòng (kể cả khi điều đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi hay cuộc sống của cộng đồng, cá nhân người khác), thì điều cộng đồng nên làm vẫn là thuyết phục, kêu gọi chứ không phải lên án, chỉ trích họ.

Gánh nặng quá khứ mỗi người mang theo một cách khác nhau. Và tùy “cơ địa” tinh thần của mỗi người mà nó cũng nặng nhẹ khác nhau. Bạn có quyền được mưu cầu một cuộc sống bình an, hạnh phúc và để đến được với nó bạn có quyền buông bỏ nhiều thứ, kể cả những nỗi đau. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn có quyền lên án, mỉa mai, chỉ trích người khác, khi họ chưa hoặc không thể làm được như bạn.

Lòng nhân ái khoan dung là một giá trị đạo đức cao quý. Khi ta phải trải qua một quá khứ không vui, sẽ chẳng có cách nào tốt hơn để ta bước tới tương lại bằng việc khép laị quá khứ, vượt lên nó, không để nó nhấn chìm.

Lòng nhân ái, khoan dung là nguồn dưỡng khí để cuộc sống được tiếp tục không ngừng. Nó làm nên vẻ đẹp của con người trên thế gian này. Nó là phẩm chất của một kẻ mạnh, là chiếc đũa thần giúp con người hóa giải mọi bế tắc, có đủ sức mạnh để đi tếp trên con đường của mình. Lòng nhân ái khoan dung càng cao quý hơn khi nó được sinh ra nơi những cõi lòng chịu nhiều đau thương và mất mát.

Sự tha thứ không làm thay đổi quá khứ nhưng nó có thể giúp mở rộng tương lai và thực ra, với người có lỗi, việc ta tha thứ cho họ hay không không quan trọng bằng việc họ có tự tha thứ cho mình được hay không. Cũng có lẽ vì thế mà tha thứ đôi khi là hành động ta làm cho chính mình chứ không phải làm cho người khác.

Đừng quên khi ta lên án một ai đó nhân danh sự cảm thông, lòng độ lượng là chính ta chứ không phải ai khác, đang thiếu đi sự độ lượng và lòng cảm thông cần thiết.

Cát Thụy